Vinacomin: Doanh thu 100, lợi nhuận 1

Vinacomin: Doanh thu 100, lợi nhuận 1

Mục tiêu được Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đặt ra trong năm 2017 là đạt lợi nhuận 1.000 tỷ đồng.

Doanh thu 100, lợi nhuận 1

Năm 2017, Vinacomin hướng tới mục tiêu đạt tổng doanh thu của toàn Tập đoàn là 106.865 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2016. Trong đó, lợi nhuận được đặt ra là 1.000 tỷ đồng, tức là đạt 1% so với doanh thu, tiền lương bình quân chung toàn Tập đoàn đạt 9,3 triệu đồng/người/tháng (tăng 5,3% so với 2016), riêng khối sản xuất than là 9,8 triệu đồng/người/tháng (tăng 5% so với năm 2016).

Dẫu vậy, để đạt được mục tiêu lợi nhuận này, Vinacomin sẽ phải phấn đấu không ngừng nghỉ, nhất là nhìn lại thực tế của năm 2016, Vinacomin đã đạt doanh thu 101.180 tỷ đồng. Mức doanh thu này dù hoàn thành kế hoạch của năm, nhưng chỉ bằng 95% năm 2015, lợi nhuận chỉ đạt 800 tỷ đồng.

Như vậy, lợi nhuận sau thuế của Vinacomin, tuy đã có dấu hiệu tăng lại trong năm 2016 so với năm 2015, nhưng vẫn chưa trở lại thời hoàng kim của những năm trước đó. Năm 2011, Vinacomin đạt lợi nhuận 8.600 tỷ đồng, nhưng giai đoạn 2012-2014, lợi nhuận đã giảm, chỉ đạt khoảng 2.000 - 3.000 tỷ đồng/năm. Năm 2015, lợi nhuận đạt được cũng dừng lại ở mức 600 tỷ đồng.

Thực tế khó khăn của năm 2016 có ảnh hưởng từ việc than nhập khẩu đột biến tăng mạnh do giá than quốc tế giảm sâu, nhất là trong 8 tháng đầu năm 2016, thời điểm giá than quốc tế giảm sâu nhất, đã có 10 triệu tấn than ngoại được nhập khẩu. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho hay, cả năm 2016, lượng than nhập khẩu đã vượt qua con số 13 triệu tấn, với trị giá hơn 900 triệu USD. Than ngoại nhập khẩu khiến than nội ế hàng, có lúc tồn kho lên tới 12 triệu tấn.

Lợi nhuận sau thuế của Vinacomin, tuy đã có dấu hiệu tăng lại trong năm 2016 so với năm 2015, nhưng vẫn chưa trở lại thời hoàng kim của những năm trước đó.

Tổng giám đốc Vinacomin Đặng Thanh Hải cho hay, đối với Vinacomin, năm 2016 là một năm khó khăn nhất từ khi thành lập, đặc biệt là khó khăn về thị trường khi than nhập khẩu từ nước ngoài tăng mạnh. Ở chiều ngược lại, than nội lại phải chịu thêm các loại thuế cao hơn 10% so với các nước trong khu vực. Ngoài ra, trong 4 tháng còn lại của năm 2016, Vinacomin mới được phép xuất khẩu than, trong khi kế hoạch triển khai từ đầu năm.

Trước đó, kế hoạch được đặt ra hồi đầu năm 2016 là tiêu thụ 38 triệu tấn than, trong đó dành cho thị trường nội địa là 36,8 triệu tấn và xuất khẩu 1,2 triệu tấn. Tập đoàn có kế hoạch nhập khẩu 1,5 triệu tấn than, sau khi đã nhập khoảng 0,5 triệu tấn than trong năm 2015.

Khó khăn vẫn hiển hiện

Mặc dù giá than trên thị trường quốc tế được cho là đang có dấu hiệu tăng trở lại, nhưng khó khăn với ngành than vẫn là không nhỏ.

Ông Hải cho hay, sau 10 năm giá than liên tục đi xuống, từ quý IV/2016, giá than - khoáng sản trên thị trường thế giới được phục hồi giúp ngành than - khoáng sản có cơ hội đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế, đặc biệt là than cho điện đang tăng cao, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Giá than bán cho điện cũng đã tăng bình quân 7% từ ngày 24/12/2016. Mức giá mới này dẫu sẽ giúp ngành than tăng thêm doanh thu khoảng 4.700 tỷ đồng từ việc bán cho các nhà máy điện trong nước, nhưng phía bên mua than là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lên tiếng cảnh báo về khả năng sẽ chậm trả tiền mua than, do chi phí về giá than bị đội lên quá lớn trong giá thành sản xuất điện, nhất là khi giá điện vẫn chưa có tín hiệu điều chỉnh nào.

Ở một góc độ khác, năng suất lao động của ngành than vẫn là một vấn đề lớn. Tổng số lao động đến ngày 31/12/2016 của Vinacomin là 112.800 người, trong đó lao động cho sản xuất than chiếm tới 77.000 người. Con số này được xem là vẫn rất lớn nếu so với sản lượng than thực tế sản xuất hiện nay xấp xỉ 40 triệu tấn than/năm, tức là gần 2.000 lao động mới sản xuất và tiêu thụ được 1 tấn than.

Trước đó, từ năm 2015 đến hết tháng 10/2016, Vinacomin đã giảm được 8.000 lao động, giảm hàng loạt đầu mối các ban tham mưu (từ 29 ban xuống còn 22 ban), xoá bỏ công ty hai cấp khai thác than, xây dựng mô hình phòng ban, định biên thống nhất cho toàn Tập đoàn.

Thực tế sản lượng cơ giới hóa, tự động hóa trong khai thác than tuy được xem là tăng cao, với mức 1,8 triệu tấn, tuy tăng 60% so với năm trước, nhưng cũng cho thấy, sức người vẫn là chính trong khai thác, vận chuyển và kinh doanh than.

Bởi vậy, dù than giảm giá thành (giai đoạn 2011-2015) bình quân là khoảng 1,5%/năm, hay hệ số thu hồi than tăng từ 86,44 % lên 87,34 % trong năm 2016, giúp tăng thêm 310.000 tấn than được xem là nỗ lực không nhỏ của ngành than, thì sức ép về cung cấp sản lượng than lớn cho các nhà máy điện và sự cạnh tranh của than ngoại vẫn luôn rập rình, lấn sân.

Tin bài liên quan