Vinaconex, lợi nhuận trước thuế quý III đạt 92 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) So với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay của Vinaconex (VCG - HOSE) giảm 35%, trong khi doanh thu không bị suy giảm. Đây là hiện trạng phổ biến ở các công ty xây dựng đã được Tổng cục Thống kê công bố hồi cuối tháng 9 vừa qua.
Vinaconex, lợi nhuận trước thuế quý III đạt 92 tỷ đồng

Báo cáo tài chính riêng quý III của Vinaconex cho thấy, Tổng công ty đạt 1.219 tỷ đồng doanh thu, trong đó doanh thu hoạt động tài chính đạt 336 tỷ đồng, tăng mạnh so với 179 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ đạt 86,2 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, Tổng công ty đạt 5.328 tỷ đồng doanh thu, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ đạt 165 tỷ đồng, bằng 60% so với cùng kỳ.

Hai điểm sáng trong bức tranh tài chính của Công ty mẹ Vinaconex là nợ phải trả tính đến cuối kỳ còn 12.132 tỷ đồng, giảm 18% so với đầu năm, khoản mục người mua trả tiền trước đạt trên 2.100 tỷ đồng, được coi như của để dành của Vinaconex khi doanh nghiệp hoàn tất nghĩa vụ xây dựng, đầu tư để bàn giao sản phẩm cho khách hàng.

Xét trên báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trên toàn Tổng công ty đạt 2.381 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 92 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vinaconex đạt 8.915 tỷ đồng doanh thu, tăng 33% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 353 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 205 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ.

So với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay của Vinaconex giảm, trong khi doanh thu không giảm. Đây là hiện trạng phổ biến ở các công ty xây dựng đã được Tổng cục Thống kê công bố hồi cuối tháng 9 vừa qua.

Theo đó, chi phí nguyên vật liệu trực tiếp dùng cho hoạt động xây dựng luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí sản xuất của doanh nghiệp xây dựng. Kết quả khảo sát gần 6.000 doanh nghiệp mà Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, trong quý III/2023, có tới một nửa doanh nghiệp cho biết chi phí nguyên vật liệu trực tiếp tăng so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào trong quý IV năm nay sẽ tiếp tục tăng so với quý III, là một thách thức lớn với các doanh nghiệp trong ngành.

Tương tự là chi phí nhân công trực tiếp. Quý III/2023, có 40,5% doanh nghiệp nhận định chi phí nhân công trực tiếp tăng; 42,1% doanh nghiệp nhận định chi phí nhân công trực tiếp không đổi. Không có hợp đồng mới và cạnh tranh quyết liệt để có được hợp đồng cũng là một khó khăn của nhiều doanh nghiệp.

Bước sang quý IV, nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương trong việc bình ổn giá nguyên vật liệu xây dựng đã phần nào giúp cho thị trường ổn định hơn, được kỳ vọng không còn là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến các doanh nghiệp ngành xây lắp. Từ đó có thể hỗ trợ các doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận.

Với Vinaconex, uy tín, thương hiệu, năng lực nhà thầu uy tín hàng đầu trong ngành xây dựng là bảo chứng để Tổng công ty liên tục trúng thầu nhiều hợp đồng lớn.

Tính đến cuối quý III/2023, giá trị các hợp đồng thi công đã được ký kết của Vinaconex lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, Vinaconex đã hoàn thành, bàn giao hàng loạt các công trình trọng điểm trên cả nước như Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên Huế); các gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 1), cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2)… Cũng trong năm này, Vinaconex là đơn vị được lựa chọn tham gia thi công các gói thầu thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn II) là các đoạn Vũng Áng – Bùng; Vân Phong – Nha Trang; Bãi Vọt – Hàm Nghi; cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, dự án đầu tư xây dựng vành đai 4 vùng Thủ đô… và nhiều dự án quan trọng khác.

Hiện tại, Vinaconex đang cùng Liên danh đẩy nhanh tiến độ thi công Gói thầu 5.10 nhà ga chính thuộc Dự án xây dựng sân bay Long Thành có kinh phí lên tới 35.000 tỷ đồng.

Tin bài liên quan