Vĩnh Phúc phòng chống dịch nghiêm túc nhưng không "ngăn sông, cấm chợ"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giáp ranh với tỉnh Phú Thọ - nơi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Vĩnh Phúc đang triển khai đồng thời nhiều biện pháp ngăn chặn dịch bệnh trên tinh thần thực hiện tốt quy định phòng chống dịch nhưng không ngăn sông cấm chợ.
Giám sát khai báo việc di chuyển của người dân. Ảnh: Internet.

Giám sát khai báo việc di chuyển của người dân. Ảnh: Internet.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, từ ngày 13/10 đến nay, có 7.853 người đến, về Vĩnh Phúc từ tỉnh Phú Thọ.

Thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nhất là để bảo đảm việc lưu thông hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nguồn lao động cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn hai tỉnh, mới đây, Vĩnh Phúc và Phú Thọ đã thỏa thuận về việc hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa về cơ sở vật chất, điều kiện sống và làm việc cho công dân của 2 địa phương. Trong đó, công tác phòng chống dịch được thực hiện nghiêm, đặc biệt ở các huyện giáp ranh.

Với việc có gần 2.600 người công tác, lao động tại Phú Thọ, trong đó gần 2.300 người đi về trong ngày nên ngay khi có thông tin dịch bệnh xuất hiện tại Phú Thọ vào trung tuần tháng 10, huyện Sông Lô đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để dịch bệnh không lây lan trong cộng đồng, trong đó tập trung cao độ cho việc rà soát, truy vết, khoanh vùng. Huyện cũng yêu cầu từng xã, thị trấn tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về phòng chống dịch và yêu cầu người dân “ai ở đâu ở yên đó”.

Đến nay, trên địa bàn huyện có 9 trường hợp mắc Covid-19 liên quan đến ca dương tính ở Phú Thọ. Để ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục xâm nhập từ bên ngoài và bùng phát mạnh từ bên trong, từ ngày 18/10, Sông Lô đã cho dừng hoạt động bến phà Then, phà Đức Bác và các bến đò ngang sông tiếp giáp với tỉnh Phú Thọ; thành lập các tổ tuần tra, kiểm soát người xâm nhập trái phép vào địa bàn, nhất là đối với người đến từ vùng dịch Phú Thọ; thiết lập vùng cách ly y tế tại xã Lãng Công và xã Nhân Đạo; yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện tốt các quyết định của UBND tỉnh về quy định tạm thời một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát an toàn hiệu quả dịch Covid-19”.

Cùng với đó, tăng cường rà soát, quản lý chặt công dân đi về từ các địa phương khác; yêu cầu tất cả các công nhân, lao động nếu muốn tiếp tục làm việc tại Phú Thọ thì phải thực hiện “3 tại chỗ”, hoặc “một cung đường hai điểm đến” trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và tạm thời không trở về địa phương thời điểm này.

Đối với công nhân, lao động từ Phú Thọ đã trở về địa phương đều được coi là các trường hợp F2 và phải thực hiện cách ly tại nhà dưới sự giám sát của Tổ Covid-19 cộng đồng, tổ liên gia tự quản.

Kiểm soát chặt chẽ người ra, vào tại các chốt kiểm dịch huyện Sông Lô. Ảnh: Internet.
Kiểm soát chặt chẽ người ra, vào tại các chốt kiểm dịch huyện Sông Lô. Ảnh: Internet.

Tương tự như Sông Lô, ngay khi có thông tin tỉnh Phú Thọ xuất hiện ổ dịch nguy hiểm, nguy cơ lây lan ra cộng đồng là rất lớn, huyện Lập Thạch đã yêu cầu các địa phương rà soát, thực hiện xét nghiệm toàn bộ người đến/về Vĩnh Phúc từ Phú Thọ từ ngày 13/10 và yêu cầu cách ly tại nhà; hạn chế tối đa các công dân di chuyển từ Phú Thọ về Lập Thạch và ngược lại.

Công an huyện phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn tăng cường rà soát, phát hiện người từ Phú Thọ đi vào địa bàn huyện phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ; đối với vùng có cấp độ dịch 3, 4 thực hiện cách ly y tế tập trung theo quy định. Đồng thời, yêu cầu cán bộ, người lao động, học sinh, sinh viên đang sinh sống ở các vùng cấp độ 3, 4 của tỉnh Phú Thọ ở lại địa phương, tạm nghỉ cho đến khi có thông báo mới; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong dạy và học tập, làm việc.

Hiện Lập Thạch có gần 500 người lao động, công tác tại Phú Thọ đi lại hằng ngày. Với quan điểm không ngăn sông cấm chợ nhưng phải bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch, huyện Lập Thạch đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về dịch bệnh; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Phú Thọ đón công nhân quay trở lại làm việc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, để bảo vệ an toàn sức khỏe cho người lao động, nhất là ngăn chặn các nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa phương, huyện Lập Thạch đã đề nghị các doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ" và “một cung đường hai điểm đến” tại địa bàn. Đối với những lao động khi kết thúc "3 tại chỗ" trở về địa phương sẽ phải thực hiện cách ly theo quy định.

Tin bài liên quan