Tháng 10/2022, tỉnh Vĩnh Phúc đã chính thức khai trương nền tảng xã hội số trên ứng dụng Vĩnh Phúc ID

Tháng 10/2022, tỉnh Vĩnh Phúc đã chính thức khai trương nền tảng xã hội số trên ứng dụng Vĩnh Phúc ID

Vĩnh Phúc tăng tốc chuyển đổi số

(ĐTCK) Xác định chuyển đổi số là xu thế phát triển tất yếu của đời sống, kinh tế - xã hội, Vĩnh Phúc đã và đang đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, phấn đấu đến năm 2025 nằm trong top 10 cả nước về chuyển đổi số.

Theo Quyết định số 1041/QĐ-CT của UBND tỉnh về giao chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số cho thủ trưởng các cơ quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh năm 2023, các sở, ban, ngành được giao từ 13 - 19 chỉ tiêu; các huyện, thành phố đều được giao 17 chỉ tiêu. Riêng Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số, có số chỉ tiêu, nhiệm vụ nhiều nhất với 30 chỉ tiêu.

Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu được giao, ngay từ đầu năm, cùng với tập trung thực hiện các nhiệm vụ cam kết với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, tổ chức ký cam kết, giao nhiệm vụ thực hiện chỉ tiêu đến từng phòng, ban, đơn vị và gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức phát huy sáng kiến, nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc, chất lượng các chỉ tiêu được giao.

Xác định hành động đầu tiên trong chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức, UBND huyện Yên Lạc đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân về chuyển đổi số và coi đây là thời cơ, vận hội, từ đó ứng dụng các thành tựu của chuyển đổi số đem lại để phục vụ cho chính cơ quan, đơn vị, cho cộng đồng và xã hội.

Đồng thời, tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch, nội dung đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số, nhất là áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp như: Tăng tỷ lệ văn bản điện tử, họp trực tuyến, trả lời phản ánh kiến nghị công dân trên thiết bị di động…

Thực hiện các nhiệm vụ được giao, từng cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính trên cơ sở áp dụng thống nhất hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, sử dụng văn bản, tài liệu điện tử, hội nghị trực tuyến... Theo báo cáo của UBND huyện, đến nay, hạ tầng mạng viễn thông truyền dẫn ở Yên Lạc được đầu tư, kết nối đến tất cả các xã, thị trấn, 154 thôn, tổ dân phố.

Toàn huyện có trên 100.000 thuê bao điện thoại di động; hệ thống hội nghị trực tuyến được lắp đặt tại điểm cầu UBND huyện và UBND 17 xã, thị trấn. Việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đổi mới lề lối, cách thức làm việc và cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan Nhà nước, từng bước hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số trên từng ngành, lĩnh vực.

Tính từ đầu năm đến nay, huyện Yên Lạc phát hành trên 9.200 văn bản, trong đó, tỷ lệ văn bản ký số đạt 99,9%; 100% cơ quan, đơn vị đã đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Trong đó, cấp huyện thực hiện 171 dịch vụ công trực tuyến, cấp xã thực hiện 53 dịch vụ, chiếm 58% tổng số thủ tục hành chính. Việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện đầy đủ trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; 100% thành viên các Tổ công nghệ số cộng đồng của địa phương hoàn thành tập huấn về chuyển đổi số.

Việc ứng dụng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cải tiến môi trường và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng hiện đại; tăng năng suất và chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp; 100% tổ chức, công dân đánh giá kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh từ mức hài lòng trở lên.

Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số, những tháng cuối năm, huyện Yên Lạc sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; tiếp tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ, thanh toán phí, lệ phí và nhận kết quả trực tuyến.

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Chính phủ và Cổng Dịch vụ công tỉnh; bảo đảm 100% hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết thông qua phần mềm một cửa điện tử. Phấn đấu giảm số hồ sơ, thủ tục hành chính các cơ quan, đơn vị trả lại và tổ chức cá nhân xin rút xuống còn dưới 2%. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính có thu phí, lệ phí được thanh toán trực tuyến đạt và vượt chỉ tiêu được giao trên 30%. Có trên 95% hồ sơ, thủ tục hành chính được giải quyết trước và đúng hạn; 100% dịch vụ công một phần và toàn trình được tiếp nhận và giải quyết tại cơ quan, đơn vị theo quy định; 100% hồ sơ thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân được tiếp nhận và giải quyết thông qua phần mềm một cửa, dịch vụ công trực tuyến...

Tương tự như các địa phương, thời điểm này, các sở, ngành cũng đang tăng tốc để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số được giao. Cụ thể như, Sở Y tế đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến cơ chế, chính sách, nguồn lực phục vụ chuyển đổi số của ngành. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức hội nghị ký cam kết thực hiện nhiệm vụ giữa trưởng các phòng chuyên môn và các đơn vị với Giám đốc Sở.

Theo báo cáo của Sở Y tế, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số có nhiều thuận lợi do 100% cán bộ, công chức, viên chức áp dụng tốt phần mềm quản lý văn bản và tất cả văn bản đi/đến cơ quan đều triển khai trên hệ thống phần mềm. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng chữ ký số được thực hiện trong tất cả các nhiệm vụ chuyên môn.

Các phần mềm nền tảng như: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hộp thư điện tử công vụ, phần mềm một cửa và các phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác chuyên môn mang lại hiệu quả tích cực… Cùng với đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh và các đơn vị trực thuộc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, hướng đến đáp ứng yêu cầu triển khai bệnh án điện tử, xây dựng bệnh viện thông minh, không giấy tờ. Đến nay, 100% thủ tục hành chính được thực hiện trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh mức độ 3, 4; nền tảng khám chữa bệnh từ xa Vtelehealth được triển khai thực hiện tại 100% đơn vị khám, chữa bệnh; 100% đơn vị trực thuộc triển khai hệ thống phần mềm Quản lý văn bản iOffice và thực hiện ký số.

Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện số hóa quy trình khám chữa bệnh trên phần mềm HIS, hệ thống lấy số tự động…giúp người bệnh giảm thời gian chờ đợi khi khám chữa bệnh. Một số cơ sở y tế đã ứng dụng Hệ thống trả kết quả xét nghiệm tự động LIS, hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh không in phim (PACS) vào hoạt động không chỉ giúp người bệnh giảm thời gian chờ đợi mà còn nâng cao hiệu quả hội chẩn chuyên gia từ xa, giảm chi phí và bảo vệ môi trường khi không phải in phim. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, 100% cơ sở y tế đã triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt bằng phương thức mã QR code, Mobile money và thẻ POS liên kết với các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Tính đến nay, toàn tỉnh đã tích hợp trên 967.300 thẻ bảo hiểm y tế vào căn cước công dân để người dân.

Người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt bằng hình thức QR code tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc

Người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt bằng hình thức QR code tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc

Đến tháng 9/2023, Sở Y tế đã hoàn thành 18/20 chỉ tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số. Đối với 2 chỉ tiêu chưa hoàn thành, gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu y tế dùng chung phục vụ quản lý công tác chăm sóc sức khỏe, thông tin dự phòng và khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh; tham gia cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, Sở Y tế đã chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ các khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu trong tháng 12/2023.

Chuyển đổi số đã và đang đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và từng bước làm thay đổi, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Với sự chủ động, tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 của các sở, ngành, địa phương sẽ tạo tiền đề quan trọng để Vĩnh Phúc tiến nhanh hơn đến xây dựng Chính quyền số.

Tin bài liên quan