Nỗi lo từ đại dịch có thể sẽ tác động đến tâm lý chung khiến nhiều người e ngại đi du lịch hay đến những chỗ đông người. Ảnh: Thành Nguyễn.

Nỗi lo từ đại dịch có thể sẽ tác động đến tâm lý chung khiến nhiều người e ngại đi du lịch hay đến những chỗ đông người. Ảnh: Thành Nguyễn.

Virus Corona gây ra 3 tác động trực tiếp tới ngành du lịch Việt Nam

(ĐTCK) Ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và mạng sống của con người, dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona còn gây ra 3 tác động trực tiếp đến ngành du lịch Việt Nam.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương.

Đây là nhận định của ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương về những tác động tiêu cực của đại dịch virus Corona (nCoV) tới ngành du lịch Việt Nam.

Theo đại diện Savills, sự bùng phát của virus Corona ở Trung Quốc đã gây ra cú sốc lớn đối với ngành du lịch toàn cầu và dự kiến sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh khách sạn trong thời gian tới.

Với thị trường Việt Nam, theo ông Mauro Gasparotti, tác động đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là sự sụt giảm đáng kể lượng khách Trung Quốc đến, trong khi đây là thị trường nguồn khách lớn nhất đến nước Việt Nam, chiếm hơn 30% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019.

Các địa điểm nghỉ dưỡng ven biển cũng sẽ chịu tình trạng tương tự, trong đó Nha Trang (Khánh Hòa) dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do khách Trung Quốc hiện đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tống số khách quốc tế đến khu vực. Cụ thể, với Khánh Hòa, lượng khách từ Trung Quốc chiếm hơn 70% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019.

Mặt khác, để ngăn chặn sự lây lan của virus, Chính phủ Trung Quốc cũng đặt ra những chính sách hạn chế xuất ngoại đối với người dân Trung Quốc. Điều này đã gây ra tổn thất vô cùng lớn ở nhiều quốc gia do Trung Quốc hiện nay đang là thị trường khách du lịch nước ngoài lớn nhất trên thế giới.

Lo sợ nguy cơ lây nhiễm virus Corona, không chỉ du khách Trung Quốc mà cả du khách từ nhiều quốc gia trên thế giới có kế hoạch du lịch đến châu Á đều đã hủy tour và hủy đặt phòng khách sạn.

Không chỉ tác động đến thị trường du lịch đơn thuần, với du lịch MICE (du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, sự kiện, khen thưởng được các công ty tổ chức dành riêng cho nhân viên, khách hàng, đối tác) cũng sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ.

Theo ông Mauro Gasparotti, đã có nhiều cuộc họp, hội nghị cũng bị trì hoãn để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh, dẫn tới sự sụt giảm đáng kể lượng khách MICE và khách doanh nghiệp tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Đại diện Savills nhấn mạnh đến 3 tác động chính từ đại dịch mà thị trường du lịch Việt Nam phải hứng chịu, đó là: Sự sụt giảm nguồn khách từ Trung Quốc; Sự sụt giảm lượng khách quốc tế tại châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng; Nguồn cầu du lịch trong nước sụt giảm.

“Nếu dịch bệnh được kiểm soát và ngăn chặn thành công trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong thời gian tới, chúng tôi tin rằng, ngành du lịch Việt Nam sẽ có sự hồi phục vào nửa cuối năm 2020 và tiếp tục là một trong những ngành công nghiệp có sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam. Đối với Khách sạn và resort, đặc biệt là những nơi phục vụ lượng lớn khách hàng đến từ các khu vực bị ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng tôi đặc biệt khuyến nghị tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch để đảm bảo sự an toàn và sức khỏe cho cả khách hàng và nhân viên làm việc tại đây”, ông Mauro Gasparotti nhấn mạnh.

Khu vực Đông Nam Á, sau một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ về thu hút khách quốc tế (138 triệu khách quốc tế trong năm 2019 với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt mức ấn tượng 7,8% trong vòng 9 năm trở lại đây) thì dự kiến trong thời gian tới khu vực sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm khách quốc tế tương đối lớn.

Một số điểm đến du lịch như Thái Lan, Indonesia và Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm du khách đến từ châu Âu, Úc, Mỹ... do khách đến từ các quốc gia này có khả năng cao sẽ hủy hoặc hoãn thời gian du lịch do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo báo cáo của STR, trong giai đoạn dịch SARS diễn ra (2002 - 2003), chỉ số doanh thu trên mỗi phòng (RevPAR) trung bình của các khách sạn trong khu vực châu Á giảm đến hơn 4,5%.

Tin bài liên quan