VN30 với 2 ... nốt trầm!

VN30 với 2 ... nốt trầm!

(ĐTCK) 30 mã chứng khoán được coi là lớn và tiêu biểu nhất trên sàn HOSE, 9 tháng đầu năm khá sáng. Nhưng không phải là tất cả, có những nốt trầm rất khó có thể ngân.

Quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch doanh thu và lợi nhuận vào giờ chót của  OGC gây không ít băn khoăn cho cổ đông

PPC, PVT lãi đạt trên 400% kế hoạch cả năm

Tổng hợp báo cáo tài chính (BCTC) của 30 DN trong nhóm, có thể thấy, trong 9 tháng đầu năm, đã có tới 9 DN cán đích lợi nhuận cả năm từ 20% trở lên. Đặc biệt, 2 trong số 9 đơn vị này có mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến, đạt trên 400% kế hoạch cả năm, đó là CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) và Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT).

Cụ thể, 9 tháng đầu năm, PPC đạt 4.845,6 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.399,38 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng tương ứng 67,7% và 1.792% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, PPC hoàn thành 79,5% kế hoạch doanh thu cả năm, nhưng lợi nhuận lại vượt kế hoạch cả năm đến 417,2%.

Trong 9 tháng, PVT đạt 3.526,4 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận ròng đạt 176 tỷ đồng, tăng tương ứng 9,5% và 43,8% so với cùng kỳ năm trước, bằng 85,7% và 451% so với kế hoạch năm.

Điều đặc biệt ở cả hai DN này là không phải đến 9 tháng họ mới hoàn thành kế hoạch lợi nhuận, mà đã cán đích ấn tượng ngay từ quý đầu tiên của năm tài chính. BCTC quý I/2013 của PPC thể hiện khoản lợi nhuận ròng lên tới 944 tỷ đồng, bằng 282% kế hoạch lợi nhuận cả năm (335,4 tỷ đồng). Với PVT, kết thúc quý I/2013, đơn vị này đạt 43,8 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành vượt kế hoạch năm hơn 12%.

Vậy nguyên nhân nào giúp các DN đạt được kết quả ấn tượng trên khi phần lớn DN đều đang gặp khó khăn do bối cảnh kinh tế suy thoái?

Theo báo cáo giải trình của PPC, bên cạnh yếu tố sản lượng điện trong quý I/2013 tăng so với cùng kỳ, trong khi giá bán điện bình quân tăng, thì yếu tố khiến lợi nhuận của PPC tăng đột biến đến từ hoạt động tài chính, khi đạt 656 tỷ đồng, bằng 450% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, việc đánh giá lại chênh lệch tỷ giá (đối với các khoản nợ có nguồn gốc ngoại tệ) do đồng JPY giảm 19,83 VND so với thời điểm cuối năm 2012 đã giúp cho PPC có lãi từ hoạt động này 552 tỷ đồng.

Trong khi đó, với PVT, việc hoàn thành hơn 4 lần kế hoạch lợi nhuận cả năm trong 9 tháng ngoài nguyên nhân tỷ giá ngoại tệ giảm, còn có lý do là Công ty đã đặt kế hoạch lợi nhuận năm nay chỉ ở mức 39 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức thực hiện của năm 2012 là 109 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh ấn tượng, cùng với chỉ số Baltic Dry Index (BDI) - chỉ số mô phỏng giá thuê tàu biển chở hàng khô trên thế giới - tăng từ 1.139 điểm từ đầu tháng 9/2013 lên mức 2.146 điểm trong tháng 10 và hiện ở mức 1.573 điểm, đã giúp cho cổ phiếu PVT tăng 77% từ mức giá 6.500 đồng/CP (ngày 1/9/2013) lên mức giá 11.500 đồng/CP (kết thúc phiên giao dịch ngày 27/11/2013).

Tuy nhiên, không phải giá thuê loại tàu nào cũng tăng, trong các nhóm chỉ số tạo nên BDI, chỉ số BCI (của hạng Cape size, dành cho các loại tàu chở hàng có trọng tải trên 100.000 DWT) tăng mạnh nhất, trong khi PVT không có loại tàu cỡ lớn này, lại chuyên chở xăng dầu chứ không phải chở hàng khô, nên việc chỉ số BDI tăng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh trong quý IV/2013 của PVT.

CII: 9 tháng, hoàn thành 3,4% kế hoạch lợi nhuận

Là DN luôn được nhắc đến với mức tăng trưởng hàng năm cao, với lợi nhuận sau thuế năm 2012 ở mức 416,6 tỷ đồng, tăng 269% so với mức thực hiện của năm 2011, CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) lại gây bất ngờ khi 9 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 10,44 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành 3,4% kế hoạch cả năm là 311 tỷ đồng.

Nhìn vào BCTC quý III và 9 tháng đầu năm của CII, có thể thấy, doanh thu của Công ty tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ, tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính lại giảm mạnh, trong khi chi phí tài chính tăng, khiến lợi nhuận thuần của CII chỉ đạt 122 tỷ đồng, bằng 27% so với cùng kỳ. Ngoài ra, việc ghi nhận lỗ từ công ty liên doanh, liên kết tới gần 64 tỷ đồng cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận của CII giảm mạnh.

Theo giải trình của Công ty, do chính sách kế toán liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng đang trong giai đoạn thi công và sau khi đưa vào khai thác tại công ty mẹ và các công ty dự án đã có thay đổi, Do đó, các khoản lợi nhuận từ những dự án này sẽ được ghi nhận vào các năm sau. Tính đến ngày 30/9/2013, khoản thu nhập từ hoạt động tài chính mà CII chưa ghi nhận do thay đổi chính sách kế toán vào khoảng 120 tỷ đồng.

Trao đổi với ĐTCK trước đó, Ban lãnh đạo CII cho biết, năm 2013, Công ty thay đổi định hướng phát triển theo hướng bền vững. Cụ thể, CII sẽ không chuyển nhượng dự án để hiện thực hóa lợi nhuận khoản đầu tư như trước nữa mà sẽ khai thác toàn bộ vòng đời của dự án. Như vậy, năm 2013, Công ty có thể sẽ không hoàn thành kế hoạch đề ra.

Mới đây, HĐQT CII đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2014 với doanh thu 870,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 215,4 tỷ đồng và cổ tức 12%.

OGC điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận vào “giờ chót”

Một điểm bất thường trong kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của nhóm VN30 là trường hợp của CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC).

Dù thời điểm kết thúc năm tài chính 2013 đã cận kề, nhưng mới đây, OGC bất ngờ công bố Nghị quyết ĐHCĐ thông qua việc điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh 2013.

Theo đó, kế hoạch doanh thu của Tập đoàn được giảm 13,3%, từ mức 3.000 tỷ đồng xuống còn 2.600 đồng; lợi nhuận trước thuế giảm 55%, từ 200 tỷ đồng xuống 90 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm, OGC đã đạt 160 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cao hơn rất nhiều so với lợi nhuận được điều chỉnh. Điều này gieo vào các cổ đông, nhà đầu tư không ít băn khoăn.       

>>VN30 - chỉ số của những cổ phiếu lớn và chất lượng

>>Doanh nghiệp trong VN30 tăng trưởng cao hơn thị trường

>>Sử dụng VN30 để thành lập sản phẩm đầu tư mới