Với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, Việt Nam sẽ thu hút được các dòng vốn lớn

(ĐTCK) Năm 2016 dự báo tình hình kinh tế còn tiềm ẩn không ít khó khăn, thách thức, từ cả môi trường quốc tế và tồn tại chậm khắc phục của nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN, cùng với việc ký kết và triển khai các FTAs mở ra nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng tạo ra những khó khăn, thách thức rất lớn đến hoạt động của các DN trong nước. Diễn biến phức tạp, bất thường của thời tiết, thiên tai; nguy cơ dịch bệnh bùng phát; biến động  khó lường trên thị trường tài chính, tiền tệ thế giới và giá dầu thô giảm, dự báo có tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế và cân đối thu, chi ngân sách nhà nước năm 2016.

Đặc biệt, năm 2016 là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, gắn với những sự kiện trọng đại của đất nước, như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp. Trong bối cảnh đó, TTCK nước ta phải đối diện với không ít thăng trầm, nhưng đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận và đang đứng trước nhiều tiềm năng, cơ hội để tiếp tục phát triển.

Tính đến nay, thông qua TTCK, Chính phủ và các DN trong nền kinh tế đã huy động được trên 2 triệu tỷ đồng vốn để  đưa vào sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển nền kinh tế đất nước. Trong 6 tháng đầu năm 2016, TTCK tiếp tục thực hiện tốt vai trò là kênh huy động vốn khi tổng mức huy động vốn trên TTCK thông qua phát hành cổ phiếu, đấu giá cổ phần hóa và đấu thầu trái phiếu Chính phủ đạt 230.000 tỷ đồng, tăng 93% so với cùng kỳ năm 2015. Những kết quả này cho thấy vai trò của TTCK đã được khẳng định và ngày càng trở nên quan trọng trong giai đoạn phát triển sắp tới.

Liên quan đến phát triển bền vững, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã xác định mục tiêu tổng quát của Việt Nam là tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến độ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Chiến lược xác định, tăng cường các nguồn lực tài chính để thực hiện phát triển bền vững là một trong những giải pháp trọng yếu.

Cụ thể với ngành tài chính, bên cạnh tăng cường đầu tư và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ Ngân sách nhà nước, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, các nguồn đầu tư xã hội, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nhiệm vụ đặt ra là phải xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức tài chính, DN thuộc nhiều thành phần kinh tế, cá nhân cung cấp tài chính, đầu tư cho các hoạt động, nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Liên quan đến TTCK, nhiệm vụ này được cụ thể hóa bằng việc phát triển TTCK ổn định, vững chắc, cấu trúc hoàn chỉnh với nhiều cấp độ, đa dạng hóa sản phẩm, nghiệp vụ, đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

Trong việc thực hiện mục tiêu chung của đất nước, TTCK đã khẳng định giá trị quan trọng, không chỉ tạo kênh huy động vốn trung và dài hạn, mà còn nỗ lực thúc đẩy sự minh bạch, thúc đẩy các doanh nghiệp quản trị tiên tiến và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Tôi đánh giá cao nỗ lực của các Sở Giao dịch chứng khoán, Báo Đầu tư Chứng khoán, Dragon Capital, IFC, ACCA,  UBCK cùng hợp sức 9 năm liền thực hiện Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất trên TTCK Việt Nam. Cuộc bình chọn đã thúc đẩy nỗ lực kinh doanh minh bạch, quản trị hiệu quả của các DN niêm yết, khích lệ sự quan tâm của công chúng đầu tư đến TTCK. Tôi tin rằng, với tâm thế hội nhập và những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam mà Chính phủ kiên quyết thực hiện, TTCK Việt Nam sẽ thu hút được các dòng vốn lớn, góp sức phát triển cộng đồng DN, phát triển nền kinh tế hiệu quả và bền vững hơn.

Tin bài liên quan