Vốn đầu tư mạo hiểm cho start-up đạt kỷ lục: Nóng Fintech và thương mại điện tử

0:00 / 0:00
0:00
Lĩnh vực fintech và thương mại điện tử chiếm đến 70% tổng số vốn đầu tư mạo hiểm trong năm 2021 và xu hướng tiếp tục duy trì trong năm 2022.
Vốn đầu tư mạo hiểm cho start-up đạt kỷ lục: Nóng Fintech và thương mại điện tử

Vốn dồn vào hai lĩnh vực “hot”

Năm 2021 là năm mà vốn đầu tư mạo hiểm vào start-up tăng cao kỷ lục. “Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam” vừa được Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures đồng phát hành cho thấy, tổng vốn vào start-up đạt 1,4 tỷ USD, tăng hơn 3 lần so với con số 451 triệu USD của năm 2020. Điểm nhấn đặc biệt là nguồn vốn đổ vào lĩnh vực fintech và thương mại điện tử chiếm đến 70% tổng số vốn. Năm 2021, chứng kiến sự xuất hiện của 5 giao dịch trị giá trên 100 triệu USD trong các lĩnh vực thanh toán, thương mại điện tử, và Gaming.

Ở lĩnh vực fintech, tổng vốn rót vào mảng thanh toán xuất hiện hàng loạt thương vụ lớn. Nổi bật nhất là siêu ứng dụng MoMo hoàn thành vòng gọi vốn 5 Series E với số tiền huy động khoảng 200 triệu USD, đưa định giá công ty vượt mốc 2 tỷ USD. Thương vụ khủng thứ 2 là VNLife - công ty sở hữu dịch vụ thanh toán VNPay - huy động thành công hơn 250 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B.

Lĩnh vực thương mại điện tử, Tiki là cái tên nổi bật với vòng gọi vốn Series E trị giá 258 triệu USD do AIA dẫn đầu. Bên cạnh đó, hàng loạt thương vụ như VNG đầu tư 22,5 triệu USD vào Telio, nâng tổng số vốn gọi được lên 51 triệu USD; Hay như KiotViet nhận vốn đầu tư 45 triệu USD trong Series B do KKR dẫn đầu…

Trong khi thanh toán và thương mại điện tử vẫn là hai ngành đứng đầu trong thu hút vốn đầu tư, ngành trò chơi trực tuyến (Gaming) đã vươn lên vị trí thứ 3 trong số các ngành được đầu tư nhiều nhất nhờ vào sự thành công trên toàn cầu của Sky Mavis cùng sản phẩm Axie Infinity. Sky Mavis đã huy động 152 triệu USD trong vòng gọi vốn series B do quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Mỹ Andreessen Horowitz dẫn đầu

Trong năm 2021, Việt Nam đón chào sự xuất hiện của thêm 2 kỳ lân công nghệ mới, Momo và Sky Mavis. Như vậy, Việt Nam hiện đã có 4 kỳ lân công nghệ gồm VNG, VNLife, MoMo, Sky Mavis) và 11 start-up có giá trị trên 100 triệu USD (Tiki, Topica EQuest ...).

Ngoài những ngành trên, chính Covid-19 đã tạo nên sự bùng nổ về lượng giao dịch ở một số ngành mới, từ đó dẫn đến mức tăng trưởng vượt bậc về số tiền đầu tư trong những lĩnh vực này. Theo đó, 3 ngành nổi bật là y tế, giáo dục, và chuyển đổi số trong doanh nghiệp có mức tăng trưởng đột phá trong năm 2021 lần lượt là 1.016%, 526%, và 205%.

Ngành nào sẽ tiếp tục dẫn đầu trong năm 2022?

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Quỹ Do Ventures cho rằng, thương mại điện tử và fintech sẽ tiếp tục là hai lĩnh vực dẫn đầu khi ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm trực tuyến.

“Chúng tôi dự đoán sẽ có một làn sóng các mô hình mới được quan tâm trong hai lĩnh vực này, ví dụ tạp hoá online, mô hình D2C, thương mại nhanh, cùng với các giải pháp tài chính như là quản lý tài sản, cho vay tiêu dùng, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ”, bà Vy nhận định.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng sẽ tiếp tục quan tâm đến các lĩnh vực mới nhiều tiềm năng như nền kinh tế sáng tạo (creator economy), các nền tảng phát triển kỹ năng (upskill platforms) và web 3.0 với sự phổ cập của tiền điện tử và công nghệ blockchain.

Năm 2022, KPMG dự báo mức đầu tư sẽ tăng 150% trong lĩnh vực công nghệ, chạm mức 2 tỷ USD. Báo cáo của KPMG cũng đã nhận định thương mại điện tử và fintech sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của giới đầu tư. Việc giao dịch trực tuyến được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển kể cả sau khi dịch kết thúc nhờ vào quyết tâm chuyển đổi số của Chính phủ, cùng với đó là sự tăng trưởng về số lượng người tiêu dùng trẻ có hiểu biết về công nghệ. Một số công ty Việt Nam hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng này bao gồm VNG, VNPay, Sky Mavis, Momo và Tiki.

Dẫn Báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á của Google, Temasek và Bain & Company nhận định, fintech đang trở thành yếu tố thúc đẩy quan trọng với 95% doanh nghiệp kỹ thuật số chấp nhận thanh toán kỹ thuật số; 67% chấp nhận cho vay kỹ thuật số, bà An Đỗ, Giám đốc Quỹ Patamar Capital dự báo: “Xu hướng này vẫn dẫn đầu trong năm 2022, vì start-up vòng gọi vốn series B trở lên liên tục cần vốn để mở rộng, start-up vòng hạt giống và series A cần vốn để phát triển. Đặc biệt hơn là hành lang pháp lý mở hơn với ngành này”.

Những nhận định trên hoàn toàn có cơ sở khi từ đầu năm hàng loạt thương vụ rót vốn vào start-up của 2 lĩnh vực này liên tục được thực hiện như: Mio nhận 8 triệu USD trong vòng Series A; Foodmap gọi vốn thành công 2,9 triệu USD ở vòng pre-Series A; Rino huy động thành công 3 triệu USD trong vòng đầu tư pre-seed; OpenCommerce Group (OCG) huy động 7 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A dẫn dắt bởi VNG; Selly đã huy động thành công 2,6 triệu USD; Pharmacity đã công bố đầu tư 4 triệu USD vào nền tảng bán lẻ RELEX Solutions… Ở mảng fintech, Infina cũng vừa huy động thành công thêm 4 triệu USD tại vòng gọi vốn hạt giống; Timo huy động được 20 triệu USD trong vòng gọi vốn mới dẫn đầu bởi Square Peg; Ancient8 đã huy động được 4 triệu USD…

Theo ông Hoàng Công Đoàn, Chủ tịch Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp Việt Nam, đầu tư vào start-up tuy rủi ro, nhưng lợi nhuận khá cao, vì tăng trưởng của start-up rất nhanh. Do đó, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục đổ vốn đầu tư vào các start-up. Đây cũng là một trong những cơ hội để cho các bạn trẻ khởi nghiệp gọi vốn.

“Tôi cho rằng, năm nay, nguồn vốn đầu tư vào start-up tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 2 tỷ USD", ông Đoàn nói.

Số tiền được đầu tư vào các vòng gọi vốn trên 10 triệu USD đạt kỷ lục gần 1,2 tỷ USD, chiếm hơn 82% tổng số vốn đầu tư của cả năm 2021. Trong khi đó, tỷ trọng tương đương của năm 2021 là 74% và 78% năm 2019.

Nguồn vốn dành cho các vòng có giá trị nhỏ hơn 10 triệu USD cũng đã đạt ngưỡng mới là 256 triệu USD, tăng 118% so với năm 2020.

(Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam)

Tin bài liên quan