Ông Bùi Hoàng Hải

Ông Bùi Hoàng Hải

Vốn ngoại bị… ngáng chân khi tham gia IPO

(ĐTCK) “Do một số bất cập về chính sách, đang khiến NĐT nước ngoài khó tham gia mua cổ phiếu chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) của các DN cổ phần hóa…”, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết.

Tình trạng NĐT nước ngoài ít quan tâm đến các đợt IPO vừa qua, được thể hiện qua những con số cụ thể nào, thưa ông?

6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ cổ phiếu IPO được đăng ký mua, cũng như số lượng cổ phiếu chào bán được so với tổng số lượng cổ phiếu đưa ra chào bán trong các đợt IPO đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012-2013, giai đoạn được đánh giá là khó khăn nhất của TTCK kể từ sau 2006 - 2007.

Tỷ lệ cổ phiếu IPO bán được với giá cao hơn so với giá tham chiếu cũng đạt thấp hơn so với giai đoạn 2012-2013. Diễn biến này đang tác động không tích cực đến nỗ lực thúc đẩy hoàn thành kế hoạch CPH 432 DN giai đoạn 2014 -2015.

NĐT nói chung, đặc biệt là NĐT nước ngoài ít mua cổ phiếu IPO từ đầu năm đến nay. So với giai đoạn 2005 - 2007, những năm gần đây, tỷ lệ NĐT nước ngoài tham gia mua cổ phiếu IPO giảm nhiều.

Theo ông, điều gì khiến NĐT ngoại không mặn mà trong các đợt IPO?

Có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, theo quy định hiện hành, DN chỉ phải công bố thông tin về tình hình tài chính, sản xuất - kinh doanh trước thời điểm tổ chức IPO 20 ngày. Đây là khoảng thời gian quá ngắn, nhất là trong bối cảnh DNNN tổ chức IPO dồn dập từ đầu năm tới nay cũng như thời gian tới, nên NĐT

không có đủ thời gian tối thiểu để tìm hiểu thông tin về DN, chưa nói đến nắm bắt được cơ hội đầu tư, cũng như chốt kế hoạch mua cổ phiếu.

Thứ hai, cũng theo quy định hiện hành, các thông tin trước IPO được DN công bố bằng tiếng Việt, khiến NĐT nước ngoài gặp rào cản về ngôn ngữ trong quá trình tìm hiểu thông tin. Để khắc phục khó khăn này, NĐT cần phải có thời gian, trong khi hiện tại DN công bố thông tin quá muộn trước IPO, càng làm cho NĐT thêm khó.

Thứ ba, với quy định hiện hành, NĐT nước ngoài nhận thấy tính minh bạch của DN, cũng như thanh khoản cổ phiếu hậu IPO không đáp ứng được kỳ vọng của họ. Đây là điều họ không gặp phải ở nhiều thị trường trên thế giới.

Cả hai vấn đề này sẽ được khắc phục, khi Việt Nam áp dụng các cơ chế mới theo thông lệ quốc tế, được quy định tại Quyết định 51/2014/TTg hướng dẫn một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN, có hiệu lực từ ngày 1/11 tới. Đó là gắn IPO với niêm yết.

Việc quá nhiều DN hậu IPO không có lộ trình đăng ký giao dịch và niêm yết, hoặc có nhưng không rõ ràng như hiện tại, không chỉ tác động tiêu cực đến thu hút NĐT tham gia mua cổ phiếu IPO, mà còn làm giảm giá trị tiền thu được của Nhà nước từ các đợt IPO. Bất cập này khiến NĐT đối mặt với rủi ro thanh khoản, bởi chẳng biết bao giờ DN mới niêm yết. 

Giải pháp để giải quyết những bất cập trên của UBCK ra sao, thưa ông?

UBCK đã tham gia chặt chẽ vào quá trình xây dựng Quyết định 51/2014. Để đưa những giải pháp đột phá của văn bản này vào cuộc sống, cũng như sớm tháo gỡ những bất cập hiện tại, qua đó, thu hút NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài tham gia vào các đợt IPO sắp tới, ngoài chỉ đạo Sở GDCK rà soát lại hệ thống đấu giá, để có những điều chỉnh phù hợp với quy định mới tại Quyết định 51/2014, UBCK cũng đang chỉ đạo các đơn vị liên quan cải cách cơ chế phối hợp tổ chức đấu giá, tránh tình trạng diễn ra quá nhiều đợt IPO trong cùng một thời điểm khiến NĐT không có đủ thời gian tìm hiểu cơ hội đầu tư, cũng như thu xếp vốn.

Cần nghiên cứu và triển khai thêm các hình thức đấu giá khác, tạo thuận lợi cho IPO. Trong đó, nên xem xét cho phép DN lớn kết hợp hình thức đấu giá hiện tại với phương pháp ghi sổ theo thông lệ quốc tế.

UBCK cũng đang soạn thảo văn bản hướng dẫn chi tiết việc CPH, IPO gắn chặt hơn với hoạt động đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, cũng như niêm yết theo hướng nhanh chóng và thuận lợi hơn thông qua giảm thiểu thủ tục hành chính.

Tin bài liên quan