Vốn ngoại đang trở lại ngân hàng

(ĐTCK) Vốn ngoại đang đang dần trở lại với ngành ngân hàng sau những thương vụ mua - bán thành công gần đây, trong đó phải kể đến thương vụ “khủng” giữa BIDV và đối tác ngoại KEB Hana Bank vừa hoàn tất cuối năm 2019.
Sức hấp dẫn của BIDV với các đối tác ngoại còn được hưởng từ “sức hấp dẫn Việt Nam”

Sức hấp dẫn của BIDV với các đối tác ngoại còn được hưởng từ “sức hấp dẫn Việt Nam”

Thành công trong gọi vốn ngoại

Câu chuyện BIDV bán vốn chiến lược thành công rất đáng chú ý, không chỉ vì giá trị lớn mà còn là sự khẳng định cho dòng vốn ngoại đã trở lại với các ngân hàng Việt sau trào lưu đầu tư chiến lược diễn ra giai đoạn 2006 - 2008. Trước BIDV, đã có một thương vụ "khủng” khác là Techcombankbán vốn cổ phần cho nhà đầu tư ngoại thu về khoảng 1,3 tỷ USD đầu năm 2018. Tuy nhiên, Techcombank thực hiện theo hình thức “bán lẻ” cho nhiều nhà đầu tư, khác với tính chất gọi vốn chiến lược của BIDV.

Phân tích về thương vụ KEB Hana Bank đầu tư vào BIDV, đây là một quá trình chuẩn bị và đàm phán rất dài. Nhưng để chốt thương vụ, theo một lãnh đạo cấp cao của BIDV, là “có yếu tố may mắn”. Bởi ngoài những gì BIDV chuẩn bị khá kỹ càng trong tư cách thuộc nhóm ngân hàng lớn nhất, có lịch sử lâu đời nhất tại Việt Nam, thì sức hấp dẫn của BIDV với các đối tác ngoại còn được hưởng từ “sức hấp dẫn Việt Nam”, khi làn sóng đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam đang tăng rất mạnh giai đoạn từ trước 2019.

Việc bán vốn chiến lược mang lại cho BIDV nhiều điều. Đầu tiên là khoản tiền thu về nhờ phát hành riêng lẻ cho đối tác KEB Hana Bank với số lượng trên 603 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 15% vốn điều lệ của BIDV sau khi đầu tư, đạt giá trị hơn 20.295 tỷ đồng. BIDV trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống ngân hàng, giúp giảm bớt áp lực tăng vốn để đảm bảo hệ số an toàn vốn, đồng thời giúp BIDV đạt được nhiều mục đích khác trong hoạt động kinh doanh sau khi có đối tác chiến lược ngoại.

Vốn ngoại đang trở lại ngân hàng ảnh 1

Cũng trong năm 2019, một ngân hàng lớn khác là Vietcombank cũng hoàn tất việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác GIC của Singapore và Mizuho Bank - một trong những định chế tài chính lớn nhất của Nhật Bản, thu về khoảng 6.200 tỷ đồng (tương đương với khoảng 265 triệu USD).

Trước thương vụ bán vốn của Techcombank vào đầu năm 2018 thì HDBank cũng là cái tên cần được nhắc tới khi đã chào bán thành công 21% cổ phần cho không dưới 10 nhà đầu tư ngoại, thu về 300 triệu USD (hơn 6.800 tỷ đồng) trước khi niêm yết.

Hứa hẹn nhiều thương vụ mới

Ngoài thương vụ mua 15% cổ phần của BIDV mà đối tác ngoại KEB Hana Bank đang trong quá trình hoàn tất, với giá 882 triệu USD, lĩnh vực ngân hàng hứa hẹn sẽ còn một số thương vụ đình đám thời gian tới khi tái cơ cấu ngành vào giai đoạn cuối. Đáng quan tâm nhất sẽ là Agribank, ông lớn ngành ngân hàng này, theo dự kiến năm nay sẽ tiến hành IPO, trong đó việc bán vốn ngoại được đề cập tới như một hạng mục quan trọng.

Còn với khối ngân hàng cổ phần tư nhân, bước sang năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 kéo theo làn sóng rút vốn ở thị trường mới nổi, khu vực này vẫn có những tín hiệu lạc quan.

Động thái mới nhất đến từ OCB khi NHNN đã chấp thuận cho Ngân hàng tăng vốn điều lệ từ 7.899 tỷ đồng lên hơn 8.767 tỷ đồng thông qua chào bán cho khối ngoại trong ngày 13/3. Tất nhiên, kế hoạch bán vốn ngoại của OCB đã có từ năm 2019 khi chủ trương được cổ đông thông qua tại Đại hội đồng cổ đông 2019. Theo đó, OCB chào bán riêng lẻ gần 86,9 triệu cổ phiếu, tương đương 11% vốn điều lệ cho Ngân hàng Aozora của Nhật Bản. Toàn bộ lượng vốn thu về sẽ được OCB bổ sung nguồn vốn kinh doanh đầu tư và cho vay.

Ngân hàng Aozora thành lập năm 1957, có trụ sở tại Nhật Bản và chi nhánh, văn phòng đại diện tại Mỹ, Trung Quốc và Singapore... Nhà băng này có tổng tài sản 48 tỷ USD (hơn 1,1 triệu tỷ đồng) và đang niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo.

OCB cho biết, giá cổ phiếu chào bán sẽ không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của Ngân hàng tại cuối quý gần nhất. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm. Sau khi phát hành cho ngân hàng Nhật Bản, OCB sẽ tiếp tục chào bán riêng lẻ hơn 31,6 triệu cổ phiếu. Trước đó, cổ đông chiến lược nước ngoài của OCB là BNP Paribas (Pháp) đã bán toàn bộ hơn 74 triệu cổ phiếu, tương đương 18,68% vốn điều lệ của OCB sau 10 năm đổ vốn vào đây. Hiện ngoài cổ đông Aozona, OCB có thêm một cổ đông ngoại sở hữu 4,98% là một quỹ của Vina Capital.

Một vài kế hoạch bán vốn khác cũng đang được chuẩn bị dù chưa có thông tin chi tiết như việc MB nâng room ngoại từ gần 21% lên gần 23% kể từ ngày 10/3/2020 để chuẩn bị thu hút thêm vốn ngoại. Lãnh đạo SHB, SCB cũng cho biết, sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nâng cao năng lực tài chính. Với SHB, trước mắt sẽ thoái vốn tại công ty con là Công ty Tài chính SHBFC (SHB nắm 100% vốn) để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Tương tự, NCB mặc dù chưa công bố kế hoạch cụ thể, nhưng lãnh đạo ngân hàng này vào các tháng 8 và 10/2019 liên tục có các buổi tiếp xúc với nhà đầu tư ngoại đến từ Nhật Bản và Singapore. Thông tin từ các buổi gặp cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đều bày tỏ mong muốn tham gia mua cổ phần của NCB trong đợt phát hành cổ phiếu mới nhằm tăng vốn điều lệ của nhà băng này năm nay.

Trong kế hoạch dự kiến trình cổ đông của Nam A Bank cũng đặt mục tiêu tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng trong năm nay, trong đó có kế hoạch gọi vốn ngoại.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính ngân hàng, việc thu hút vốn ngoại vào các ngân hàng là điều được khuyến khích, tất nhiên Chính phủ vẫn đang đặt những giới hạn cho việc đầu tư này. Đối với khối ngân hàng Nhà nước đang nắm giữ cổ phần chi phối, việc tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài qua hình thức mua vốn chiến lược giúp áp lực tăng vốn ngắn hạn của các ngân hàng này giảm đi, đồng thời mở cánh cửa ra thị trường quốc tế cho ngân hàng.

Hiện nhóm ngân hàng lớn do nhà nước nắm cổ phần chi phối được kỳ vọng sớm đạt quy mô cấp khu vực và toàn cầu, có kinh doanh hiện diện nhiều hơn ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Đối với nhóm ngân hàng tư nhân, mặc dù room ngoại là giới hạn đảm bảo các nhà đầu tư Việt Nam vẫn nắm cổ phần chi phối, tuy nhiên Chính phủ đang có những bước đi mang tính “cách mạng” về vấn đề này khi cho phép khối ngoại tham gia cơ cấu các ngân hàng yếu kém, có thể bán vốn toàn bộ tại các ngân hàng này.

CB, OceanBank, GPBank là những cái tên được đề cập và đã có nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia tái cơ cấu. Ông Nobiru Adachi, Chủ tịch Ngân hàng J.Trust cho biết, J.Trust đã nghiên cứu, tính toán kỹ các chỉ số tài chính của CB và đã gửi bản chào tham gia mua lại để tái cơ cấu ngân hàng này đến NHNN Việt Nam. J.Trust tin rằng sẽ sớm cải tổ được CBBank. Tương tự, ông Han Chang-woo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Maruhan bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của Thủ tướng, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam trong tiến trình tham gia tái cơ cấu ngân hàng tại Việt Nam, đặc biệt là Oceanbank.

Việc mở cửa hơn nữa cho các nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực ngân hàng hiện càng được chú ý hơn bởi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam  - EU (EVFTA). Theo nội dung EVFTA, các tổ chức tín dụng từ EU có cơ hội sở hữu tới 49% cổ phần tại ngân hàng thương mại Việt Nam (tối đa 2 ngân hàng, ngoại trừ 4 ngân hàng lớn có sở hữu nhà nước chi phối).

Tất nhiên, từ quy định đến thực tế cần thêm thời gian để đánh giá. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, sau khủng hoảng tài chính năm 2008, EU quy định rất khắt khe về đầu tư ra nước ngoài. Vì vậy, việc ngân hàng Việt thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ EU trong ngắn hạn chỉ ở dạng tiềm năng, chứ chưa thể sôi động.

Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, hoạt động mua bán và sáp nhập nói chung và mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng là “hoạt động vô cùng phức tạp và tốn kém”, ngân hàng châu Âu lại ít am hiểu về thị trường ngân hàng Việt Nam, nên việc “bắt tay” đối tác chiến lược với ngân hàng Việt là chuyện khó xảy ra trong thời gian tới. Trước mắt, các ngân hàng trong nước nên chú ý nhiều hơn tới các làn sóng vốn ngoại từ thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tin bài liên quan