Bối cảnh trong nước và quốc tế kém thuận lợi
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, sau khi NHNN truyền thông ổn định tỷ giá (ngày 23/3) và niêm yết tỷ giá bán can thiệp ở mức 23.650 VND/USD vào sáng ngày 24/3, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã giảm. Tính đến cuối tuần trước, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng giao dịch quanh mức 23.465 VND/USD, tăng khoảng 1,27% so với cuối năm 2019.
Nhìn lại diễn biến của lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm - 1 tuần trong quý I, có thể thấy được chia làm hai giai đoạn rõ rệt: Giai đoạn thứ nhất, duy trì đi ngang trong khoảng 2 tháng đầu năm với biên độ 1,7 - 1,8%/năm; thứ hai, biến động trong tháng 3 khi giảm mạnh khoảng 100 điểm xuống mức đáy 0,7 - 0,8%/năm trong nửa đầu tháng trước khi đảo chiều tăng khoảng 50 - 60 điểm lên mức 1,3 - 1,4%/năm trong nửa sau của tháng.
Giá trị giao dịch bình quân phiên trong quý I đạt khoảng 29.000 tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với mức bình quân cùng kỳ năm trước, với giao dịch tập trung chủ yếu ở kỳ hạn qua đêm - 1 tuần (chiếm khoảng 86% tổng khối lượng giao dịch).
Theo các nhà phân tích, trái ngược với xu hướng ổn định trong hai tháng đầu năm, mặt bằng lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng có phần biến động trong tháng 3 chủ yếu do những biến động của mặt bằng lãi suất USD quốc tế, cộng hưởng với những diễn biến có phần bớt thuận lợi từ thị trường trong nước.
Cụ thể, mặt bằng lãi suất cho vay liên ngân hàng qua đêm đến 1 tuần sau khi đi ngang quanh mức 1,5 - 1,6%/năm trong hai tháng đầu năm đã điều chỉnh giảm mạnh khoảng 100 - 150 điểm xuống quanh mức 0,1 - 0,5%/năm trong nửa đầu tháng 3.
Nguyên nhân chính được nhận định chủ yếu do Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có động thái hạ lãi suất “khẩn cấp” hai lần thêm 150 điểm về mức 0 - 0,25%, mức tương đương với giai đoạn sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - nhằm hỗ trợ cho kinh tế Mỹ trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.
Bước sang nửa cuối tháng 3, tình hình thanh khoản USD lại chuyển sang căng thẳng khi nhu cầu nắm giữ USD trên thị trường quốc tế tăng cao trước lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu trong bối cảnh đồng USD vẫn đóng vai trò là đồng tiền trú ẩn an toàn trong những giai đoạn khủng hoảng.
Tại Việt Nam, chênh lệch huy động vốn - tín dụng USD sau khi mở rộng nhẹ khoảng 300 triệu USD trong hai tháng đầu năm đã chuyển sang trạng thái co hẹp mạnh, ước tính khoảng gần 1 tỷ USD trong tháng 3 khi huy động vốn USD có phần chậm lại so với tín dụng USD.
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, Giám đốc tiền tệ một ngân hàng cho biết, nguyên nhân chính khiến huy động vốn USD có phần chậm lại là do vốn đầu tư nước ngoài cùng nguồn kiều hối chảy về Việt Nam giảm và người dân rút ngoại tệ về.
Theo số liệu từ Cục Ðầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, trong quý I (tính đến ngày 20/3), tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,55 tỷ USD, bằng 79,1% so với cùng kỳ năm 2019.
NHNN đủ năng lực và công cụ để kiểm soát tỷ giá
Dự kiến trong quý II, thanh khoản USD liên ngân hàng sẽ có xu hướng ổn định hơn giai đoạn cuối quý I, bình quân quanh mức 1,3 - 1,5%/năm với kỳ hạn qua đêm - 1 tuần và 1,6 - 1,8%/năm với kỳ hạn 1 - 3 tháng.
Các yếu tố hỗ trợ thanh khoản ổn định do kỳ vọng mặt bằng lãi suất LIBOR trên thị trường quốc tế dự kiến duy trì xu hướng đi ngang là chủ đạo khi Fed duy trì lãi suất ở mức thấp để kích thích kinh tế Mỹ trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Mặt bằng lãi suất khó giảm sâu do thanh khoản USD dự báo vẫn căng thẳng khi nhu cầu nắm giữ tiền mặt bằng USD tăng cao trong giai đoạn suy thoái kinh tế.
Còn tại Việt Nam, nguồn vốn USD của hệ thống ngân hàng thương mại được dự báo cũng trở nên kém dồi dào hơn do dòng vốn ngoại tệ từ các hoạt động cơ bản trong nền kinh tế có phần chững lại, đồng thời khả năng tiếp cận vốn vay USD từ thị trường quốc tế cũng đang trở nên khó khăn hơn.
“Tuy nhiên, nguồn cung USD có thể được bổ sung từ hoạt động bán ngoại tệ để bình ổn thị trường của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là khoản đáo hạn trái phiếu Chính phủ ngoại tệ trị giá gần 1 tỷ USD mà Bộ Tài chính huy động từ Vietcombank năm 2015 vào giữa quý II/2020”, các chuyên gia phân tích của BIDV kỳ vọng.
Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 10/4, Thống đốc NHNN cũng khẳng định, NHNN cũng như toàn bộ hệ thống ngân hàng hoàn toàn có đủ năng lực và công cụ để kiểm soát và giữ ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá.
“Chúng tôi cũng sẵn sàng các phương án can thiệp vào thị trường ngoại tệ khi cần thiết. Với nguồn lực dự trữ của Việt Nam hiện nay trên 84 tỷ USD, chúng ta hoàn toàn có đủ nguồn lực để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô”, Thống đốc Hưng tuyên bố.