Các đại diện của Maybank Kim Eng tại Hội nghị Invest ASEAN 2014

Các đại diện của Maybank Kim Eng tại Hội nghị Invest ASEAN 2014

Vốn ngoại vẫn chờ cơ hội

(ĐTCK) Các chuyên gia kinh tế cũng như các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá, Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng nhưng để có thể đầu tư được thì còn phải chờ cơ hội.

Hội nghị đầu tư Invest ASEAN 2014 do Maybank Kim Eng tổ chức tại Singapore vừa qua đã thu hút 411 khách tham dự cùng với 200 tổ chức và 69 doanh nghiệp đến từ 17 quốc gia trên thế giới. Tổng giá trị vốn hoá của các doanh nghiệp tham dự khoảng gần 135 tỷ USD, trong khi các quỹ đến tham dự đang quản lý khối lượng tài sản lên đến trên 14.000 tỷ USD.

Ông John Chong, Tổng giám đốc Maybank Kim Eng cho biết, đây là những phản ứng rất tích cực từ phía các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp. ASEAN đang trở thành một điểm đến đầu tư quan trọng. Năm 2013, khoảng 20 - 25% giá trị các đợt IPO trên toàn thế giới đến từ ASEAN. GDP của ASEAN hiện chiếm khoảng 10% của cả thế giới, còn vốn hoá thị trường chiếm khoảng 12 - 13%.

Tại Hội nghị, ông Datuk Abdul Farid Alias, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn Maybank nói: “Giờ là thời điểm rất đáng chú ý của kinh tế Việt Nam, đặc biệt, niềm tin của giới đầu tư vào Việt Nam đã cải thiện đáng kể”.

Ông Kishore Mahbubani, Giáo sư Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Đại học Quốc gia Singapore, cho biết, 4 trong số 10 nước thành viên ASEAN có tốc độ tăng trưởng kinh tế và mức độ hội nhập nhanh hơn những nước còn lại là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Theo ông, Việt Nam và Myanmar là “những quốc gia mạnh”, đang bắt kịp các nước đi trước.

Theo ông John, việc cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề mà các nhà đầu tư sẽ tiếp tục để mắt đến cùng với tiến độ xử lý nợ xấu.

Về phía Maybank Kim Eng, ông John nói: “Sau khi sáp nhập Kim Eng vào Maybank vào năm 2011, Việt Nam trở thành thị trường quan trọng của chúng tôi. Ở Việt Nam, chúng tôi đã có 8 chi nhánh trên cả nước và kết quả kinh doanh rất tích cực. Chúng tôi lạc quan khi nhận thấy quá trình tái cơ cấu lĩnh vực tài chính đang diễn ra cùng với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đó là điều rất tích cực với thị trường. Trên thực tế, chúng tôi sở hữu 100% Maybank Kim Eng ở Việt Nam. Vừa qua, chúng tôi đã tăng vốn của Maybank Kim Eng Việt Nam lên gấp đôi, 30 triệu USD. Điều đó thể hiện sự lạc quan của chúng tôi về thị trường này”.

Về kế hoạch sắp tới, ông John cho biết, Maybank Kim Eng đanh tính đến chuyện thành lập ngân hàng đầu tư tại Việt Nam và mở rộng hoạt động trong lĩnh vực M&A.

Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước là cơ sở tạo thêm hàng hoá cho thị trường chứng khoán và cũng tạo cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế, vì thực tế, nhiều nhà đầu tư cho biết, họ quan tâm đến Việt Nam nhưng Việt Nam lại có rất ít “chỗ” để đầu tư.

Bên lề Hội nghị Invest ASEAN 2014, ông Đào Phúc Tường, Trợ lý Phó chủ tịch, đồng thời là chuyên viên đầu tư của APS Asset Management Pte Ltd có trụ sở tại Singapore, cho biết, vừa qua, APS đi huy động vốn tại Mỹ để đầu tư vào các nước trong khu vực và nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía các nhà đầu tư dành cho Việt Nam. “Việt Nam đang rất hot”, ông Tường nói.

Ông Tường cho biết, APS được thành lập cách đây 10 năm và hiện đang quản lý tài sản trị giá khoảng 3 tỷ USD, nhưng đầu tư vào Việt Nam chưa nhiều vì thị trường chưa có nhiều hàng hoá và hơn nữa cũng cần phân tán rủi ro bằng cách đầu tư vào các nước khác. “Chúng tôi đến Invest ASEAN 2014 là muốn tìm hiểu cơ hội để đầu tư vào Việt Nam vì chúng tôi không có nhiều cơ hội để gặp gỡ họ”.

Hiện tại, APS đang quan tâm đến cổ phiếu của những ngành mà nhiều nhà đầu tư khác cho rằng vẫn còn khó khăn như xi măng, sắt thép và vận tải biển. “Chúng tôi cho rằng, cổ phiếu những ngành này đã chạm đáy và bắt đầu bước vào một chu kỳ mới. Chúng tôi kỳ vọng giá cổ phiếu của những ngành này sắp tới sẽ tăng trưởng theo đơn vị là lần chứ không phải phần trăm”.

Thực tế không ít công ty quản lý quỹ đã lên kế hoạch thành lập các quỹ mới ở nước ngoài để đầu tư vào Việt Nam. Việc tạo ra các cơ hội như nới “room”, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước… là rất cần thiết và không nên chậm trễ.

Tin bài liên quan