Vốn Nhật vẫn chảy qua thương vụ M&A

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang đẩy mạnh tái cấu trúc khiến các hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) cả trong và ngoài nước gia tăng nhanh chóng.
Vốn Nhật vẫn chảy qua thương vụ M&A

Nửa đầu năm nay, các hoạt động M&A tại Nhật Bản tăng 80%, đạt 6.800 tỷ yên (47 tỷ USD) trong bối cảnh các doanh nghiệp nước này đang đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc nhằm nâng giá cổ phiếu.

Thương vụ lớn nhất là thỏa thuận mua lại Toshiba trị giá 2.100 tỷ yên của một nhóm nhà đầu tư Nhật Bản do Tập đoàn Japan Industrial Partners dẫn dắt. Ban lãnh đạo JSR - hãng sản xuất chất cản quang dùng trong công nghệ chip, cũng đồng ý bán lại JSR cho Japan Investment Corp (tập đoàn đầu tư của chính phủ Nhật Bản) với giá 1.000 tỷ yên.

Sau khủng hoảng tài chính 2009, hoạt động M&A của doanh nghiệp Nhật tập trung ở nước ngoài do doanh nghiệp tìm cách đảm bảo tăng trưởng trong tương lai khi dân số ngày càng giảm. Việc nới lỏng tiền tệ trên quy mô lớn của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã giúp doanh nghiệp huy động được vốn chi phí thấp từ các định chế tài chính trong nước.

Theo hãng dữ liệu Refinitiv, các thương vụ M&A liên quan đến các doanh nghiệp Nhật Bản đạt tổng giá trị khoảng 10.800 tỷ yên trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong số này, M&A giữa các công ty của Nhật Bản chiếm 63% giá trị. Số lượng giao dịch giữa những doanh nghiệp này là 1.828 giao dịch, chiếm 76% tổng số.

Tại thị trường Việt Nam, theo thống kê của FiinGroup, trong nửa đầu năm 2023, giá trị và số thương vụ M&A giảm mạnh 50%. Tuy nhiên, thị trường lại chứng kiến làn sóng thâu tóm của nhà đầu tư ngoại, trái ngược diễn biến năm ngoái.

Theo ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc điều hành Khối nghiên cứu thị trường và tư vấn FiinGroup, từ năm 2022, do ảnh hưởng từ khó khăn của thị trường thế giới cũng như Việt Nam, M&A chứng kiến sự suy giảm cả về số lượng và giá trị giao dịch.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá trị thị trường M&A tại Việt Nam đạt gần 2,7 tỷ USD, giảm 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng giao dịch thành công cũng giảm gần một nửa so với cùng kỳ.

Cũng theo quan sát của chuyên gia FiinGroup, trong năm 2022, các giao dịch M&A đến từ các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam chiếm tỷ lệ tương đối lớn. Tuy nhiên, sang năm 2023, do khó khăn của doanh nghiệp Việt nên doanh nghiệp nước ngoài vươn lên trong hoạt động M&A, đặc biệt những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế lớn.

Trong đó, doanh nghiệp Nhật Bản nổi lên với hai thương vụ M&A “khủng” trong lĩnh vực ngân hàng. Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBank).

Năm 2021, Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) cũng mua 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Việt Nam thịnh vượng (FE Credit) với mức định giá là 2,8 tỷ USD.

Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ M&A xuyên quốc gia của RECOF Corporation cho rằng, dù kinh tế Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, nhưng các công ty đủ mạnh có lợi thế lớn hơn để tìm kiếm cơ hội M&A. Bất chấp sự biến động của thị trường tài chính, các công ty Nhật Bản tiếp tục tăng lượng tiền mặt trên bảng cân đối kế toán và năng lực tài chính của họ ngày càng vững chắc hơn. Trong khi đó, các yếu tố nền tảng kinh tế ở Việt Nam đang cho thấy sự hỗ trợ tốt cho hoạt động M&A, tạo cơ hội cho các thương vụ lớn với nhà đầu tư Nhật Bản.

Công nghệ và hàng tiêu dùng là những lĩnh vực mà nhà đầu tư Nhật Bản tích cực quan tâm. Theo RECOF, trong 3 năm qua, số lượng giao dịch M&A từ Nhật Bản theo ngành thì công nghệ thông tin có số lượng giao dịch M&A lớn nhất, với 11 giao dịch. Lý do một phần bởi Việt Nam từ lâu đã được các công ty Nhật Bản ưa thích như một cơ sở gia công phần mềm với đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin tài năng.

Các giao dịch đáng chú ý gần đây trong lĩnh vực này bao gồm khoản đầu tư 200 triệu USD do Ngân hàng Mizuho dẫn đầu vào công ty khởi nghiệp fintech MoMo và khoản đầu tư của Mynavi vào NAL Solutions - một liên doanh phát triển phần mềm với mục đích giải quyết tình trạng thiếu kỹ sư công nghệ thông tin ở Nhật Bản.

Lĩnh vực bán lẻ cũng được nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm, song các thương vụ M&A lĩnh vực này còn ít, một phần do quy định hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài.

“Chúng tôi đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa hai bên để các giao dịch thành công”, ông Masataka “Sam” Yoshida chia sẻ.

Tin bài liên quan