VPBank: Chi phí vốn sẽ giảm dần từ quý 4/2023

VPBank: Chi phí vốn sẽ giảm dần từ quý 4/2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chi phí vốn của VPBank dự báo có thể giảm từ quý 4 năm nay khi các khoản vay có kỳ hạn dài với lãi suất cao từ giai đoạn trước dần đáo hạn và chiến lược cho vay bán lẻ tiếp tục được đẩy mạnh, qua đó góp phần làm giảm áp lực lên biên lợi nhuận của ngân hàng.

Xu hướng rõ nét

Chi phí vốn (COF) tại VPBank có thể chưa giảm ngay trong quý 3, nhưng bắt đầu từ quý 4, 2023, xu thế giảm sẽ định hình rõ hơn.

Trả lời các câu hỏi của nhà đầu tư về chi phí vốn đầu vào gia tăng trong buổi cập nhật kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023 tuần trước, lãnh đạo VPBank cho biết, chi phí vốn của ngân hàng sẽ cần thời gian để điều chỉnh khi danh mục cho vay cũ với kỳ hạn 6-12 tháng bắt đầu đáo hạn và dần thay thế bằng các khoản vay mới có lãi suất thấp hơn – được giải ngân trong giai đoạn lãi suất bắt đầu hạ nhiệt sau các lần điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Vị lãnh đạo này cũng nhận định với chính sách giảm lãi suất của NHNN trong thời gian qua – với thêm một lần giảm lãi suất điều hành được dự báo trong nửa cuối năm, kết hợp với nguồn vốn dồi dào từ thương vụ phát hành riêng lẻ cho đối tác Nhật Bản và nỗ lực cải thiện chất lượng tài sản, biên lợi nhuận (NIM) của ngân hàng sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Phân tích từ Công ty Chứng khoán (CTCK) VNDirect cho thấy, NIM của 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất đã giảm khoảng 32 điểm cơ bản so với cùng kỳ trong quý 2 vừa qua, xuống 3,41%. Gần 3/4 số ngân hàng ghi nhận NIM sụt giảm khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tiếp tục đối mặt với vấn đề thanh khoản trong thời gian vừa qua.

“Chúng tôi kỳ vọng chi phí vốn sẽ giảm mạnh hơn khi lần thứ 3 và 4 cắt giảm lãi suất diễn ra vào cuối quý 2 sẽ có hiệu lực toàn bộ từ nửa cuối 2023 trở đi. Tuy nhiên, chúng tôi không kỳ vọng sự cải thiện ở NIM ngay lập tức khi việc cắt giảm lãi suất vẫn là ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy hoạt động kinh tế”, VNDirect nhận định trong một báo cáo hồi đầu tháng 8.

Các ngân hàng có tỷ lệ cho vay cá nhân cao hay tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) thấp được cho là sẽ có lợi thế cải thiện NIM tốt hơn so với toàn ngành, theo CTCK này.

Đẩy mạnh bán lẻ

VPBank cho biết, động lực tăng trưởng chính của ngân hàng trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục là mảng ngân hàng bán lẻ, nhằm phát huy các kết quả kinh doanh tích cực nối tiếp từ nửa đầu năm.

Cho vay sản xuất kinh doanh, thẻ tín dụng và vay mua nhà sẽ là những phân khúc được ngân hàng tập trung, theo chia sẻ của lãnh đạo mảng ngân hàng bán lẻ của VPBank trong cuộc họp trực tuyến với nhà đầu tư vừa qua.

Trong quý 3 và 4, VPBank sẽ triển khai thực hiện các sáng kiến nhằm gia tăng khách hàng và số lượng thẻ. Trong đó, bao gồm công tác nâng cao các tính năng số hóa dành riêng cho thẻ tín dụng trên nền tảng ngân hàng số VPBank NEO, ra mắt các dòng thẻ mới phù hợp với thị hiếu của nhiều phân khúc khách hàng trên thị trường. Ngoài ra, Ngân hàng sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới hợp tác với các đối tác và nhãn hàng để triển khai các chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng, tận dụng đà tăng trưởng tích cực của khối dịch vụ - bán lẻ trong nửa đầu năm.

Cùng với đó, trong nỗ lực nâng cao trải nghiệm khách hàng và tăng cường tính cạnh tranh của các sản phẩm cho vay thế chấp như mua nhà, mua xe…, ngân hàng không ngừng đầu tư vào năng lực số hóa và công nghệ, hướng tới mục tiêu cải thiện gấp đôi tỷ lệ phê duyệt cho vay thế chấp tự động trong năm 2023.

Trong nửa đầu năm, khối ngân hàng bán lẻ đã thể hiện vai trò trụ cột trong hoạt động kinh doanh của VPBank, bên cạnh khối chiến lược SME.

Kết thúc quý 2, dư nợ tín dụng của khối ngân hàng bán lẻ đạt hơn 220 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 13% từ đầu năm – dẫn dắt bởi các sản phẩm cho vay kinh doanh và dòng thẻ tín dụng thông qua kích cầu từ các chương trình khuyến mại và hợp tác tăng cường với các đối tác và nhãn hàng lớn.

Trong khi đó, huy động của khối có mức tăng ấn tượng 45% nhờ chiến lược thu hút khách hàng phủ rộng, với loạt sản phẩm tiền gửi có kỳ hạn phong phú. Cùng với đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng trong quý 2 ghi nhận mức tăng 23% so với quý trước đó, riêng khối bán lẻ đạt mức tăng 39% so với quý 1. Tín hiệu tích cực từ xu thế tăng trưởng CASA của VPBank – đặt trong bối cảnh CASA tăng trưởng chậm trong các quý trước, phần nào phản ánh nỗ lực của ngân hàng trong các chiến dịch marketing định kỳ, phủ mã QR, kết hợp với việc đa dạng hóa tính năng thanh toán, kích hoạt tài khoản trên ngân hàng số VPBank NEO.

Tỷ lệ CASA toàn ngành, theo số liệu thu thập của VNDirect, có dấu hiệu cải thiện từ mức 17.6% tại thời điểm cuối quý 1 lên 18,2% tại cuối quý 2 khi lãi suất tiền gửi giảm liên tiếp tại các ngân hàng thương mại sau 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành. Tỷ lệ CASA tại VPBank trong quý 2, tuy giảm so với năm 2022, đã ghi nhận mức tăng nhẹ so với quý 1, với dự báo từ một số CTCK sẽ tiếp tục đà tăng trong các quý tới.

Tin bài liên quan