Bà Phương Hoàng Lan Hương

Bà Phương Hoàng Lan Hương

VSD đã tách xong chứng khoán của NĐT khỏi CTCK

(ĐTCK-online) Việc tách bạch tiền của NĐT khỏi tài khoản của CTCK và được mở tại ngân hàng là yêu cầu mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đặt ra từ lâu, nhưng chưa được các CTCK thực hiện triệt để.

Gần đây, dư luận có đề cập đến việc một số môi giới tại các CTCK thực hiện cho vay chứng khoán để "đánh xuống". Liệu có hay không việc CTCK lạm dụng tài khoản, mượn chứng khoán để bán? ĐTCK có cuộc trao đổi với bà Phương Hoàng Lan Hương, Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) xung quanh vấn đề này.

 

Liệu có hay không việc CTCK lấy chứng khoán từ tài khoản NĐT này để cho NĐT khác vay hay không, thưa bà?

Tôi nghĩ, các CTCK khó có thể làm được việc này. Đến nay, sau quá trình đầu tư công nghệ khá hiện đại, VSD có thể theo dõi đến từng tài khoản chứng khoán của người đầu tư. Nghĩa là, mọi thay đổi trên tài khoản của NĐT thì VSD đều biết. Vừa qua, dư luận nói nhiều đến hiện tượng vay mượn chứng khoán, nhưng tôi cho rằng, chủ yếu diễn ra theo quan hệ hợp đồng dân sự. Việc lấy chứng khoán trên tài khoản NĐT này cho NĐT khác vay nếu có tại CTCK như vậy là việc làm rất rủi ro.

 

Bà vừa nói VSD theo dõi được những thay đổi trên tài khoản của NĐT. Tuy nhiên, những thay đổi đó có do chính các chủ tài khoản yêu cầu hay không, liệu VSD có biết được chính xác?

Đúng là chúng tôi không thể đi kiểm tra, đối chứng từng phiếu lệnh, yêu cầu đặt lệnh của NĐT xem có đúng là chính chủ tài khoản quyết định mua - bán chứng khoán hay không. Nếu NĐT sở hữu chứng khoán nhưng ít khi giao dịch, CTCK cố tình lấy chứng khoán đó và cho vay hoặc giao dịch bằng tài khoản của người đầu tư trong thời gian ngắn, thì rất khó phát hiện. Để hạn chế tình trạng này, NĐT cần thường xuyên kiểm tra số dư chứng khoán trên tài khoản của mình. Nếu có bất thường sẽ phát hiện ra ngay. Trong trường hợp này thì vấn đề đặt ra là đạo đức nghề nghiệp của nhân viên tại các CTCK. Theo tôi, NĐT nên lựa chọn những CTCK uy tín. Tôi nghĩ, không CTCK làm ăn bài bản nào lại chủ trương làm những việc "mất khách" như vậy. Về phía VSD, chúng tôi cũng đã có hướng nghiên cứu để cùng tham gia, giám sát vấn đề này.

 

Cụ thể thì VSD sẽ làm gì để hạn chế tình trạng này, thưa bà?

Trước yêu cầu thực tế, chúng tôi đang nghiên cứu để có thể cung cấp dịch vụ cho người đầu tư thực hiện tra cứu thông tin liên quan đến số dư chứng khoán trên tài khoản của mình tại CTCK. Đối với VSD, đây chỉ là dịch vụ gia tăng giá trị, chứ không thuộc chức năng, nhiệm vụ của VSD. VSD cung cấp dịch này nhằm hỗ trợ cho hoạt động thị trường được minh bạch hơn, đáp ứng yêu cầu về thông tin của NĐT.

Tuy nhiên, do đặc thù và vai trò của mình, VSD sẽ nghiên cứu cẩn trọng trước khi triển khai. Một mặt, đáp ứng thông tin cho NĐT, mặt khác đảm bảo tính bảo mật cho các đơn vị liên quan, cũng như an ninh và an toàn của hệ thống nghiệp vụ phục vụ thị trường. Khi triển khai, những NĐT đăng ký với VSD sẽ được sử dụng dịch vụ này. Việc cung cấp thêm thông tin từ đầu mối VSD cùng với đầu mối các CTCK sẽ giúp NĐT nắm bắt thông tin nhanh nhạy, chuẩn xác.

 

Thưa bà, hiện nay chứng khoán của NĐT và của CTCK đang được quản lý ra sao, đã thực hiện tách bạch hay chưa?

Thực ra, chứng khoán của người đầu tư và của CTCK thực tế đã được quản lý tách bạch theo quy định pháp luật. CTCK có tài khoản chứng khoán tự doanh để hạch toán chứng khoán của chính mình và tài khoản chứng khoán của khách hàng để hạch toán chứng khoán thuộc giao dịch khách hàng. Tuy nhiên, trước đây tại VSD, chúng tôi chỉ theo dõi tài khoản tổng của các khách hàng tại CTCK, mà không theo dõi đến chi tiết sở hữu của từng khách hàng. Vì vậy, không thể hỗ trợ cho công tác giám sát việc CTCK có thể lạm dụng chứng khoán thuộc sở hữu của người đầu tư. Còn hiện nay, hệ thống nghiệp vụ của VSD đã thực hiện quản lý thông tin sở hữu đến từng người đầu tư. Vì vậy, VSD sẽ phát hiện ra ngay các giao dịch dẫn đến thiếu chứng khoán hoặc bán chứng khoán khi chưa sở hữu. Cùng với việc đưa vào hệ thống dịch vụ cung cấp thông tin NĐT tới đây, việc quản lý chứng khoán tại CTCK sẽ minh bạch, công khai.