VssID: Bước tiến lớn của ngành bảo hiểm xã hội

VssID: Bước tiến lớn của ngành bảo hiểm xã hội

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhấn mạnh như vậy khi nói về chuyển đổi số của ngành này.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa quản lý BHXH đã mang lại hiệu quả gì trong hoạt động của BHXH Việt Nam?

Trong những năm qua, BHXH Việt Nam đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả hoạt động nghiệp vụ của ngành, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp cũng như chính cơ quan BHXH.

Chẳng hạn, việc tích cực sử dụng các phần mềm nghiệp vụ, công bố các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4, kết hợp với các ngân hàng để điện tử hóa hệ thống quản lý thu chi, cung cấp tiện ích đa phương tiện, đa kênh thanh toán… đã giúp người dân, doanh nghiệp kiểm soát và thụ hưởng tốt hơn các dịch vụ BHXH, đồng thời góp phần mang lại hiệu quả rõ rệt trên cả 2 mục tiêu đặt ra là minh bạch hóa và nâng cao hiệu quả quản lý các hoạt động của ngành.

Mới đây, BHXH Việt Nam đã cho ra mắt ứng dụng dịch vụ thông tin BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên nền tảng thiết bị di động với tên gọi VssID - BHXH số. Đây là bước đi quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình chuyển đối số của ngành BHXH như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Vậy đâu là những tính năng nổi trội của VssID?

Ông Phạm Lương Sơn

Ông Phạm Lương Sơn

VssID - BHXH số là một sản phẩm thuộc hệ sinh thái chuyển đổi số phục vụ người dân của ngành BHXH Việt Nam. Ứng dụng VssID hiện cung cấp các tiện ích, thông tin thiết yếu như theo dõi quá trình tham gia, lịch sử thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế; tra cứu các thông tin mã số BHXH, cơ quan BHXH, cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và các điểm thu, đại lý thu BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình; dịch vụ hỗ trợ 24/7…

Sử dụng VssID, người dùng còn có thể thực hiện vai trò giám sát nghĩa vụ đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của người sử dụng lao động, góp phần công khai, minh bạch thông tin và hạn chế tình trạng nợ, trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Đồng thời, VssID còn là một kênh truyền thông trực tiếp đến người sử dụng, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để người sử dụng thấy được giá trị nhân văn của các chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước.

Vấn đề bảo mật thông tin người dùng cũng được BHXH Việt Nam ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng VssID với tính năng đăng nhập bằng vân tay hay khuôn mặt có độ bảo mật rất cao và vô cùng thuận tiện.

Bên cạnh cho ra đời những tiện ích mới, BHXH Việt Nam còn triển khai những nhiệm vụ nào để hoàn thiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành?

Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi đang tập trung vào 6 nhóm việc chính. Thứ nhất, đảm bảo sự ổn định và duy trì hoạt động của cơ sở dữ liệu quốc gia - 1 trong 6 cơ sở được Chính phủ giao cho BHXH Việt Nam xây dựng, quản lý, vận hành. Đồng thời, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật cho việc ứng dụng tất cả các công nghệ thông tin được thông suốt trên phạm vi cả nước.

Thứ hai, đảm bảo việc cập nhật, khai thác, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia được xây dựng và quản lý bởi các bộ ngành, địa phương khác, giúp cơ quan BHXH cũng như các bộ, ngành, địa phương khác thuận lợi hơn trong việc phục vụ người dân, đặc biệt là công tác đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ ba, hoàn thiện và vận hành hệ thống phần mềm phục vụ giúp nâng cao hơn nữa năng lực quản lý, điều hành, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn.

Thứ tư, tiếp tục triển khai hệ sinh thái công nghệ, trong đó VssID được coi là một trong những công cụ nòng cốt mang lại tiện ích nhiều hơn cho người dân, doanh nghiệp khi đăng ký tham gia cũng như thụ hưởng chính sách BHXH, bảo hiểm y tế.

Thứ năm, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của ngành BHXH và cổng thông tin điện tử của Chính phủ để người dân có thể sử dụng các dịch vụ thuận tiện nhất.

Thứ sáu, thực hiện xây dựng và tham gia cùng Chính phủ xây dựng Chính phủ điện tử, liên kết với các đơn vị để hoàn thiện cấu trúc Chính phủ điện tử ở Việt Nam.

Tin bài liên quan