Vụ án tại Sân bay Điện Biên: Trả hồ sơ để điều tra bổ sung

0:00 / 0:00
0:00
Chiều 11/8, sau 4 ngày xét xử và 6 ngày nghị án, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên đã quyết định trả hồ sơ vụ án Sân bay Điện Biên để điều tra bổ sung.
Các bị cáo nghe tòa tuyên án. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Các bị cáo nghe tòa tuyên án. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Sau 4 ngày xét xử và nghị án kéo dài 6 ngày, chiều 11/8, Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” liên quan đến Dự án Nâng cấp, Cải tạo Cảng Hàng không Điện Biên.

Cụ thể, căn cứ Điều 230, Điều 219 Bộ luật Hình sự; căn cứ vào kết quả việc xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa; xét thấy cần xem xét, giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại dân sự, bồi hoàn của các bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quyết định tại Điều 230 Bộ luật Hình sự; Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ vụ án hình sự số 79, ngày 27/4/2023 đối với các bị cáo.

Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Điện Biên tiến hành điều tra bổ sung những vấn đề sau: xác minh làm rõ trách nhiệm dân sự liên quan đến việc bồi thường, bồi hoàn của các bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, liên quan đến hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Trước đó, trong 4 ngày (2-5/8), Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” liên quan đến Dự án nâng cấp, cải tạo Cảng Hàng không Điện Biên.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1977, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Điện Biên Phủ); ba bị cáo là lãnh đạo, nhân viên Trung tâm Quản lý đất đai thành phố Điện Biên Phủ gồm Trần Thị Vân (sinh năm 1978, Giám đốc), Nguyễn Thị Khương (sinh năm 1965, nhân viên hợp đồng), Trần Thị Hòa (sinh năm 1985, viên chức); hai bị cáo là cán bộ, công chức Phòng Tài chính-Kế hoạch thành phố Điện Biên Phủ gồm Phạm Trung Kiên (sinh năm 1984, Phó Trưởng phòng), Trần Xuân Mạnh (sinh năm 1984, công chức); ba bị cáo là lãnh đạo, công chức Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Điện Biên Phủ gồm Nguyễn Đình Hiệp (sinh năm 1976, Phó Trưởng phòng), Bùi Thị Ánh (sinh năm 1967, công chức) và Bùi Mạnh Cường (sinh năm 1990, công chức).

Tại phiên tòa, bản luận tội của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên đề nghị: Bị cáo Nguyễn Thị Khương 8-9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất,” 1-2 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; tổng hợp hình phạt là 9-11 năm tù. Bị cáo Nguyễn Tuấn Anh mức án 8-9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.”

Cùng tội danh này, các bị cáo: Phạm Trung Kiên, Trần Xuân Mạnh và Bùi Thị Ánh bị đề nghị 4-5 năm tù; Nguyễn Đình Hiệp bị đề nghị 6-7 năm tù; Bùi Mạnh Cường bị đề nghị 5-6 năm tù. Bị cáo Trần Thị Vân bị đề nghị 7-8 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất,” 1-2 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; tổng hợp hình phạt là 8-10 năm tù.

Bị cáo Trần Thị Hòa bị đề nghị 36 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”

Trong quá trình xử án, các bị cáo và luật sư bào chữa đã trình bày những quan điểm liên quan đến nội dung luận tội của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên.

Các luật sư bào chữa cho rằng Dự án Nâng cấp, Cải tạo Cảng hàng không Điện Biên là dự án lớn, trọng điểm của tỉnh, vì vậy để đảm bảo cho công tác đền bù và giải phóng mặt bằng được thực hiện theo đúng tiến độ trong một thời gian ngắn, các bị cáo đã phải chịu áp lực rất lớn về mặt khối lượng công việc, dẫn đến hành vi vi phạm các quy định đề ra.

Luật sư cũng đưa ra những tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo như hoàn cảnh bản thân, gia đình, trong quá trình tố tụng đã có ý thức khắc phục hậu quả cao, thành khẩn khai báo và hợp tác tích cực, từ đó mong muốn Tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Hầu hết bị cáo cho rằng nguyên nhân dẫn đến sai phạm do chưa hiểu hết quy định và bị thúc ép tiến độ trong quá trình thực hiện việc lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại Dự án Cảng hàng không Điện Biên.

Một số ý kiến của luật sư bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử dừng phiên toà, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Tin bài liên quan