Hà Nội hiện vẫn còn rất nhiều nhà máy, xưởng sản xuất cũ nằm lẫn trong khu dân cư chưa được di dời. Ảnh: Dũng Minh

Hà Nội hiện vẫn còn rất nhiều nhà máy, xưởng sản xuất cũ nằm lẫn trong khu dân cư chưa được di dời. Ảnh: Dũng Minh

Vụ cháy Công ty Rạng Đông và lời cảnh báo từ các nhà máy ở nội đô

(ĐTCK) Vụ cháy nhà kho của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông là lời cảnh tỉnh về nguy cơ cháy nổ bất cứ lúc nào từ các nhà xưởng vẫn án ngữ trong khu dân cư ở Hà Nội hiện nay.

Nguy cơ được báo trước

Khoảng 18h ngày 28/8/2019, lửa bùng phát lên từ nhà kho của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, tại phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đám cháy sau đó bùng phát và phải tới nửa đêm mới được lực lượng phòng cháy chữa cháy không chế. Thêm hàng giờ đồng hồ nữa tục trực để khống chế không cho lửa bùng phát trở lại.

Không gây thiệt hại về người, nhưng theo công bố của Công ty Rạng Đông, vụ cháy gây thiệt hại 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý không phải là con số thiệt hại tài sản 150 tỷ đồng trên, mà mức ảnh hưởng độc hại để lại của vụ cháy với cư dân xung quanh.

Các nhà khoa học ước tính, có khoảng 27 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường sau vụ cháy xảy ra tại Công ty Rạng Đông. Bộ Tài nguyên và Môi trường cảnh báo, trong phạm vi 200 - 500 m (tính từ tường rào nhà kho) là vùng nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, dưới 200 m là mất an toàn.

Trước vụ cháy kho của Rạng Đông, trên địa bàn Hà Nội cũng từng xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến nhà xưởng sản xuất. Chẳng hạn, cũng trong ngày 28/8, một đám cháy lớn đã bùng phát tại dãy nhà xưởng trong ngõ 300 đường Nguyễn Xiển, huyện Thanh Trì. Trước đó, sáng ngày 11/8, một đám cháy cũng xảy ra ở một khu nhà xưởng tại phường Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội). Nặng nề hơn, vụ cháy kho xưởng tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm khiến 8 người thiệt mạng…

Vẫn còn nhiều “quả bom lửa”

Dù Hà Nội thời gian qua xảy ra nhiều vụ chảy nhà xưởng, nhưng chỉ đến khi vụ cháy kho Rạng Đông với mức ảnh hưởng về môi trường, nhiều người mới giật mình lo sợ về nguy cơ từ các nhà máy, nhà xưởng cũ vẫn đang hoạt động tại khu vực nội đô. Và từ đây, mọi người mới nhắc tới các quyết định di dời có từ cả chục năm trước.

Ngày 22/4/2003, Thủ tướng ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngay sau đó, UBND TP. Hà Nội đã ra quyết định chuyển các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch, nguy cơ ô nhiễm môi trường khỏi nội đô.

Tuy nhiên, sau nhiều năm, hiện đang còn hàng loạt cơ sở sản xuất vẫn án ngữ tại nội đô không chịu di dời, trong đó phải kể đến khu “cao xà lá” tại đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Khu vực này gồm có cụm sản xuất cao su, xà phòng, thuốc lá, giày, bóng đèn..., trong đó có Công ty Rạng Đông.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ngoài khu “cao xà lá”, phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) hiện cũng là khu vực có nhiều nhà máy cũ đang hoạt động như Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, Nhà máy May 10 tháng 10, Nhà máy Gạch Nam Thắng, Công ty Lương thực miền Bắc, Dệt 8/3…

Hay Khu công nghiệp nhỏ và vừa quận Bắc Từ Liêm, nằm lọt thỏm giữa khu dân cư, nhưng là địa điểm của các nhà máy sản xuất, kho xưởng thuộc các ngành nghề dễ gây cháy nổ như, sản xuất mì ăn liền, giấy bao bì, đồ gỗ, nhựa…

Trong đợt giám sát năm 2018, Ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội đã chỉ ra hàng trăm cụm công nghiệp, các cơ sở kinh doanh xăng dầu, các nhà xưởng xen lẫn khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại ở các chung cư dễ xảy ra cháy nổ. Phần lớn các nhà xưởng, nhà kho ở đây không có hệ thống báo cháy. Ngoài ra, các nhà kho, nhà xưởng được xây dựng theo kiểu “chuồng cọp”, chỉ có một lối thoát duy nhất. Hầu hết những nhà xưởng, nhà kho này được làm bằng khung thép, mái tôn xen lẫn khu dân cư để làm nơi lưu giữ, trung chuyển hàng hóa… tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, việc di dời các cơ sở công nghiệp đã được đặt ra từ sau quy hoạch năm 1998 và Hà Nội đã có rất nhiều chính sách ưu tiên để di dời. Thành phố cũng đã làm được một số trường hợp, như di dời Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Cơ khí Mai Động…, một số cơ sở như Dệt 8/3 được giới thiệu địa điểm thích hợp, hỗ trợ cán bộ, công nhân viên, hay ngay như Công ty Bóng đèn, phích nước Rạng Đông cũng được giới thiệu vị trí để di dời.

Theo ông Nghiêm, nguyên nhân khiến việc di dời không như kế hoạch là do doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thích nghi với địa điểm mới, nhiều đơn vị không đủ nguồn để thực hiện di dời. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn là thiếu sự chỉ đạo quyết liệt, tạo điều kiện của cơ quan chức năng. Chính vì thế, hiện nay vẫn tồn tại nhiều khu nhà xưởng của cơ sở công nghiệp nằm sát vách với nhà dân.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan