Các bị cáo tại tòa.

Các bị cáo tại tòa.

Vụ chứng khoán SMES: Trả hồ sơ làm rõ PVI, PVFI bị chiếm đoạt bao nhiêu tiền?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau 2 ngày xét xử, chiều 10/5, TAND TP.Hà Nội quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Chứng khoán SME (viết tắt là SMES).

Theo HĐXX, việc trả hồ sơ điều tra bổ sung là để làm rõ việc có hay không biên bản xác nhận công nợ, kế hoạch trả nợ giữa SMES với Công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (nay là Công ty cổ phần PVI), nếu có thì đã thực hiện thế nào?

Đồng thời, xác định các bị cáo tại SMES có chiếm đoạt tiền của PVI hay không, nếu có là bao nhiêu để từ đó xác định trách nhiệm hình sự, dân sự giữa các bị cáo và chủ thể liên quan.

HĐXX cũng yêu cầu làm rõ số cổ phiếu của PVFI (CTCP Tài chính công đoàn dầu khí Việt Nam) đứng tên SMES mà bị cáo Phan Huy Chí - cựu Chủ tịch HĐQT của SMES - đang nắm giữ và mục đích mua số cổ phiếu này liên quan thế nào đến số tiền hơn 79 tỷ đồng mà SMES nhận từ Công ty PVFI.

Đồng thời, cần xác định rõ các bị cáo có chiếm đoạt tiền của PVFI không, nếu có là bao nhiêu và theo phương thức nào…

Quá trình xét hỏi, bị cáo Phan Huy Chí nhiều lần khẳng định “không chiếm đoạt tiền” của PVI và PVFI. Bị cáo cho rằng, hợp đồng hợp tác đầu tư thực chất là cho vay tiền. Việc vay mượn là dân sự. Bị cáo không có hành vi lừa đảo.

HĐXX cũng tra hỏi về việc tại sao SMES mua cổ phiếu PVFI và đứng tên số cổ phiếu này nhưng PVFI lại chuyển tiền cho SMES? Có thỏa thuận nào thể hiện việc PVFI nhờ SMES mua cổ phiếu không? nguồn tiền để thanh toán số cổ phiếu này lấy từ đâu? Số tiền các bị cáo chiếm đoạt sử dụng vào mục đích cá nhân không, có đưa cho ai khác không?

Bị cáo Chí khai, PVFI có kế hoạch niêm yết song “không nắm rõ vì bị cáo không trao đổi với PVFI”. Bị cáo Phạm Minh Tuấn - cựu Tổng giám đốc SMES nói "không rõ và nguồn tiền hòa chung vào vốn lưu động công ty".

Đại diện PVFI cũng cho hay, hiện SMES đang sở hữu hơn 3 triệu cổ phiếu PVFI. Trên sổ cổ đông của PVFI có thể hiện SMES là cổ đông. PVFI đã từng khởi kiện ra TAND TP Hà Nội về số cổ phiếu này. Tuy nhiên, hiện trạng số cổ phiếu này được SMES cầm cố cho ngân hàng. TAND TP Hà Nội đang tạm đình chỉ vụ kiện này để chờ kết quả điều tra của cơ quan công an.

Theo cáo trạng, SMES được thành lập từ năm 2006, vốn điều lệ 255 tỷ đồng. Do cần tiền sử dụng cá nhân và thanh toán các khoản nợ cũ, Phan Huy Chí, Phạm Minh Tuấn (cựu Tổng giám đốc SMES) và các đồng phạm đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong kinh doanh chứng khoán và sử dụng thủ đoạn gian dối trong việc tạo dựng khách hàng, đưa các mã chứng khoán khống vào hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng ủy thác, cầm cố, xác nhận phong tỏa các mã chứng khoán khống để lừa đảo, chiếm đoạt gần 300 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng xác định, các bị cáo chiếm đoạt PVI số tiền 107 tỷ đồng, PVFI hơn 111 tỷ đồng, Ngân hàng Habubank 80 tỷ đồng.

Trong vụ án này, các bị cáo thuộc PVFI đã không thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm quy trình hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết dẫn đến PVFI bị thiệt hại 109 tỷ đồng.

Cáo trạng xác định, các bị cáo này là những người có chức trách nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn của nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên các bị cáo không làm đầy đủ nhiệm vụ được giao, không làm đúng, đủ quy trình hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết của PVFI. Khi ký kết hợp đồng và niêm yết chứng khoán không có mặt các bên tham gia, không thực hiện đúng nội dung hợp đồng, để cho Phan Huy Chí và đồng phạm lợi dụng chiếm đoạt tiền.

Quá trình điều tra, bị cáo Phan Huy Chí đã trả cho PVI hơn 65,6 tỷ đồng. Gia đình bị cáo Chí đã khắc phục thêm 15 tỷ đồng, Phạm Minh Tuấn khắc phục hơn 2,3 tỷ đồng…

Cơ quan điều tra đã trả lại cho PVI hơn 18,3 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền PVI được bồi thường là hơn 84 tỷ đồng.

Công an phong tỏa tài khoản của bị cáo Phan Huy Chí tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam các mã gồm SGB, VBB, SHB, VCV, PXL; tài khoản của bị cáo Phạm Minh Tuấn gồm các mã SME, SVP, PXL và tài khoản tại SMES gồm một số mã chứng khoán cùng hơn 738 triệu đồng.

Tin bài liên quan