Vụ khăn lụa Khaisilk “Made in China”: Có vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh?

Từ vụ gian lận của Khaisilk, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ, nguồn gốc sản xuất là vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh, không thể chấp nhận được.

Chủ tịch Tập đoàn Khai Silk vừa lên tiếng thừa nhận thương hiệu Khaisilk có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc, với tỷ lệ hàng Trung Quốc/hàng Việt Nam là 50/50.

Dù ông chủ của thương hiệu Khaisilk đã "cúi đầu xin lỗi" khách hàng nhưng một số chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, luật sư cho rằng Khaisilk không thể “xin lỗi suông”.

Không để đạo đức doanh nghiệp thành "xa xỉ phẩm"

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, mặc dù số đông các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và thực hiện đạo đức kinh doanh nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp Việt hoạt động trái pháp luật và đạo đức kinh doanh.

Vụ khăn lụa Khaisilk “Made in China”: Có vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh? ảnh 1

Việc “nhập nhằng” xuất xứ khăn lụa của Tập đoàn Khaisilk đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của thương hiệu Việt. 

Câu hỏi đặt ra là nguyên nhân gì dẫn đến những hành động phi đạo đức của một số doanh nghiệp này?

Ông Hiếu nhận định, có hai nguyên nhân của hiện tượng này: Một là mục tiêu lợi nhuận đã khiến không ít doanh nghiệp phá vỡ những giá trị đạo đức xã hội và kinh doanh để hưởng lợi.

Nguyên nhân thứ hai là hiện tượng suy đồi đạo đức của toàn xã hội. Con người sẵn sàng “ăn gian, nói dối” miễn là làm sao đạt được điều mong muốn.

TS. Hiếu bức xúc nêu thực tế: Hiện tượng này hình như mặc nhiên đươc xã hội chấp nhận công khai.

Một thí dụ điển hình là hằng ngày trên các chương trình truyền hình, kể cả các chương trình truyền hình được coi là có uy tín, vị thế, nhiều hãng dược phẩm quảng cáo thực phẩm chức năng nêu cả những công dụng chữa các bệnh như tiểu đường, suy thận, viêm gan, cột sống lão hóa, nhưng phần cuối của quảng cáo nói rằng "sản phẩm là thực phẩm chức năng, không phải thuốc chữa bệnh" thì cho chạy rất nhanh.

Phần cuối của quảng cáo rất quan trọng đối với người dân để họ không lầm tưởng đây là loại thuốc trị bệnh mà chỉ là loại "thuốc bổ".

Nhưng các nhà quảng cáo cho chạy rất nhanh phần này, vừa để đỡ tốn phí vì tiết kiệm được thời gian phát hình, nhưng dường như cũng để khán thính giả không nghe kịp câu nói "đây là thực phẩm chức năng chứ không phải thuốc chữa bệnh".

Một người dân mắc những chứng bệnh nan y khi không nghe kịp câu nói này, có thể tin rằng đây là nhưng thuốc chữa bệnh, nhất là lại được công khai quảng cáo trên những kênh truyền hình dược coi là có vị thế.

"Một câu hỏi đươc đặt ra ở đây là, nếu một kênh truyền hình lớn như vậy để điều này xảy ra năm này sang năm khác, một điều có thể xem như một sự gian lận thông tin hay ít nhất làm lạc hướng thông tin, thì ngoài xã hội kia sự gian dối, lừa đảo còn phổ biến như thế nào?", ông Hiếu đặt câu hỏi.

Nhẹ nhất là xử phạt gian lận thương mại, hàng giả

Trao đổi về thông tin gian lận thương hiệu gây chấn động dư luận của Khaisilk, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Trần Hùng cho rằng, việc “nhập nhằng” xuất xứ khăn lụa của Tập đoàn Khaisilk đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của thương hiệu Việt.

Đây là sự việc rất đáng buồn cho một thương hiệu sau bao nhiêu năm gầy dựng, giữ gìn.

Ông Hùng đánh giá, sự việc của Khaisilk đã gây nên một chấn động rất lớn bởi rất nhiều người đã và đang tin tưởng thương hiệu Khaisilk. Khăn lụa Khaisilk thường được dùng làm quà cho các đối tác, bạn bè quốc tế khi sang Việt Nam để ngoại giao hay hợp tác kinh doanh.

Vụ việc gian lận của Khaisilk nhẹ nhất là xử phạt gian lận thương mại, hàng giả. Còn nếu nặng thì có thể chiếu theo tội lừa đảo khách hàng.   

 - Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch hãng Luật Basico

Điều này sẽ ảnh hưởng đến cái nhìn của bạn bè quốc tế vào những sản phẩm, thương hiệu có xuất xứ từ Việt Nam. Việc mất uy tín của thương hiệu chỉ là một phần nhưng tổn thất lớn nhất chính là việc mất niềm tin trong nhân dân.

Theo quan điểm của Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch hãng Luật Basico, vụ việc gian lận của Khaisilk nhẹ nhất là xử phạt gian lận thương mại, hàng giả. Còn nếu nặng thì có thể chiếu theo tội lừa đảo khách hàng.

Theo ông Đức, quyền lực người tiêu dùng hiện nay là họ có quyền tẩy chay, còn nếu để pháp lý vào cuộc thì có thể mất thời gian thêm nữa. Doanh nghiệp sợ nhất là người tiêu dùng tẩy chay hàng hoá, sợ không bán được hàng, chứ không sợ bị luật pháp xử phạt hành chính. 

LS. Đức cho rằng, việc cần làm là Khaisilk dũng cảm đứng ra đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng cả về vật chất và tinh thần nếu muốn lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Tin bài liên quan