Vụ Vạn Thịnh Phát: Đại diện SCB đề nghị xác định lại số tiền thiệt hại

0:00 / 0:00
0:00
Là bị hại trong vụ án này, đại diện Ngân hàng SCB đề nghị bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm khắc phục số tiền thiệt hại tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm là 760.000 tỷ đồng.

Chiều 14/3, sau khi thẩm vấn bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và cùng các bị cáo khác, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP.HCM chuyển hỏi bị hại trong vụ án là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và người liên quan.

Tại tòa, đại diện Ngân hàng SCB không đồng ý với khoản tiền thiệt hại như trong cáo trạng truy tố là khoảng 498.000 tỷ đồng. Thay vào đó, vị đại diện này đề nghị HĐXX xác định thiệt hại trong vụ án là hơn 677.000 tỷ đồng tiền gốc và hơn 84.000 tỷ đồng lãi phát sinh tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm là ngày 5/3/2024 là hơn 760.000 tỷ đồng. Trong đó chưa tính đến lãi bổ sung đến thời điểm thi hành án xong.

Các bị cáo tại tòa.

Các bị cáo tại tòa.

Đối với 1.166 mã tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan dùng đảm bảo cho các khoản vay của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, đại diện Ngân hàng SCB đề nghị cho Ngân hàng SCB được quyền khai thác, sử dụng, quản lý, không phân biệt tài sản đó có đủ điều kiện pháp lý đảm bảo hay không.

Đồng thời, với các tài sản bị kê biên, là vật chứng trong vụ án, có nguồn gốc đang nằm ở Ngân hàng SCB đề nghị giao SCB toàn quyền quản lý, sử dụng các tài sản này.

Đại diện SCB cũng đề nghị HĐXX tiếp tục truy tìm các tài sản của bà Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chưa bị kê biên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của các bị cáo cho Ngân hàng SCB.

Trước đó, trả lời những nội dung để làm rõ việc có ai chỉ đạo chỉnh sửa số liệu trong kết quả thanh tra về những sai phạm và những yếu kém xảy ra Ngân hàng SCB, hai cựu lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã có những mâu thuẫn.

Cụ thể, bị cáo Nguyễn Văn Hưng, Phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho hay, với vai trò là Phó chánh thanh tra, bị cáo không chủ động và không chỉ đạo sửa số liệu về thực trạng tại Ngân hàng SCB.

Theo bị cáo Hưng, ông không phụ trách đoàn thanh tra đi thanh tra mà chỉ là người ký quyết định thanh tra. Ông cũng từ chối trả lời nhiều câu hỏi của luật sư vì cho rằng mình đã trình bày trong những ngày xét xử trước đó.

Trong khi đó, bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, thừa nhận việc chỉnh sửa Kết luận thanh tra để dẫn tới việc không phát hiện sai phạm tại Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, người chỉ đạo bị cáo chỉnh sửa kết luận thanh tra để báo cáo Ngân hàng Nhà nước là bị cáo Nguyễn Văn Hưng.

Bị cáo sau đó đã chỉ đạo lại cấp dưới phối hợp thực hiện hành vi nên xin nhận toàn bộ trách nhiệm, mong Hội đồng xét xử xem xét cho các thành viên của Đoàn thanh tra.

“Bị cáo có nhận chỉ đạo của anh Hưng nên mới sửa. Dù anh Hưng chỉ đạo, tôi chỉ đạo lại, tôi xin nhận trách nhiệm bên dưới vì chỉ nhận làm theo chỉ đạo của tôi”, bị cáo Nhàn khai.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước khai việc sửa Kết luận thanh tra theo chỉ đạo.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước khai việc sửa Kết luận thanh tra theo chỉ đạo.

Theo bị cáo Nhàn, dù bị cáo Nguyễn Văn Hưng không thừa nhận đã chỉ đạo, nhưng cáo trạng đã nêu rõ. Bị cáo Nhàn khai nếu Nguyễn Văn Hưng tiếp tục chối thì bị cáo sẽ đưa ra chứng cứ chứng minh ông Hưng chỉ đạo. Trong đó, chứng cứ quan trọng nhất là báo cáo hoàn thành ngày 11/1/2018, trình tờ trình 18,19, đảm bảo minh bạch trong thanh tra.

“Tại tờ trình, chúng tôi đề nghị bị cáo Nguyễn Văn Hưng đề nghị thành lập bộ phận độc lập với Đoàn thanh tra xây dựng dự thảo, nhưng bị cáo Hưng vẫn để nguyên. Sau đó, bị cáo Hưng chỉ đạo sửa số liệu liên quan chỉ số an toàn SCB đã được bị cáo Nhàn chỉ đạo cấp dưới dẫn tới sai lệch kết quả thanh tra”, bị cáo Nhàn khai.

Bị cáo này cho biết thêm, liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra ngày 4/12/2018 đã thể hiện nội dung còn tồn tại tại Ngân hàng SCB, nếu SCB nghiêm túc thực hiện thì sẽ không rơi vào tình trạng hôm nay.

Sau đó, tháng 1/2020, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có quyết định 03 giám sát. Ngân hàng SCB không thực hiện kiến nghị trong kết luận thanh tra là một trong những nguyên nhân gây ra hậu quả xấu tại SCB, chứ không bắt nguồn từ kết luận của đoàn thanh tra.

Theo cáo trạng, trong quá trình thanh tra tại SCB, Nguyễn Văn Hưng đã nhận 390.000 USD của Ngân hàng SCB để thực hiện những hành vi sai phạm. Theo đó, bị cáo Nguyễn Văn Hưng, người ra quyết định thanh tra là người trực tiếp chỉ đạo Đỗ Thị Nhàn và có trách nhiệm báo cáo kết quả thanh tra lên Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.

Các thành viên của Đoàn thanh tra có vai trò thực hiện, đồng ý theo ý kiến chỉ đạo, đã báo cáo không đầy đủ, không trung thực, bao che sai phạm của Ngân hàng SCB lên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Chính Phủ và ra kết luận thanh tra theo hướng không đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt, để SCB tiếp tục thực hiện tái cơ cấu.

Không chuyển hồ sơ sai phạm sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định; ưu tiên áp dụng giải pháp kinh tế dẫn tới không kịp thời ngăn chặn để Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút, sử dụng tiền của SCB trái pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là 514.102 tỷ đồng.

Tin bài liên quan