Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư trong phiên xét xử ngày 1/4.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư trong phiên xét xử ngày 1/4.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Viện Kiểm sát đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư

0:00 / 0:00
0:00
Viện Kiểm sát cho rằng, có đủ cơ sở xác định Trương Mỹ Lan nắm quyền điều hành của Ngân hàng SCB, chỉ đạo điều hành cấp dưới để chiếm đoạt tiền của SCB…

Thiệt hại được xác định qua các biện pháp điều tra

Ngày 1/4, Tòa án Nhân dân TP.HCM (TAND) tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các tổ chức khác.

Sau phần bào chữa của các luật sư và bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) tại phiên tòa, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM (VKS) đã đưa ra nhiều quan điểm đối đáp lại các phần bào chữa này.

Cụ thể, đối với quan điểm của luật sư và bị cáo Trương Mỹ Lan là căn cứ vào kết quả thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân để xác định thiệt hại cho vụ án là chưa phù hợp. VKS đối đáp lại rằng, hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan là xuyên suốt từ năm 2012.

Căn cứ để xác định hậu quả của vụ án không bắt buộc phải thành lập hội đồng thẩm định giá tố tụng hình sự mà có thể áp dụng biện pháp thu thập chứng cứ khác để xác định hậu quả. Theo đó, số tiền tham ô hơn 304.000 tỷ đồng không căn cứ vào kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân, mà cơ quan tố tụng sử dụng các biện pháp điều tra để xác định.

Đại diện VKS cho biết thêm, cơ quan tố tụng đã áp dụng tổng dư nợ trừ đi giá trị các tài sản đảm bảo là đã áp dụng nguyên tắc có lợi cho các bị cáo. Đề nghị HĐXX xem xét quan điểm nêu trên của VKS.

Tại tòa, một số luật sư cho rằng, việc xác định thiệt hại phải dựa theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Song, đại diện VKS đối đáp rằng, việc xác định trên chỉ áp dụng đúng với các tổ chức tín dụng vi phạm hình sự thông thường.

Trong vụ án này, bản chất của Trương Mỹ Lan là chiếm đoạt tài sản, đưa tài sản vào không đăng ký giao dịch bảo đảm… nên VKS không xác định thiệt hại theo quan điểm của luật sư nêu.

Theo VKS, đây là vụ án hình sự mang tính chất chiếm đoạt, để có tiền sử dụng, Trương Mỹ Lan đã huy động tiền của người dân, doanh nghiệp sau đó dùng nhiều thủ đoạn để rút ra … Trương Mỹ Lan đã biến ngân hàng SCB thành công cụ tài chính của mình.

Sau khi vụ án bị khởi tố, để Ngân hàng SCB duy trì hoạt động, SCB đã phải vay tiền từ Ngân hàng Nhà nước mới có thể trả lãi cho các khách hàng gửi và xử lý vấn đề liên quan. Vì vậy SCB là bên bị hại, phải gánh khoản nợ này.

“Trong vụ án này, các bị cáo đã thực hiện hành vi chiếm đoạt, vì vậy phải chịu trách nhiệm hình sự về những thiệt hại đã gây ra”, đại diện VKS nói.

Hành vi xuyên suốt, bị truy tố về hai tội khác nhau

Bị cáo Trương Mỹ Lan (áo trắng) tại toà.

Bị cáo Trương Mỹ Lan (áo trắng) tại toà.

Theo VKS, mặc dù hành vi của Trương Mỹ Lan là xuyên suốt trong một thời gian dài với cùng phương thức, thủ đoạn nhưng bị truy tố về hai tội danh khác nhau là “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Đại diện VKS cho hay, trong giai đoạn từ năm 2012-2018 hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm thỏa mãn cấu thành tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng BLHS năm 1999.

Đến giai đoạn 2018 trở về sau, lúc này BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) có hiệu lực, đồng thời căn cứ vào các văn bản hướng dẫn thi hành thì trong giai đoạn này, hành vi của Trương Mỹ Lan đã đủ yếu tố để cấu thành tội tham ô tài sản. Do đó VKS truy tố về hai tội danh là có căn cứ.

Đại diện VKS cho biết thêm, trong vụ án này, những bị cáo có chức vụ, vai trò tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã có hành vi tiếp nhận chỉ đạo của Trương Mỹ Lan và giúp sức cho bà Lan rút tiền từ Ngân hàng SCB… nên bị xem xét là đồng phạm.

Còn đối với các bị cáo nhóm dưới là người làm thuê, không ý thức được việc làm của Trương Mỹ Lan nên cơ quan điều tra không đánh giá đây là đồng phạm. Song, hành vi đã vi phạm về hoạt động ngân hàng nên bị truy tố về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Đủ cơ sở truy tố bà Lan “tham ô tài sản”

Tại các phiên xét xử trước đó, một số Luật sư đưa ra quan điểm rằng, đối với tội tham ô tài sản thì Trương Mỹ Lan không phải là chủ thể nên không vi phạm phạm tội tham ô tài sản.

Đối đáp lại quan điểm trên, VKS có ý kiến như sau, dù Trương Mỹ Lan không phải là thành viên HĐQT Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, nhận định của mà các luật sư đưa ra là không đúng với luật doanh nghiệp, không phù hợp với kết quả thẩm tra tại phiên tòa, cáo trạng của VKS kết luận…

Theo VKS, để xác định tại sao Trương Mỹ Lan là người có quyền hạn, tài liệu điều tra khẳng định rõ, bà Lan đã thâu tóm, sở hữu, chi phối, có quyền quyết định đối với toàn bộ số cổ phần mà bị cáo sở hữu. Hơn nữa, lời khai của những người đứng tên trên cổ phần của SCB, tại biên bản hỏi cung, Trương Mỹ Lan cũng xác nhận đã vận động người thân, bạn bè mua cổ phần 3 ngân hàng trước khi sáp nhập.

Một số luật sư cho rằng, việc quyết định HĐQT Ngân hàng SCB bao nhiêu người, ai là Chủ tịch HĐQT là do Ngân hàng Nhà nước quyết định. VKS cho rằng, quan điểm này là chưa đúng với quy định của pháp luật. Bởi sau khi có danh sách đề cử bầu HĐQT, tổ chức tín dụng sẽ nộp hồ sơ để NHNN chấp thuận, trên cơ sở này tổ chức tín dụng mới bầu HĐQT.

Đối với quan điểm cho rằng Trương Mỹ Lan không sử dụng quyền hạn cổ đông sở hữu cổ phần chi phối để sắp xếp nhân sự tại SCB. Cơ quan tiến hành tố tụng đối đáp, có đầy đủ chứng cứ chứng minh bị cáo là người sắp xếp nhân sự tại SCB. Đây là phương thức mà bị cáo sử dụng để chiếm đoạt tiền tại SCB.

Tại toà, lời khai của các bị cáo làm việc tại SCB đều trình bày rằng, Trương Mỹ Lan không chỉ quyết định cho các bị cáo giữ chức vị chủ chốt, mà khi nghỉ việc cũng phải xin phép để bà Lan bố trí người khác thay thế.

“Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan không thừa nhận, nhưng tại các lần hỏi cung, bị cáo đều khai rõ về thời gian bố trí các nhân sự như thế nào… Như vậy, có đủ cơ sở xác định, Trương Mỹ Lan nắm quyền điều hành của SCB, chỉ đạo điều hành cấp dưới để chiếm đoạt tiền của SCB. Vì vậy, quan điểm của luật sư rằng Trương Mỹ Lan không phải là chủ thể của SCB, không là chủ thể tỏa tội tham ô tài sản là không có căn cứ”, đại diện VKS nói.

Bổ sung thêm phần đối đáp, đại diện VKS cho hay, Trương Mỹ Lan và luật sư trình bày, bị cáo là người bảo trợ cho Ngân hàng, cho Ngân hàng SCB mượn tài sản. Thậm chí, nguồn tiền này còn do bị cáo mượn người thân, huy động đối tác chuyển tiền từ nước ngoài về… cáo trạng truy tố việc bị cáo lấy tiền để mua bất động sản là không đúng.

VKS cho rằng, tại tòa, các bị cáo khác khai rằng, bị cáo Lan không đưa tài sản vào SCB mà chỉ là phương thức để hợp thức hóa hồ sơ. Đồng thời khai, Trương Mỹ Lan sử dụng tiền của SCB để mua bất động sản. Đối với việc bị cáo trình bày cho mượn sổ tiết kiệm để cơ cấu khoản vay, cơ quan tố tụng có cơ sở xác định nguồn tiền trong sổ tiết kiệm này là nguồn tiền của SCB.

Tin bài liên quan