Các bị cáo tại tòa

Các bị cáo tại tòa

Vụ Vinashinlines: Cả SBIC, Vinalines và Vinashinlines đều đòi 16 triệu USD

(ĐTCK) Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) đề nghị các bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường số tiền chiếm đoạt (gần 16 triệu USD) cho Vinashinlines. Tuy nhiên, tại tòa, cả SBIC và Vinalines đều có đơn yêu cầu bồi thường dân sự.

Ngày 18/2, phiên tòa xét xử vụ án Tham ô tài sản, Rửa tiền xảy ra tại Vinashinlines bước sang ngày làm việc thứ ba.

1 khoản tiền, 3 người đòi

Cáo trạng thể hiện, các bị cáo Trần Văn Liêm (nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines), Giang Kim Đạt (nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh) và Trần Văn Khương (nguyên Kế toán trưởng) đã chiếm đoạt của Vinashinlines số tiền gần 16 triệu USD (tương đương 260 tỷ đồng).

Tại phần luận tội, đại diện VKSND đề nghị các bị cáo có trách nhiệm hoàn trả số tiền chiếm đoạt cho Vinashinlines.

Tuy nhiên, tại tòa, các đơn vị gồm Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC - tiền thân là Vinashin), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đều có đơn yêu cầu bồi thường dân sự.

Được biết, Vinashinlines được thành lập năm 2006 là doanh nghiệp do Vinashin nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (đại diện theo ủy quyền của SBIC) cho biết, toàn bộ vốn kinh doanh của Vinashinlines được Tập đoàn Vinashin cấp, thông qua Công ty Tài chính Công nghiệp Tàu thủy VFC. Vinashinlines là đơn vị trực tiếp bị thiệt hại, Vinashin bị thiệt hại gián tiếp. Theo số liệu VFC cung cấp, Vinashinlines vẫn còn nợ Vinashin 48 triệu USD và 73 tỷ đồng.

Được triệu tập với tư cách nguyên đơn dân sự, đại diện Vinalines cũng đề nghị tòa án giao cho doanh nghiệp này khoản tiền các bị cáo đã chiếm hưởng.

Vinalines lập luận, từ tháng 6/2010, Vinashinlines được bàn giao nguyên trạng sang Vinalines. Đồng nghĩa với việc Vinalines đang gánh khoản nợ hơn 6.000 tỷ đồng mà Vinashinlines để lại. Theo Vinalines, ngoài phải gánh khoản nợ trên, doanh nghiệp phải “cõng” khoảng 14.000 tỷ đồng khác của 4 doanh nghiệp vốn thuộc Vinashin được điều chuyển sang Vinalines từ giữa năm 2010.

Trong khi đó, đại diện của Vinashinlines cũng đề nghị, nếu các bị cáo bồi thường thiệt hại thì trước mắt chuyển về cho Vinashinlines quản lý. Còn số tiền này xử lý như thế nào thì chờ chỉ đạo trực tiếp từ cơ quan chủ quản.

Các luật sư yêu cầu làm rõ thêm nhiều điểm

Tham gia bào chữa cho bị cáo Giang Kim Đạt, luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, cần xác định đúng bản chất quan hệ sở hữu và các khoản tiền hoa hồng, gửi giá cước cho thuê tàu có phải là tài sản của Vinashinlines bị chiếm đoạt.

Vụ Vinashinlines: Cả SBIC, Vinalines và Vinashinlines đều đòi 16 triệu USD ảnh 1

 Các luật sư tham gia tố tụng tại tòa (bàn bên trái).

Luật sư Hoài phân tích, chính sách về tài chính chỉ quy định chung về chi giao dịch, môi giới áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước, không quy định cụ thể chi phí hoa hồng môi giới mua, cho thuê tàu biển.

Theo luật sư này, khoản tiền Giang Kim Đạt nhận được thuộc tài sản hợp pháp của công ty môi giới, công ty này cho Đạt. Bản chất sự thật này phù hợp với Điều 164, 165 Bộ luật Dân sự 2005 về quyền sở hữu.

Về chủ thể tội tham ô tài sản, luật sư đặt câu hỏi “có hay không việc Trần Văn Liêm chỉ đạo Đạt đàm phán đòi hoa hồng để chiếm đoạt tài sản?”.

Ông Hoài lập luận, tại tòa, Giang Kim Đạt khẳng định không có việc bàn bạc, nhận chỉ đạo từ Trần Văn Liêm thỏa thuận khoản tiền hoa hồng với chủ tàu và công ty môi giới. Đạt chỉ thừa nhận số tiền 711.000 USD là tiền thưởng phía nước ngoài cho Đạt.

Mặt khác, kết quả thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp của cơ quan điều tra đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ liên quan đến vụ án chưa đạt yêu cầu. Do đó, việc đánh giá chứng cứ còn nhiều hạn chế.

“Việc xuất hiện tình tiết mới có tới 3 nguyên đơn dân sự cho thấy quá trình điều tra và truy tố chưa làm rõ bản chất khoản tiền hoa hồng mua tàu và gửi giá cước cho thuê có được hạch toán vào doanh thu của Vinashinlines hay không?”, luật sư Hoài nói.

Luật sư Hoài cũng đề nghị làm rõ kẽ hở nào để bị cáo có thể chiếm đoạt số tiền lớn như vậy. Theo luật sư, một mình Đạt không thể ra quyết định việc mua tàu và định giá cước.

Với các lập luận trên, luật sư Hoài đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung xem xét lại tội danh và mức độ xử lý đối với bị cáo Đạt.

Luật sư Hoàng Anh, bào chữa bị cáo Trần Văn Liêm nêu quan điểm, cơ quan tố tụng đã  hình sự hóa quan hệ dân sự.

“Các tài sản liên quan như căn hộ tại Saigon Pearl, lô đất tại Nha Trang, xe Mercedes, cáo trạng chỉ thể hiện là do Trần Văn Liêm nhờ Đạt mua hộ. Đây là các giao dịch có người vay - cho vay. Điều này phù hợp lời khai của ông Hiển (bố Giang Kim Đạt - PV) là nhận từ ông Liêm 22.000 USD... Nếu Liêm chỉ đạo Đạt thì Đạt phải nộp hết số tiền còn lại. Nếu là số tiền giao dịch giữa Hiển - Liêm thì không liên quan đến Vinashinlines. Ví dụ, Hiển đòi lại tiền từ Liêm thì giải quyết thế nào?”, luật sư Hoàng Anh dẫn giải.

Theo lịch dự kiến, phiên tòa sẽ kết thúc vào ngày 21/2 tới.
Tin bài liên quan