Vừa mua vào 10 triệu cổ phiếu, Phó chủ tịch TAR tiếp tục đăng ký mua thêm 5 triệu cổ phiếu

Vừa mua vào 10 triệu cổ phiếu, Phó chủ tịch TAR tiếp tục đăng ký mua thêm 5 triệu cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Phạm Thái Bình, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã chứng khoán TAR - sàn HNX) tiếp tục đăng ký mua thêm 5 triệu cổ phiếu TAR.

Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 7/2 đến 24/2/2022, nhằm mục đích tăng tỷ lệ sở hữu.

Trước đó, ngày 10/1/2022, theo báo cáo kết quả giao dịch của người nội bộ, ông Bình đã mua vào thành công 10 triệu cổ phiếu TAR, nâng sở hữu từ 0% lên 14,04%. Đây là số cổ phiếu mà ông Bình tham gia mua trong đợt phát hành riêng lẻ của TAR.

Động thái mua vào của ông Bình diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu TAR đang có đợt giảm chung với thị trường, từ vùng giá 44.000 đồng/CP hiện đang ở mức 35.000 đồng/CP. Trước Tết Nguyên đán, giá cổ phiếu TAR có lúc giảm sâu về vùng 30.000 đồng/CP.

Diễn biến có phần trái ngược với các cổ đông nội bộ TAR khác, khi trước đó, bà Lê Thị Tuyết, Chủ tịch HĐQT Công ty đã bán toàn bộ 4,616 triệu cổ phiếu TAR, tương ứng 6,48% vốn. Dữ liệu giao dịch cho thấy, phiên 13/1, có lệnh giao dịch thảo thuận gần 4,6 triệu cổ phiếu TAR, giá trị 175,2 tỷ đồng, tương ứng giá 38.300 đồng/CP.

Về hoạt động kinh doanh, HĐQT TAR công bố nghị quyết thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 với doanh thu 3.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng, gần gấp 6 lần so với kế hoạch năm 2021 (105 tỷ đồng).

Đồng thời, Công ty cũng đã giao Ban Giám đốc tiến hành định giá khu đất diện tích 10.904,8 m2 tại quận Ninh Kiều thuộc sở hữu của công ty. Việc định giá và chuyển nhượng tài sản này phải hoàn tất trước 30/6/2022. Khả năng cao, phần lợi nhuận đột biến trong năm 2022 phần lớn đến từ việc chuyển nhượng dự án này, bởi trước đó, vào cuối tháng 9, HĐQT TAR có nghị quyết chuyển nhượng lô đất, ước tính giá trị chuyển nhượng không thấp hơn 300 tỷ đồng.

Đáng chú ý, TAR cũng xin ý kiến cổ đông thay đổi hoặc bỏ các nhóm ngành bị hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài, nhằm mục đích tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 0 lên 49%.

Tin bài liên quan