Vướng lao lý khi bắt nợ bằng tài sản

Vướng lao lý khi bắt nợ bằng tài sản

(ĐTCK)Vừa qua, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án Vương Huyền Trang (SN 1980, trú tại Hàng Thiếc, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Phạm Minh Khôi (SN 1980, ở phường Vĩnh Hương, quận Hoàng Mai, Hà Nội) về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.  

Theo cáo trạng, tháng 5/2010, Vương Huyền Trang có nhu cầu vay vốn ngân hàng để kinh doanh. Qua các mối quan hệ, Trang gặp Nguyễn Thị Tuyết (SN 1978, ở Hòa Chính, Chương Mỹ, Hà Nội). Mặc dù không có nghề nghiệp ổn định, không có chức năng làm thủ tục vay vốn ngân hàng, nhưng Tuyết vẫn chào mời và nhận lời làm thủ tục vay vốn ngân hàng cho Trang.

Tuyết hứa hẹn vay vốn tại Ngân hàng TMCP Gia Định (nay là Ngân hàng TMCP Bản Việt), hạn mức 10 tỷ đồng, với chi phí 6,5% là 650 triệu đồng. Trang đồng ý và nhiều lần đưa tiền cho Tuyết với tổng số tiền là 740 triệu đồng.

Do nhiều lần hứa hẹn nhưng vẫn không vay được vốn, nên Trang và Tuyết thống nhất không vay vốn ngân hàng nữa và Tuyết viết giấy vay nợ Trang số tiền nói trên. Tuyết đã trả dần và còn nợ lại 310 triệu đồng.

Trong quá trình đòi nợ số tiền 310 triệu đồng này, Trang đã có hành vi phạm pháp và bị truy tố trước pháp luật. Cụ thể, hai vợ chồng Tuyết có chiếc xe Nissan (đăng ký xe mang tên Tuyết), sau nhiều lần đòi nợ không thành, Trang đòi xiết nợ chiếc xe. Sau khi thỏa thuận, Tuyết đã viết giấy bán xe với giá 500 triệu đồng và hẹn 10 ngày chuộc xe về. Quá thời hạn trên, Trang có toàn quyền quyết định chiếc xe.

Để bán được xe lấy tiền, Trang đã cùng với Phạm Minh Khôi làm giả hợp đồng mua bán xe, làm giả con dấu của Văn phòng công chứng Tuệ Tĩnh đóng dấu vào hợp đồng để hợp thức nguồn gốc xe và đem bán. Chiếc xe qua tay nhiều người thì bị phát hiện giấy tờ giả mạo. Vì hành vi này, Trang và Khôi đã bị TAND TP. Hà Nội tuyên phạt 12 tháng tù treo.

Theo Luật sư Hoàng Văn Hướng (Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng), khi đòi nợ, nhất là với khoản tiền lớn, đôi khi vì sốt ruột (khi chính chủ nợ cũng phải vay mượn) nên dễ dẫn đến bắt bớ về tài sản. Trong tài sản gồm có hai loại, tài sản không phải đăng ký quyền và tài sản phải đăng ký quyền.

Với tài sản phải đăng ký quyền như nhà cửa, xe cộ, cần chấp hành theo đúng hình thức luật pháp quy định như phải có hợp đồng, có công chứng chứng thực. Nếu chỉ làm giấy tờ viết tay hoặc bằng các hình thức khác rồi mang tài sản đó về, khi “con nợ” tố cáo ra cơ quan bảo vệ pháp luật thì chính chủ nợ lại có nguy cơ mắc vào tội phạm hình sự.

Luật sư Hướng cũng cho biết một vụ án khác chuẩn bị đưa ra xét xử là vụ án Vũ Văn Hậu bắt xe Mercedes của ông Bùi Đức Vượng để đòi nợ. Chiếc xe được định giá 5 tỷ đồng. Với giá trị này, bị can phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản ở mức độ nghiêm trọng.     

>>Nặng nợ với cầm cố cổ phiếu    

>>Nợ xấu mới không ngừng phát sinh

>>Bán nợ cho VAMC, ngân hàng phải qua nhiều ải

>>Xử lý nợ xấu, vướng từ khâu định giá tài sản