Dòng tiền đầu tư dần thận trọng hơn.

Dòng tiền đầu tư dần thận trọng hơn.

Vượt qua trở lực tháng 6

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang thắt chặt chính sách tiền tệ là một trong những trở lực đối với thị trường chứng khoán toàn cầu, qua đó ảnh hưởng đến Việt Nam.

Áp lực thị trường tháng 6

Mặc dù thị trường chứng khoán đang được kỳ vọng ở những yếu tố tích cực như sự tham của các quỹ ETF, khả năng nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại, đầu tư công sẽ được đẩy mạnh, gói hỗ trợ lãi suất 2% đang được triển khai..., nhưng cũng không tránh được những lo ngại liên quan đến các biến động vĩ mô trên thế giới và cả trong nước.

Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhìn nhận, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước không ít rủi ro vĩ mô từ bên ngoài, đặc biệt liên quan đến chính sách tiền tệ thắt chặt trong bối cảnh lạm phát toàn cầu có diễn biến tăng, chủ yếu do giá năng lượng và lương thực bị tác động bởi xung đột địa chính trị Nga - Ukraine.

Yếu tố này ảnh hưởng tới kỳ vọng lạm phát của Việt Nam và trở thành lực cản lớn đối với sự hồi phục của thị trường, nhất là khi dòng tiền đầu tư ngày càng thận trọng và dự kiến không có nhiều thông tin tích cực mang tính lan tỏa trên diện rộng xuất hiện trong tháng 6/2022. Do đó, các đợt tăng bất ngờ trong tháng này có thể là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu danh mục theo hướng giảm tỷ lệ đòn bẩy (hoặc duy trì tỷ lệ tiền mặt ở mức cao đối với nhà đầu tư thận trọng), để dành sức mua chờ cơ hội ở những phiên điều chỉnh mạnh của thị trường.

Theo bà Lam, áp lực lên lạm phát trong thời gian tới vẫn còn lớn, gắn với tình trạng giá nguyên liệu tăng trên toàn cầu, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu tiêu dùng trong nước hồi phục.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng sẽ có tác động lên kỳ vọng của thị trường về lãi suất và thanh khoản trên thị trường vốn, từ đó dẫn đến sự điều chỉnh tỷ suất sinh lợi kỳ vọng. Các nhà đầu tư cũng sẽ tái phân bổ danh mục, dẫn đến những thay đổi về dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó là vấn đề tỷ giá, nếu VND mất giá mạnh so với USD sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến dòng vốn đầu tư nước ngoài, thậm chí vốn ngoại có thể chảy ra. Mặc dù vậy, với quy mô dự trữ ngoại hối ngày càng gia tăng, Ngân hàng Nhà nước có đủ khả năng giữ cho thị trường ngoại hối không có những biến động mạnh và bất thường.

Một vấn đề được quan tâm khác là động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tháng 6 này. Chia sẻ tại Talk show “Chọn danh mục” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 9/6/2022, ông Quan Đức Hoàng, Giám đốc Quỹ Green Fund cho rằng, nếu Fed tăng mạnh lãi suất trong bối cảnh các doanh nghiệp bắt đầu khởi sắc trở lại sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ hãm lại đà phát triển của doanh nghiệp.

“Điều tôi quan ngại nhất là việc thu hẹp lại quy mô bảng cân đối kế toán của Fed (dự kiến cắt giảm khoảng 1.000 tỷ USD khỏi bảng cân đối kế toán trong vòng 1 năm, tức thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, nhằm kiềm chế lạm phát)”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, các doanh nghiệp mới bắt đầu hồi phục trở lại sau dịch Covid-19, nên việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ có tác động bất lợi, khiến doanh nghiệp khó có thể sớm hồi phục trở lại như trước năm 2020 (trước khi dịch bệnh xuất hiện).

Theo ông Minh, lạm phát của Mỹ đang ở mức cao nhất trong 40 năm và theo kế hoạch của Fed, lãi suất sẽ tăng đến 1,9%/năm (hiện là 0,75 - 1%/năm) trong năm 2022 . Nhưng một kịch bản xấu có thể xảy ra là Fed tăng lãi suất cao hơn nữa, khiến những thị trường cận biên và mới nổi chịu ảnh hưởng mạnh hơn.

Cơ hội ngắn hạn giảm, dài hạn tăng

Trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư cá nhân trong nước còn thận trọng, yếu tố tiêu cực trên thế giới liên quan đến thị trường tài chính, hoặc địa chính trị được nhận định có thể dẫn đến phản ứng tiêu cực trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Các cơ hội từ giao dịch ngắn hạn dự kiến sẽ ít xuất hiện so với trước, nhưng cơ hội đầu tư dài hạn tăng lên.

Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư SGI (SGI Capital) cho rằng, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang thắt chặt chính sách tiền tệ khiến diễn biến theo chiều đi lên của thị trường gặp trở lực, nên các cơ hội từ giao dịch ngắn hạn sẽ ít xuất hiện trong năm 2022, trái ngược với giai đoạn 2020 - 2021.

“Cơ hội từ định giá giảm trên thị trường phù hợp với dòng tiền đầu tư dài hạn hơn, dù lâu rồi mới nhìn thấy cơ số những cổ phiếu lớn, đầu ngành có định giá như hiện nay”, ông Phúc nói.

Lãnh đạo SGI Capital cho biết, khi rủi ro lạm phát lên mức đỉnh cao như hiện nay (8,3%) thì thị trường đã bị chiết khấu nhiều (giá giảm) nên cơ hội đầu tư dài hạn xuất hiện nhiều hơn, đồng thời triển vọng thu lời cao hơn. Khi lạm phát bắt đầu giảm, lo lắng của thị trường về việc các ngân hàng trung ương thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài dẫn đến nguy cơ suy thoái kinh tế sẽ có xác suất xảy ra thấp. Theo đó, thời gian để nắm bắt cơ hội này có thể không kéo dài, tức nhà đầu tư nên dần chọn lựa cổ phiếu để mua vào.

Ở kịch bản xấu, thị trường có nguy cơ xuất hiện các đợt giảm điểm kéo dài, nhưng ông Phúc khẳng định lại quan điểm rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam khó có thể giảm sâu, nhà đầu tư nên “tham lam” cho góc nhìn dài hạn.

Dẫn câu nói của một nhà kinh tế nổi tiếng làm việc tại JW Morgan phát biểu vào tuần trước rằng, kể cả khi dầu lên 150 USD/thùng, chứng khoán Mỹ vẫn sẽ phát triển theo dạng chữ V chứ không bị giảm kéo dài, ông Quan Đức Hoàng nhận định, sự ảnh hưởng lan truyền sẽ không mạnh và kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng 5,7 - 6%, nhất là khi Trung Quốc mở cửa trở lại, mọi thứ sẽ “thông” và có ảnh hưởng tích cực tới nhà đầu tư Việt Nam.

“Nếu Fed mạnh tay với chính sách tiền tệ thì sẽ là con dao 2 lưỡi. Vì vậy, thời gian vừa qua, Fed vừa đi vừa thăm dò, chứ không mạnh tay như cú sốc giai đoạn 2018 - 2019”, ông Hoàng nhận xét.

Ông Nguyễn Thế Minh nhìn nhận, chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện cũng đang có diễn biến gần giống mô hình chữ V. Thị trường đã trải qua giai đoạn giảm mạnh tháng 4 - 5/2022 và hồi phục trở lại. Tuy nhiên, sau thời gian dài giảm sâu, lượng nhà đầu tư thua lỗ lớn chỉ mong muốn được “về bờ”, điều này khiến sự hồi phục của thị trường trở nên khó khăn hơn.

“Tôi dự đoán, xu hướng thị trường trong tháng 6 là tăng, nhưng với biên độ không quá lớn. VN-Index sẽ biến động phổ biến trong vùng 1.300 - 1.328 điểm, có thể vượt 1.400 điểm”, ông Minh nói và nhận định, quy mô dòng tiền sẽ không lớn như đầu năm 2022, hay năm 2021, bởi một bộ phận nhà đầu tư rút ra khỏi thị trường (dù vẫn có thêm nhà đầu tư mới), dòng tiền không còn rẻ nên chuyển sang các hoạt động sản xuất - kinh doanh...

“Nếu năm 2021, dòng tiền tập trung vào nhóm chứng khoán, ngân hàng, bất động sản…, thì năm 2022 sẽ chảy vào các nhóm đi theo sự hồi phục của kinh tế như sản xuất, bán lẻ, vận tải, logistics, công nghệ. Đây là những nhóm ngành không có đủ vốn hóa để kéo đà tăng của thị trường”, vị chuyên gia của Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận xét.

Chia sẻ về những trở lực với thị trường, bà Hoàng Việt Phương, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán gặp thách thức trong bối cảnh Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, xung đột Nga - Ukraine kéo dài, chính sách “Không Covid” của Trung Quốc gián tiếp tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam...

Mặc dù vậy, cả thị trường chứng khoán Mỹ và thị trường chứng khoán Việt Nam đều đã giảm gần 14% so với đầu năm nay cho thấy, các thách thức này đã phần nào đã phản ánh vào giá.

Trong nước, thị trường bất động sản dự kiến sẽ có những khó khăn nhất định trong thời gian tới do mặt bằng giá đang ở mức cao trong bối cảnh lãi suất đảo chiều. Thị trường bất động sản là nơi có dòng tiền lớn lưu chuyển, vì vậy “sức khỏe” của thị trường này sẽ có liên quan tới thị trường tài chính, trong đó có thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp bất động sản niêm yết.

Nhìn chung, SSI chưa nhìn thấy động lực cho thị trường chứng khoán đi lên mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, thị trường vẫn có nhiều cơ hội đầu tư, tập trung vào các ngành hồi phục sau đại dịch và không bị ảnh hưởng nhiều bởi lạm phát như dầu khí, cảng và vận tải biển, hóa chất, tiêu dùng không thiết yếu, công nghệ thông tin.

Tin bài liên quan