WHO: Cảnh giác cao độ với Omicron nhưng biến thể Delta vẫn là nguyên nhân gây ra 99% ca nhiễm

WHO: Cảnh giác cao độ với Omicron nhưng biến thể Delta vẫn là nguyên nhân gây ra 99% ca nhiễm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Hai (29/11), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra rằng, thế giới đang trong tình trạng cảnh giác cao độ với biến thể Omicron nhưng biến thể Delta vẫn là nguyên nhân gây ra hầu hết các ca nhiễm hiện nay trên toàn cầu.

Nhà khoa học trưởng của WHO Soumya Swaminathan cho biết: “Hơn 99% trường hợp trên khắp thế giới là do biến thể delta và nhiều ca tử vong hơn đang xảy ra ở những người chưa được tiêm chủng. Tôi nghĩ đó là ưu tiên của chúng tôi trong khi chờ đợi để tìm hiểu thêm về biến thể Omicron”.

Tuần trước, WHO đã công nhận biến thể Omicron được gọi là dòng B.1.1.529 là một biến thể đáng lo ngại. Điều đó có nghĩa là biến thể này có thể dễ lây lan hơn, độc hại hơn hoặc có khả năng tránh được vắc xin và phương pháp điều trị.

Tại sao các chuyên gia sức khỏe lại lo lắng?

Các chuyên gia y tế lo ngại về khả năng lây truyền của biến thể Omicron vì chủng này có nhiều đột biến bất thường và tính chất của biến thể này khác với các biến thể được quan tâm trước đó.

“Điều thực sự quan trọng là tất cả mọi người ngoài kia vẫn chưa được tiêm chủng hoặc chỉ được tiêm một liều và họ cần phải tiêm chủng đầy đủ”, Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của WHO cho biết.

“Tính chất của các đột biến gợi ý rõ ràng rằng, biến thể này trong khả năng lây truyền nhanh và có thể tránh được sự bảo vệ miễn dịch mà bạn sẽ nhận được từ kháng thể đơn dòng hoặc từ huyết thanh dưỡng bệnh sau khi một người bị nhiễm bệnh, và thậm chí có thể chống lại một số kháng thể do vắc xin tạo nên”, Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết.

“Không nhất thiết điều đó sẽ xảy ra, nhưng đây là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy chúng tôi thực sự cần chuẩn bị cho điều đó”, ông nói thêm.

Tiến sĩ Swaminathan của WHO cho biết rằng, các nhà khoa học cần thời gian để tiến hành các thí nghiệm và thu thập dữ liệu để có thể giúp họ trả lời một số câu hỏi cơ bản xung quanh biến thể mới.

“Điều chúng tôi muốn biết là liệu biến thể này có dễ lây lan hơn, thậm chí lây lan nhanh hơn biến thể Delta hay không? Chúng tôi muốn biết có biểu hiện lâm sàng khác không? Và rất quan trọng là liệu biến thể này có thể tránh được các phản ứng miễn dịch sau khi nhiễm bệnh tự nhiên hoặc sau khi tiêm vắc xin hay không?”, bà Swaminathan nói.

Đồng thời, bà cũng kêu gọi các quốc gia phát hiện ra biến thể Omicron chia sẻ dữ liệu lâm sàng và dữ liệu trình tự bộ gen thông qua các nền tảng của WHO để các nhà khoa học nghiên cứu.

Biến thể lây lan nhanh như thế nào?

Biến thể Omicron hiện đã được phát hiện ở nhiều nơi, bao gồm Anh, Israel, Bỉ, Đức, Ý, Hồng Kông, Hà Lan, Đan Mạch và Úc. Nhiều quốc gia đã tăng cường hạn chế đi lại từ miền nam châu Phi để cố gắng ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới.

Các nhà sản xuất vắc xin Pfizer, BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson và AstraZeneca cho biết, họ đang điều tra và thử nghiệm biến thể Omicron.

Tiến sĩ Swaminathan cho biết, nên giả định rằng các loại vắc xin hiện có sẽ cung cấp một số biện pháp bảo vệ, nếu không phải là bảo vệ hoàn toàn chống lại chủng mới.

“Điều thực sự quan trọng là tất cả những người vẫn chưa được tiêm chủng hoặc chỉ được tiêm một liều đều phải tiêm chủng đầy đủ”, bà cho biết.

Tin bài liên quan