"Chúng tôi có một số dữ liệu cho thấy tỷ lệ nhập viện thấp hơn", Maria van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19 cho biết trong một cuộc họp báo với giới truyền thông.
Nhưng bà cảnh báo không đưa ra kết luận từ dữ liệu ban đầu bởi vì "chúng tôi đã không thấy biến thể này lưu hành đủ lâu trong các quần thể trên khắp thế giới, chắc chắn là ở những quần thể dễ bị tổn thương".
Bà cho biết, dữ liệu về biến thể mới lần đầu tiên được xác định ở miền nam châu Phi và Hồng Kông vào tháng 11 vẫn còn "lộn xộn" khi các quốc gia báo cáo sự xuất hiện và lan rộng của nó.
"Chúng tôi đã yêu cầu mọi người thận trọng, chúng tôi yêu cầu các quốc gia thận trọng và thực sự suy nghĩ, đặc biệt là khi những ngày lễ này đang đến gần”, bà cho biết.
Một nghiên cứu ở Nam Phi được công bố hôm thứ Tư (22/12) cho thấy, những người bị nhiễm biến thể Omicron ít có khả năng phải nhập viện hơn những người nhiễm biến thể Delta, mặc dù nghiên cứu cũng cho biết có thể là do mức độ miễn dịch cao trong dân số.
Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia rút kinh nghiệm trong hai năm qua của đại dịch và kêu gọi một lần nữa tăng cường công bằng vắc xin với hy vọng vào năm tới sẽ chấm dứt đại dịch.
Biến thể Omicron xuất hiện tại 106 quốc gia
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh rằng, việc ưu tiên trên hết cần phải được duy trì là tiêm vắc xin cho những người dễ bị tổn thương ở khắp mọi nơi hơn là tiêm thêm liều cho những người đã được tiêm.
Bình luận của ông được đưa ra khi biến thể Omicron đang lây lan trên khắp thế giới kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi vào tháng trước.
Theo WHO, biến thể mới đang lan truyền với tốc độ chưa từng có và đã được phát hiện ở 106 quốc gia.
Bên cạnh đó, ông Tedros nhấn mạnh rằng: "các loại vắc xin mà chúng tôi đang sử dụng vẫn có hiệu quả chống lại cả biến thể Delta và Omicron”.
“Điều quan trọng cần nhớ là phần lớn các trường hợp nhập viện và tử vong là ở những người không được tiêm chủng, không phải những người chưa được tiêm liều tăng cường”, ông cho biết.
Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược của WHO về Tiêm chủng cũng khuyến nghị nhấn mạnh liều bổ sung nên được "nhắm mục tiêu đến các nhóm dân số có nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo cao nhất và những người cần thiết để bảo vệ hệ thống y tế".
Cho đến nay, 120 quốc gia đã bắt đầu triển khai các chương trình vắc xin tăng cường hoặc liều bổ sung nhưng không có quốc gia nào trong số đó là các quốc gia có thu nhập thấp.