Xe chở thực phẩm cho siêu thị tại phường Tân Thuận Đông, quận 7 đang được thông suốt

0:00 / 0:00
0:00
Với 45.000 dân, Tân Thuận Đông là 1 trong 3 phường có nguy cơ rất cao về dịch bệnh của quận 7, TP.HCM. Việc cung ứng hàng hoá tại khu vực này cho người dân đã nhiều trục trặc.
Hiện nhiều người dân thuộc khu vực phong toả nhưng không thuộc diện phải cách ly tại nhà đã có thể ra trạm kiểm soát Bùi Văn Ba nhận hàng hoá (Ảnh: Thị Hồng).

Hiện nhiều người dân thuộc khu vực phong toả nhưng không thuộc diện phải cách ly tại nhà đã có thể ra trạm kiểm soát Bùi Văn Ba nhận hàng hoá (Ảnh: Thị Hồng).

Sáng 12/7, bà Tuyết Trinh - người dân sống trong một khu phong tỏa thuộc phường Tân Thuận Đông (quận 7) cho biết, các cửa hàng thực phẩm tại khu vực này đã được cung cấp rau, củ quả, thịt cá để bày bán sau hơn 4 ngày thiếu hụt nặng.

Bởi, từ ngày 9/7, việc vận chuyển hàng hoá cho các cửa hàng gặp nhiều trục trặc vì tài xế chưa được chuẩn giấy tờ liên quan.

Tại đường Bùi Văn Ba, chỉ có 3 cửa hàng cung cấp thực phẩm lớn là Bách Hóa Xanh, Satrafoods, Vinmart+. Người dân tại đây phản ánh, Satrafoods đã đóng cửa vì thiếu hàng và nhân viên kiệt sức.

Trong khi đó, cửa hàng Vinmart+ luôn trong tình trạng hết hàng khi công tác vận chuyển gặp nhiều khó khăn và người dân đổ dồn vào mua sắm nên người kế tiếp không có đủ thực phẩm để mua.

Thêm vào đó, khi người giao hàng đến, người dân không thể lấy hàng tại chốt kiểm soát ngã ba Bùi Văn Ba và Huỳnh Tấn Phát.

Trên các trang mạng xã hội, đã có nhiều người dân khu vực này “kêu cứu” vì thuộc diện bị cách ly, không thể đi ra cửa hàng mua thực phẩm và hàng hoá được tiếp tế thì chưa đến tay.

Trao đổi nhanh với phóng viên baodautu.vn, ông Nguyễn Văn Mẫn, đại diện phường Tân Thuận Đông cho biết, hiện nay, mỗi ngày, phường đều nhận lương thực, thực phẩm từ các nhà hảo tâm, hỗ trợ cho các hộ dân bên trong khu vực phong tỏa.

Bắt đầu từ 12/7, tất cả việc đặt hàng nhu yếu phẩm cho người dân trên địa bàn phường Tân Thuận Đông sẽ thông qua số điện thoại đường dây nóng của phường (0969449320). Người dân có thể gọi trực tiếp hoặc nhắn tin qua Zalo, thời gian đặt hàng từ 08h -11h hằng ngày và giao hàng sau 1 ngày đặt.

Người dân trong khu vực phong toả tại đường Bùi Văn Ba, quận 7 trả tiền, nhận hàng hoá (Ảnh: Thị Hồng).

Người dân trong khu vực phong toả tại đường Bùi Văn Ba, quận 7 trả tiền, nhận hàng hoá (Ảnh: Thị Hồng).

Ông Mẫn cho biết, phường Tân Thuận Đông đang là điểm nguy cơ cao, mỗi lãnh đạo phường phải phụ trách 1 đội để đi truy vết.

“Hàng ngày chúng tôi vẫn cung cấp thực phẩm xuống khu phố để khu phố phát cho dân chứ không bỏ bê. Chúng tôi vẫn tạo điều kiện cho các cửa hàng, nhân viên cửa hàng ra vào, xe tải giao nhập hàng”, ông Mẫn nói và cho biết, trên địa bàn phường có 45.000 dân, (bao gồm cả người tạm trú) với hơn 10.000 hộ dân.

Với hộ dân trong khu vực phong toả thì vẫn có thể đi ra cửa hàng, mua thực phẩm. Còn với các hộ theo diện cách ly (vì có ca F0) thì không thể đi ra ngoài mua thực phẩm hay ra đầu chốt kiểm soát để nhận hàng hoá giao đến.

Đại diện chuỗi Bách hoá xanh cho biết, do khu vực đường Bùi Văn Ba bị phong toả nên đơn vị này đã phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền để nhanh chóng cung cấp hàng hoá tới người dân.

Ở TP.HCM nói chung, đơn vị này chưa vấp phải tình trạng khó lưu thông đối với xe chở thực phẩm.

Có chăng là việc lưu thông giữa các tỉnh thành có gặp chút khó khăn do tình hình dịch bệnh nên nhiều tỉnh thành đang tiến hành giãn cách, rà soát gắt gao hơn.

Xe chở hàng của Bách hoá xanh được kiểm tra giấy tờ, trước khi đi vào đường Bùi Văn Ba để bổ sung hàng cho siêu thị (Ảnh: Thị Hồng).

Xe chở hàng của Bách hoá xanh được kiểm tra giấy tờ, trước khi đi vào đường Bùi Văn Ba để bổ sung hàng cho siêu thị (Ảnh: Thị Hồng).

Về việc nhiều người dân (không chỉ riêng khu vực đường Bùi Văn Ba- pV) phản ánh về việc phải xếp hàng dài để vào cửa hàng nhưng khi vào đến nơi, lại hết rau củ quả hoặc dập nát, phía Bách hoá xanh nói, có thể tình trạng này xảy ra vào ngày trước giãn cách và ngày đầu sau đó do người dân đến mua đông đúc.

Hiện, đơn vị này đã nỗ lực cải thiện liên tục bằng cách tăng lượng hàng và về hàng mới mỗi ngày nên hầu như tình trạng này chỉ còn rất ít.

Xe chở các ca nhiễm Covid-19 đi ra từ đường Bùi Văn Ba, vào chiều 12.7 (Ảnh: Thị Hồng).

Xe chở các ca nhiễm Covid-19 đi ra từ đường Bùi Văn Ba, vào chiều 12.7 (Ảnh: Thị Hồng).

Theo quan sát của phóng viên vào chiều 12/7, đã có 1 xe chở hàng hoá của Bách hoá Xanh và 1 xe chở hàng của Tổng Công ty thương mại Sài Gòn (đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng Satra Food) được chở hàng hoá, ra vào chốt kiểm soát đường Bùi Văn Ba.

Cửa hàng Satra Foods đã được bố trí thêm nhân sự và mở lại cửa hàng từ sáng 12/7.

“Ở khu phong toả thì việc xe vào ra cung cấp hàng hoá cũng sẽ nghiêm minh hơn, ko thể ào ào như nơi khác nên có thể người dân thấy chậm có hàng. Còn về nguồn hàng thì không thiếu và Bách hoá xanh có hàng hoá về mỗi ngày”, đại diện Bách hoá xanh thông tin.

Tình hình dịch bệnh tại phường Tân Thuận Đông được đánh giá là rất phức tạp. Khu vực này có hàng nghìn người lao động, làm việc tại khu chế xuất Tân Thuận.

Từ hôm nay (13/7), TP.HCM đã thiết lập vùng phong toả khu chế xuất Tân Thuận do có nhiều ca nhiễm Covid-19 tại 29 doanh nghiệp.

Phạm vi phong toả gồm 16 khu phố, 187 tổ dân phố với diện tích 393 hecta, 91.477 nhân khẩu và không bao gồm phần diện tích thuộc Khu chế xuất Tân Thuận- khu vực hiện có 250 công ty với khoảng 60.000 người lao động.

Tin bài liên quan