Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa, ngày 5/3 - Ảnh: Lê Toàn

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa, ngày 5/3 - Ảnh: Lê Toàn

Xét xử 'đại án lịch sử' Vạn Thịnh Phát: Hàng ngàn công ty 'ma', số tiền hối lộ khủng

0:00 / 0:00
0:00
Vụ án Vạn Thịnh Phát được xem là “đại án lịch sử”, bởi số tiền chiếm đoạt và gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) lên tới gần 500.000 tỷ đồng, lớn hơn cả thu ngân sách của TP.HCM trong năm 2023; bởi số lượng công ty “ma” lên tới hàng ngàn; bởi khối tài sản khổng lồ bị tạm giữ; bởi các chiêu thức tạo dựng chân rết, rút ruột và hối lộ kinh điển; bởi số tiền hối lộ lớn nhất từ trước đến nay…

Trương Mỹ Lan chính thức hầu tòa

Hôm qua (5/3), phiên tòa xét xử sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và những đơn vị liên quan đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác đã chính thức diễn ra. Dự kiến, phiên tòa kéo dài từ ngày 5/3 đến ngày 29/4/2024.

Hội đồng Xét xử gồm thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa Hình sự, Tòa án Nhân dân TP.HCM - chủ tọa phiên tòa; thẩm phán Lê Công Huân và 3 hội thẩm nhân dân.

Có 10 kiểm sát viên tham gia phiên tòa theo phân công của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao.

Phiên tòa còn có hơn 150 luật sư tham gia bào chữa và hơn 2.000 cá nhân, tổ chức được triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vụ án.

Trong số 85 bị cáo khác bị xét xử, có 45 cựu lãnh đạo, cán bộ SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; 1 cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước, 7 bị cáo thuộc công ty thẩm định giá, bị VKSND tối cao truy tố về các tội: tham ô tài sản, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.

Trong 86 bị cáo của vụ án Vạn Thịnh Phát, có 13 người bị truy tố ở khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình, gồm: bị cáo Trương Mỹ Lan và 11 đồng phạm bị truy tố về tội “tham ô tài sản”, theo khoản 4, Điều 353, Bộ luật Hình sự năm 2015; bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước, bị truy tố tội “nhận hối lộ” 5,2 triệu USD của SCB.

Riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) bị xét xử về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, khi tìm cách chiếm đoạt của bị cáo Trương Mỹ Lan 1.000 tỷ đồng.

Có 5 bị cáo trốn truy nã sẽ bị xét xử vắng mặt gồm: Đinh Văn Thành và Nguyễn Thị Thu Sương (cùng là cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị SCB), Trầm Thích Tồn (thành viên Hội đồng Quản trị SCB), Chiêm Minh Dũng (cựu Phó tổng giám đốc SCB) và Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu Phó giám đốc SCB Chi nhánh Bến Thành). Theo hồ sơ, 5 người này đã xuất cảnh ra nước ngoài trước khi khởi tố bị can, hiện không xác định được đang ở đâu, nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã.

Đây là vụ án được xác định có thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay với tổng số tiền bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt và gây thiệt hại cho SCB khoảng 498.000 tỷ đồng. Số tiền “khủng khiếp” này lớn hơn cả thu ngân sách của TP.HCM trong năm 2023 (446.545 tỷ đồng).

Hành trình và phương thức phạm tội

Trước tòa, trả lời Hội đồng Xét xử, bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi) trả lời rõ ràng, rành mạch, tinh thần ổn định. Trương Mỹ Lan bị truy tố 3 tội danh: tham ô tài sản, đưa hối lộ và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Theo cáo trạng của VKSND tối cao, sau khi tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại SCB lên hơn 91%, để lách luật, thuận lợi cho việc “ẩn mình” mà có thể điều khiển toàn bộ hoạt động của ngân hàng này, Trương Mỹ Lan đã đưa các cá nhân thân tín, có trình độ trong lĩnh vực tài chính và nghe lời vào các “ghế” chủ chốt tại SCB, đồng thời trả lương rất cao, từ 200 đến 500 triệu đồng/tháng… để biến SCB thành một công cụ tài chính riêng.

Để lách luật rút được tiền, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các thân tín giữ vai trò chủ chốt tại SCB và Vạn Thịnh Phát tổ chức thành lập nhiều bộ phận, đơn vị thuộc SCB chỉ để cho vay, giải ngân theo yêu cầu của mình.

Chưa hết, Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo “tay chân” thành lập, sử dụng hàng ngàn công ty “ma”, thuê/nhờ các cá nhân để đứng tên hồ sơ vay, cổ phần, tài sản đảm bảo, ký hợp thức chứng từ rút, nộp tiền để tạo lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của SCB.

Để rút tiền từ SCB thông qua thủ đoạn lập hồ sơ vay vốn khống, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo cán bộ SCB thông đồng, câu kết với các đối tượng tại các công ty thẩm định giá, phát hành các chứng thư thẩm định giá hợp thức hồ sơ vay vốn của Trương Mỹ Lan.

Phiên tòa này là giai đoạn I của vụ án. Giai đoạn I tập trung điều tra, truy tố, xét xử các bị cáo liên quan đến các hành vi, tội tham ô tài sản; vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ...; từ đó tập trung thu hồi tài sản, làm tiền đề giải quyết cho giai đoạn II của vụ án là các sai phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.

Trương Mỹ Lan và các đồng phạm còn dùng nhiều tài sản chưa đủ điều kiện pháp lý, nâng khống giá để đưa vào làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay; hoán đổi, rút các tài sản đảm bảo có giá trị ra khỏi SCB, thay thế bằng các tài sản khác, hầu hết có giá trị thấp. Để dễ dàng hoán đối tài sản bảo đảm, Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tại SCB không thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định, hoặc biến tướng thành “quyền tài sản” để tránh việc đăng ký giao dịch bảo đảm.

Nhằm cắt đứt, che giấu dòng tiền, tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng, Trương Mỹ Lan chỉ đạo tay chân lập phương án thực hiện “giải quỹ” bằng việc lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống; cho các cá nhân được thuê đứng tên người thụ hưởng khoản vay, đứng tên cổ phần... đến ngân hàng ký chứng từ rút, nộp tiền.

Khi các khoản vay khống quá hạn, phải hạch toán nợ xấu nhóm 5, Trương Mỹ Lan chỉ đạo đồng phạm bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và bán nợ trả chậm cho chính các công ty “ma” do nhóm Vạn Thịnh Phát thành lập để che giấu và giảm dư nợ tín dụng nhằm tiếp tục chiếm đoạt tiền của SCB.

Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo các nhân sự chủ chốt của SCB mua chuộc cán bộ, lãnh đạo Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng, Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM và đoàn thanh tra liên ngành để các cá nhân có thẩm quyền trên bưng bít, che giấu thông tin sai phạm, báo cáo kết quả thanh, kiểm tra không trung thực, không đầy đủ. Trong đó, bà Đỗ Thị Nhàn (Trưởng đoàn Thanh tra) đã nhận hối lộ tới 5,2 triệu USD và chỉ đạo thành viên trong Đoàn Thanh tra báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của SCB, cố tình che giấu, bưng bít, làm nhẹ để có lợi cho SCB và tiếp tục kiến nghị, đề xuất tạo điều kiện cho SCB được tái cơ cấu.

Thu giữ khối tài sản khổng lồ để khắc phục hậu quả

Theo cáo trạng, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt của SCB hơn 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại cho ngân hàng này gần 200.000 tỷ đồng, tổng cộng là trên 498.000 tỷ đồng.

Với con số “khủng khiếp” này, điều lo lắng nhất và cũng là câu hỏi mà các tổ chức, cá nhân gửi tiền tại SCB đặt ra là: số tài sản cơ quan chức năng thu giữ được có đảm bảo khắc phục hậu quả?

Theo cơ quan chức năng, cả ở giai đoạn điều tra và giai đoạn truy tố, Bộ Công an đã kê biên được số lượng tài sản đặc biệt lớn. Trong đó, trong giai đoạn điều tra đã thu giữ 590 tỷ đồng và 15 triệu USD của bà Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân. Đến giai đoạn truy tố, tiếp tục thu giữ của các bị can 55 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan điều tra phong tỏa của bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm 42 tài khoản mở tại các ngân hàng với tổng số tiền gần 1.900 tỷ đồng và 8,5 triệu USD.

Cơ quan chức năng còn thu giữ 1.266 bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận công trình xây dựng; 1.784 bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; danh sách 269 nhà đất cho thuê và 21 hợp đồng công chứng, 147 thỏa thuận bồi thường các thửa đất và các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc Dự án Bắc Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM); kê biên 1.237 bất động sản liên quan trực tiếp đến bị can Trương Mỹ Lan; kê biên 61 bất động sản và ngăn chặn giao dịch 8 bất động sản của 7 bị can khác; kê biên 8 bất động sản của Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh tại tỉnh Quảng Ninh liên quan đến thỏa thuận hợp tác của bà Trương Mỹ Lan với Tập đoàn Tuần Châu.

Bộ Công an cũng ngăn chặn giao dịch của Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương đối với 9 tài khoản tại SCB với tổng số tiền 790 tỷ đồng; kê biên 858 triệu cổ phần SCB của bà Trương Mỹ Lan và các cá nhân đứng tên hộ bà Lan; kê biên 138 triệu cổ phần của 5 doanh nghiệp, gồm: Công ty cổ phần Vận tải Hàng không miền Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Satsco miền Bắc, Công ty cổ phần Đầu tư Hàng không Satsco - Phú Quốc, Công ty cổ phần Địa ốc Đông Á, Công ty cổ phần T&H Hạ Long; ngăn chặn 14.000 cổ phần của Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ về tài sản bất động sản DATC.

Ngoài ra, còn có 22 tài sản khác bị kê biên là phương tiện gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân do các công ty đứng tên.

Tin bài liên quan