Phiên tòa xét xử “đại án lịch sử” Vạn Thịnh Phát

Phiên tòa xét xử “đại án lịch sử” Vạn Thịnh Phát

Xét xử 'đại án lịch sử' Vạn Thịnh Phát: Thẩm định giá giúp 'thổi bay' hàng trăm ngàn tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
Lời khai của các bị cáo trong nhóm thẩm định giá tại các phiên xét xử “đại án” Vạn Thịnh Phát cho thấy, Trương Mỹ Lan chỉ cần trả phí cao hơn là điều khiển được các công ty thẩm định giá nâng khống tài sản lên hàng chục lần để rút ruột cả triệu tỷ đồng của Ngân hàng SCB.

Sự thật đó cho thấy khe hở quá lớn khi kết quả thẩm định giá được doanh nghiệp dùng làm cơ sở để đấu thầu, đấu giá, phát hành trái phiếu...

"Không nhớ nổi nhận bao nhiêu hồ sơ” để… định giá khống

Trong vụ “đại án lịch sử” Vạn Thịnh Phát, việc để Trương Mỹ Lan rút ruột 1 triệu tỷ đồng và chiếm đoạt, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB gần 500.000 tỷ đồng có sự tiếp sức “tận tâm”, “nỗ lực” của nhiều công ty thẩm định giá.

Theo nguyên tắc, doanh nghiệp vay ngân hàng thì phải thế chấp tài sản và chỉ được vay tối đa 70% giá trị định giá. Như vậy, các công ty thẩm định giá là mắt xích quan trọng nhất trong “dây chuyền” gây thiệt hại.

Theo cáo trạng, năm 2020, Trần Thị Mỹ Dung (Phó tổng giám đốc SCB) yêu cầu Trần Văn Nhị (Phó giám đốc Công ty TNHH Hãng kiểm toán và định giá ATC) là người môi giới thẩm định giá tài sản cho SCB liên hệ, thỏa thuận với Trần Thị Kim Ngân (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thẩm định giá Thiên Phú, gọi tắt là Công ty Thiên Phú ) để phát hành 2 chứng thư thẩm định giá ghi lùi ngày, nâng khống giá trị tài sản.

Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, Ngân hàng SCB thuê 19 công ty thẩm định giá/46 đối tượng là giám đốc, phó giám đốc, thẩm định viên, nhân viên thực hiện phát hành tham gia phát hành 378 chứng thư có liên quan đến các khoản vay còn dư nợ của nhóm Trương Mỹ Lan. Nhưng đến nay, xác định có 5 công ty thẩm định giá (Tầm Nhìn Mới, MHD, Thiên Phú, E XIM, DATC)/7 cá nhân là giám đốc, phó giám đốc, thẩm định viên, cá nhân môi giới phát hành 23 chứng thư thẩm định giá hợp thức cho các khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan.

Trần Thị Kim Ngân trực tiếp tiếp nhận hồ sơ tài sản thẩm định giá theo yêu cầu của SCB từ Trần Văn Nhị. Khi gửi hồ sơ cho Ngân, Nhị gửi kèm file có sẵn yêu cầu về giá trị tài sản thẩm định giá cần đạt được và ngày phát hành chứng thư là lùi ngày so với thời điểm nhận hồ sơ thẩm định giá.

Ngân đã ký đại diện pháp luật để Công ty Thiên Phú thẩm định Dự án tại số 100 - Hùng Vương (phường 9, quận 5, TP.HCM) sai quy hoạch đã được phê duyệt (vượt 15 tầng); Dự án Khu công viên Mũi đèn đỏ và Khu nhà ở đô thị tại phường Phú Thuận (quận 7, TP.HCM) sai quy hoạch, tài sản không đảm bảo pháp lý, chưa thuộc quyền tài sản của Công ty cổ phần Tập đoàn Penninsula; thẩm định giá tài sản theo báo cáo thẩm định cũ của Công ty Thẩm định giá SVVN; tiến hành thẩm định giá thực hiện theo yêu cầu của Nhị dựa vào thông số trong báo cáo định giá của Công ty Thẩm định giá SVVN Việt Nam, không tiến hành khảo sát thực tế tài sản so sánh để đưa ra mức giá chỉ dẫn.

Cáo trạng nêu rõ, với các việc làm trên, Trần Văn Nhị, Trần Thị Kim Ngân, Trần Tuấn Hải (nhân viên Công ty Thiên Phú) đã giúp SCB đưa vào hợp thức hồ sơ thế chấp, hồ sơ vay vốn, giải ngân cho 65 khách hàng. Các bị cáo này gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 110.000 tỷ đồng.

Nhờ vậy, Nhị được thưởng từ 1 đến 2 tỷ đồng tiền hoa hồng từ việc môi giới thẩm định giá tài sản cho SCB.

Trả lời Hội đồng Xét xử tại phiên tòa, bị cáo Trần Văn Nhị khai không nhớ rõ mình đã nhận bao nhiêu hồ sơ từ SCB, bởi ngoài 2 hồ sơ như trong cáo trạng (Dự án Khu công viên Mũi đèn đỏ và Khu nhà ở đô thị tại phường Phú Thuận; quyền sử dụng đất Dự án tại số 100 - Hùng Vương), thì còn những hồ sơ khác về tài sản nhà phố.

Bị cáo Bùi Ngọc Sơn (nguyên nhân viên Phòng Tái thẩm định, Ngân hàng SCB) cũng thừa nhận, bản thân đã chuyển cho Nhị nhiều hồ sơ để thẩm định (nhiều hơn 2 hồ sơ như cáo trạng truy tố). Sơn nhận những hồ sơ này từ Trần Thị Mỹ Dung. “Chị Dung nói, chuyển pháp lý này cho anh Nhị định giá. Còn các nội dung khác thì chị Dung đã trao đổi trước đó với anh Nhị rồi”, bị cáo Sơn khai.

Trong khi đó, bị cáo Trần Thị Kim Ngân khai, bản thân chỉ nhận 300 triệu đồng tiền tạm ứng từ Nhị. Bị cáo làm theo tiến độ và giá của Nhị đưa ra, mà không biết rõ mục đích Ngân hàng sử dụng chứng thư thẩm định giá là như thế nào.

Tuy nhiên, bị cáo Trần Tuấn Hải (thẩm định viên Công ty Thiên Phú) lại khai, bị cáo biết chứng thư rủi ro, nhưng phải làm theo chỉ đạo của Trần Thị Kim Ngân, vì chỉ là người làm công ăn lương.

Thẩm định bất chấp hậu quả

Bị cáo Hồ Bình Minh (Phó giám đốc Công ty Thẩm định giá MHD - công ty bắt tay Bùi Ngọc Sơn đã ký 1 chứng thư hợp thức việc định giá tài sản bảo đảm cho 3 khoản vay khống, gây thiệt hại cho SCB 15.523,7 tỷ đồng) thì khai rằng, cuối năm 2021, Công ty MHD gặp khó khăn về chi phí vận hành. Lúc đó, Hồ Bình Minh gặp Bùi Ngọc Sơn, được Sơn gợi ý rằng, SCB muốn thẩm định giá và cho xem hồ sơ.

“Bị cáo có tính qua giá trị tài sản rồi báo cho Sơn, Sơn nói giá này chưa được, và hỏi nâng lên hơn 14.000 tỷ đồng được không? Khi đó mới hết dịch (Covid-19 - PV) xong, Công ty nhiều nhân sự nên chi phí vận hành lớn, gặp khó khăn. Bị cáo biết là hồ sơ nhiều rủi ro, nhưng vẫn nhận làm. Bị cáo không biết những chứng thư này dùng để rút tiền từ ngân hàng”, bị cáo Minh khai.

Hồ Bình Minh còn thừa nhận, đã giới thiệu cho Công ty TNHH Thẩm định giá Tầm Nhìn Mới (Công ty Tầm Nhìn Mới) 3 hồ sơ để phát hành chứng thư cho SCB và được hưởng hoa hồng môi giới 10-15% giá trị hợp đồng trước thuế từ các chứng thư do Công ty Tầm Nhìn Mới phát hành.

Trả lời thẩm vấn của Hội đồng Xét xử về lý do thẩm định, Lê Huy Khánh, Giám đốc Công ty Tầm Nhìn Mới cho hay, dù thấy hồ sơ có nhiều rủi ro, nhưng do Công ty mới hoạt động, trải qua 2 năm dịch không có việc làm, khó khăn về tài chính, nên mới chấp nhận làm hồ sơ, đưa ra chứng thư không đúng với quy định của pháp luật.

Nâng khống để… làm quen

Theo cáo trạng, bị cáo Đỗ Xuân Nam (Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn - Dịch vụ về tài sản - Bất động sản DATC) đã sử dụng phương pháp thu nhập để thẩm định giá tài sản tại địa chỉ 274 - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP.HCM), đồng thời, tiến hành thẩm định giá tài sản không đúng với quy hoạch được phê duyệt (vượt 12 tầng) để nâng tổng giá trị của tài sản lên là 7.630 tỷ đồng.

“Bản thân là lãnh đạo công ty thẩm định, nên muốn làm quen với Ngân hàng SCB để Công ty có việc làm. Nhưng đến hiện tại, thì bị cáo chưa nhận được phí từ hồ sơ trên, khoảng 100 triệu đồng”, Đỗ Xuân Nam khai.

Cáo trạng còn cho thấy, từ năm 2017 đến năm 2019, bị cáo Lê Kiều Trang, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thẩm định giá E XIM (Công ty E XIM) đã tiến hành thẩm định giá, ký thẩm định viên để Công ty E XIM phát hành 17 chứng thư nâng khống giá trị tài sản với tổng trị giá hơn 1.360 tỷ đồng.

Bị cáo này đã thừa nhận cáo trạng cáo buộc đúng. Lời khai thể hiện, theo yêu cầu của Lê Văn Chánh, Giám đốc Định giá và quản lý tài sản đảm bảo (Ngân hàng SCB), đối với các chứng thư thẩm định giá do Công ty E XIM phát hành năm 2017, Trang đã gửi thông báo giá sơ bộ và được Lê Văn Chánh đề nghị thẩm định giá tăng giá trị tài sản tối đa. Sau đó, Trang điều chỉnh và lại thông báo giá trị tài sản thẩm định giá lần 2 theo yêu cầu của Chánh. Đối với trường hợp Trang giữ nguyên giá trị tài sản thẩm định giá, thì Chánh không đồng ý cho phát hành chứng thư.

Đối với các chứng thư Công ty E XIM phát hành ngày 18/4/2019, Trang phát hành chứng thư theo giá trị tài sản và lùi 4 tháng so với thời gian phát hành thực tế theo yêu cầu của Chánh. SCB đã sử dụng các chứng thư đó để hợp thức hồ sơ thế chấp tài sản đảm bảo, giải ngân cho khoản vay của 11 khách hàng.

Lời khai của những bị cáo chủ chốt tại các công ty thẩm định giá trên cho thấy một khe hở lớn khi trao quyền, tạo cơ chế cũng như trong vấn đề kiểm soát đối với doanh nghiệp thẩm định giá thời gian qua, tạo điều kiện cho những “cú bắt tay” thổi giá tài sản khủng. Đây cần xem là vấn đề “báo động đỏ”, bởi thẩm định giá đang rất “có giá”, là mắt xích quan trọng để doanh nghiệp nhiều thành phần làm cơ sở phát hành trái phiếu, đấu thầu, đấu giá trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

Thú nhận của các bị cáo là thanh tra

Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước, nhận “quà Tết” tổng số tiền 390.000 USD) khai có nhận tiền vào các dịp lễ 2/9, Tết từ ông Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) và Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) nhiều lần nên “không nhớ”. Tuy nhiên, số tiền này lại được Đinh Văn Thành và Võ Tấn Hoàng ghi sổ.

Bị cáo Nguyễn Thị Phụng (cựu Phó cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước) khai đã nhận từ Võ Tấn Hoàng Văn 20.000 USD, 210 triệu đồng, đồng hồ, túi xách, nên mới bỏ qua sai phạm.

Bị cáo Vũ Khánh Linh (Phó trưởng Phòng Thanh tra ngân hàng thương mại cổ phần, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, được Văn cho 100 triệu đồng) khai: “được cấp trên giao tổng hợp thì bị cáo tổng hợp, chỉ đạo sửa thì bị cáo sửa”.

Bị cáo Bùi Tuấn Khoa (Phó cục trưởng Cục 1, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước, nhận từ SCB 100 triệu đồng) cho biết, không chịu sức ép từ cấp trên và cũng không vì nhận tiền mà lơ đi sai phạm, nhưng không thể lý giải vì sao mình sai.

Tin bài liên quan