Xét xử vụ Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Tranh cãi việc nhà thầu hay bị cáo phải bồi thường

0:00 / 0:00
0:00
Tại tòa, đại diện Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đề nghị các nhà thầu vi phạm phải bồi thường hơn 460 tỷ đồng được xác định là thiệt hại, nhưng Viện Kiểm sát cho rằng, các bị cáo phải liên đới bồi thường.

Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm quy định về đầu tư xây dựng tại Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn II, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng Xét xử tuyên buộc 22 bị cáo phải liên đới bồi thường thiệt hại hơn 460 tỷ đồng được xác định là thiệt hại của VEC. Còn các nhà thầu thi công tuyến đường không phải bồi thường thiệt hại, mà chỉ phải bồi hoàn theo điều khoản của hợp đồng.

Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát, quá trình thi công Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, các bị cáo đã không tuân thủ quy định từ khâu lựa chọn vật liệu nguồn, thiết kế phối trộn, thi công thử, đến thi công đại trà các lớp vật liệu. Khi tiến hành nghiệm thu, không thực hiện đo cường độ mô đun đàn hồi trên các lớp vật liệu; có nhiều hạng mục thi công không có sự tham gia của đại diện Ban Quản lý dự án. Ngoài ra, Hội đồng Nghiệm thu cơ sở không tiến hành nghiệm thu hoàn thành chuyển bước giai đoạn thi công tổng thể nền đường, mặt đường; vẫn lập hồ sơ nghiệm thu hoàn thành công trình để được thanh toán và đưa công trình vào khai thác, sử dụng, dẫn đến gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 460 tỷ đồng.

Trước đó, đại diện VEC đã đề nghị, các nhà thầu để xảy ra vi phạm phải bồi thường số tiền trên, còn các bị cáo không phải bồi thường thiệt hại.

Luật sư bào chữa thậm chí lập luận, toàn bộ bị cáo trong vụ án này không vi phạm pháp luật với tư cách cá nhân, mà họ vi phạm khi đang thực hiện nhiệm vụ do pháp nhân giao.

Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã tách vụ án thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I liên quan tới 36 bị cáo đã được đưa ra xét xử vào cuối năm 2021.

Tại giai đoạn II của vụ án, có 22 bị cáo bị truy tố và đưa ra xét xử, trong đó có 6 bị cáo đã bị xét xử và tuyên án trong giai đoạn I về cùng tội danh “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cụ thể, cựu Phó tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng và Lê Quang Hào bị tuyên án lần lượt 7 năm và 6 năm tù; 2 cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án gồm Hoàng Việt Hưng bị tuyên án 8 năm 6 tháng tù, Nguyễn Tiến Thành 4 năm 6 tháng tù; cựu Phó giám đốc Đỗ Ngọc Ân 4 năm tù; cựu Giám đốc gói thầu số 6,7 Hà Văn Bình bị tuyên án 5 năm tù.

Theo bị cáo Trần Văn Tám, cựu Tổng giám đốc VEC, xét về tổng thể thì đây là một dự án thống nhất, nhưng khi cơ quan điều tra vào làm việc đã chia vụ án thành 2 giai đoạn để điều tra. Chính vì vậy, một số bị cáo bị đưa ra xét xử trong giai đoạn I, lại tiếp tục bị truy tố và đưa ra xét xử trong giai đoạn II với chính hành vi đó, trong vụ án đó.

Tại tòa, các luật sư bào chữa cho 6 bị cáo trên đồng loạt đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét bỏ tội danh hoặc xem xét khi lượng hình đối với các bị cáo này, với lý do trước đó các bị cáo đã bị xét xử về hành vi “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo các luật sư, việc tách sai phạm tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi ra làm 2 vụ án là không thỏa đáng, dù với lý do “chờ kết luận giám định”. Điều này đã làm nặng thêm hậu quả pháp lý, gây thiệt thòi cho các bị cáo.

Các luật sư cũng cho rằng, tại giai đoạn I của vụ án, bản án có hiệu lực pháp luật, đã buộc nhà thầu phải bồi thường thiệt hại chứ không phải các bị cáo. Giai đoạn II hoàn toàn giống giai đoạn I, do đó, việc áp dụng pháp luật cần phải thống nhất.

Trước đó, đại diện đơn vị giám định tư pháp đã đưa ra nguyên nhân của việc kéo dài thời hạn giám định, ảnh hưởng tới thời hạn điều tra, bởi ảnh hưởng của Covid-19 và “có quá nhiều công việc phải làm”.

Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Tiến Thành, cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án, kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu cơ sở, lý do này là không thỏa đáng, vi phạm về thời hạn giám định, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bị cáo bị khởi tố trong cả 2 giai đoạn.

Tin bài liên quan