(Ảnh chụp qua màn hình)

(Ảnh chụp qua màn hình)

Xét xử vụ Mobifone mua AVG: Luật sư đề nghị xử kín một phần

(ĐTCK) Luật sư Vũ Xuân Nam đề nghị giải mật một số tài liệu trong vụ án và xử kín một phần liên quan đến những tài liệu mật nếu không được giải mật.

Sáng 16/12, Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử vụ án Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trong thương vụ Mobifone mua lại 95% cổ phần AVG.

Trong phần thủ tục phiên tòa, Luật sư Vũ Xuân Nam đã đề nghị Tòa án triệu tập thêm một số đơn vị, cá nhân như đại diện Bộ Tài chính, đại diện Công ty ASC, đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện Công ty Hà Nội Value...

Luật sư Vũ Xuân Nam cũng đề nghị HĐXX giải mật một số tài liệu có trong vụ án. Trong trường hợp không giải mật, đề nghị HĐXX cho phép luật sư tiếp cận và sử dụng các tài liệu vì đó là một phần chứng cứ của vụ án, có thể xử kín trong giai đoạn sử dụng tài liệu đó.

Trước kiến nghị của luật sư, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, một số trường hợp vắng mặt tại phiên tòa nhưng hồ sơ vụ án đã có lời khai, việc vắng mặt không ảnh hưởng đến vụ án. Một số cá nhân vắng mặt không có lý do. Phiên tòa xét xử dài ngày, khi cần HĐXX tiếp tục triệu tập tham gia phiên tòa.

Về tài liệu mật, hồ sơ vụ án phần lớn đã được giải mật. Phần chưa giải mật thì nội dung đã nêu trong kết luận điều tra, kết luận thanh tra, các bị cáo đã được nhận kết luận điều tra.

Sau khi hội ý, HĐXX cho rằng đối với một số người vắng mặt, HĐXX sẽ tiếp tục triệu tập trong quá trình xét xử. Hồ sơ vụ án đều có lời khai đầy đủ, nếu cần HĐXX sẽ công bố lời khai.

Hồ sơ vụ án có một số tài liệu đóng dấu mật, tuyệt mật. Phần lớn tài liệu đã được giải mật. Phần còn lại, HĐXX đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng giải mật nhưng chưa có kết quả. HĐXX tiếp tục kiến nghị yêu cầu các cơ quan giải mật.

Tuy nhiên, các nội dung trong tài liệu mật đã được nêu rõ trong kết luận thanh tra, kết luận điều tra, có trong bút lục vụ án.

Đối với đề nghị xử kín, HĐXX cho biết, theo quyết định đưa vụ án ra xét xét, vụ án được xét xử công khai, do đó, đề nghị xử kín một phần không được chấp nhận.

Được biết, có 14 bị cáo được đưa ra xét xử theo các tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ.

Cơ quan công tố cáo buộc các bị cáo đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh của AVG; thẩm định giá; sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán và quyết định giá mua cổ phần của AVG, trong việc lập, trình dự án và quyết định phê duyệt dự án đầu tư, thanh toán gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.

Số tiền Mobifone đã bỏ ra để mua 95% cổ phần AVG là 8.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, AVG hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, âm vốn chủ sở hữu. Cơ quan công tố xác định giá trị thực của AVG chỉ là 1.970 tỷ đồng.

Trong thương vụ này, Nhà nước bị thiệt hại 6.590 tỷ đồng.

Đáng chú ý, vào ngày 28/3/2018, Mobifone và các cổ đông trên đã ký thỏa thuận nguyên tắc về việc hủy bỏ thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần.

Đến ngày 29/8/2018, Mobifone nhận được hơn 8.774 tỷ đồng từ đại diện cổ đông chuyển nhượng cổ phần AVG. Số này gồm hơn 8.445 tỷ đồng Mobifone đã thanh toán năm 2016 và hơn 329 tỷ đồng là số tiền trả cho các chi phí liên quan và lãi tính cho số tiền Mobifone từng thanh toán.

Quá trình điều tra, bị cáo Phạm Nhật Vũ khai việc sử dụng số tiền Mobifone thanh toán cho AVG về cơ bản theo yêu cầu của Phạm Nhật Vũ để phục vụ cho kinh doanh và trả nợ. Ông Vũ cũng tự bỏ tiền túi và đi vay thêm để trả lại cho Mobifone, lập biên bản cam kết không kiện tụng, đòi tiền các cổ đông khác.

Tin bài liên quan