Xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản

0:00 / 0:00
0:00
Không phải ngẫu nhiên, vấn nạn nợ đọng xây dựng cơ bản tại các dự án hạ tầng sử dụng vốn ngân sách nhà nước một lần nữa lại xuất hiện khi Quốc hội thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Cần phải nói thêm rằng, ngay từ năm 2014, tại Chỉ thị số 23/CT- TTg, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, ưu tiên bố trí vốn kế hoạch đầu tư công 5 năm (2016 - 2020) để thanh toán cơ bản các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết ngày 31/12/2014. Đặc biệt, Chỉ thị số 23 còn yêu cầu, từ năm 2015 trở đi, các cấp, các ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản. Các bộ, ngành, địa phương để phát sinh nợ đọng từ đầu tháng 1/2015 (thời điểm Luật Đầu tư công 2014 có hiệu lực thi hành) sẽ bị xử lý vi phạm theo các quy định tại luật này.

Chính nhờ những chỉ đạo quyết liệt nói trên, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản đã từng bước được khắc phục.

Song vì nhiều lý do, vấn nạn này vẫn chưa thể xử lý dứt điểm, thậm chí, một số khoản nợ đọng được ghi nhận từ trước năm 2014 vẫn đang phải treo gác, chưa thể thanh toán cho các đơn vị thi công.

Chỉ tính riêng trong lĩnh vực giao thông, tổng số các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản, các khoản nợ thuộc nghĩa vụ thanh toán của ngân sách nhà nước đến hết ngày 31/12/2022 tại 51 dự án chưa được xử lý của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vào khoảng 986,317 tỷ đồng. Số nợ này gồm nợ đọng xây dựng cơ bản (đã có biên bản nghiệm thu A-B) là 865,197 tỷ đồng, trong đó phát sinh trước ngày 1/1/2015 khoảng 73,773 tỷ đồng, chủ yếu là phần phải trả theo các quyết định phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành; phát sinh từ ngày 1/1/2015 về sau khoảng 791,424 tỷ đồng; nợ thuộc nghĩa vụ thanh toán của ngân sách nhà nước chưa được xử lý khoảng 121,12 tỷ đồng. Toàn bộ khoản nợ nói trên vẫn đang được cập nhật lên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công để được cân đối bố trí vốn.

Trên thực tế, ngay cả việc rà soát, cập nhật, bổ sung, chuẩn xác các thông tin số liệu liên quan đến các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản, các khoản nợ thuộc nghĩa vụ thanh toán của ngân sách nhà nước cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của nhiều bộ, ngành, địa phương, bất chấp sự đôn đốc, thúc giục thường xuyên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Có nhiều lý do được đưa ra để biện minh cho sự chậm trễ này. Chẳng hạn các dự án đã thi công từ nhiều năm trước đây, khối lượng thi công để phát sinh nợ đọng của các dự án đã lâu, việc lưu trữ thông tin, số liệu, các văn bản liên quan chưa tốt, nên việc xác định giá trị, thời điểm phát sinh nợ đọng khó khăn. Hay một số cán bộ trực tiếp thực hiện công tác liên quan đến kế hoạch, kế toán đã nghỉ hoặc chuyển công tác cũng dẫn đến khó khăn, chậm trễ trong công tác tổng hợp số liệu, tìm kiếm các văn bản liên quan. Hoặc công tác quyết toán dự án (nhất là các dự án đã hoàn thành từ lâu) còn chậm, dẫn đến khó khăn trong xác định số phải thu, phải trả; một số nhà thầu, tư vấn đã giải thể hoặc đã chuyển địa điểm nên việc phối hợp, xác nhận các số liệu liên quan đến nợ đọng khó khăn…

Thế nhưng, ngay cả khi những lý do nói trên là đúng, thì những hệ lụy về tài chính để lại cho các đơn vị thi công bị nợ đọng là rất lớn, nhất là trong bối cảnh các khoản nợ kéo dài cả chục năm, tiền lãi trả ngân hàng đã vượt quá số tiền dự kiến được nhận.

Trong chuỗi dài những đối tượng chịu hệ lụy nợ đọng xây dựng cơ bản, người lao động tại các doanh nghiệp là thiệt thòi nhất. Bởi vậy, đã đến lúc, các cơ quan quản lý nhà nước cần quyết liệt hơn nữa đối với nợ đọng xây dựng cơ bản. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có khối lượng nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, kéo dài theo đúng tinh thần Chỉ thị số 23/CT- TTg và Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về ngân sách nhà nước.

Ngoài răn đe, phải không để tái diễn tính trạng đầu tư vượt khả năng bố trí vốn, nhất là trong bối cảnh các địa phương đang được phân cấp, giao quyền mạnh hơn trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Việc xử lý dứt điểm vấn nạn nợ đọng xây dựng cơ bản còn thể hiện sự sòng phẳng của chủ đầu tư nhà nước đối với những doanh nghiệp, nhà thầu đã nỗ lực hết mình để hoàn thành nghĩa vụ thi công theo đúng hợp đồng ký kết trước đó.

Tin bài liên quan