Xử lý vi phạm phòng cháy chữa cháy Hà Nội: Đừng để “bắt cóc bỏ đĩa”

(ĐTCK) Mặc dù đã chứng kiến hàng loạt vụ hỏa hoạn kinh hoàng thời gian qua, nhưng công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại nhiều chung cư ở Hà Nội vẫn còn những bất cập, từ việc rà soát, quản lý, đến kiểm định ban đầu...

Những bài học đắt giá

Đại diện Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn (Bộ Công an) cho rằng, 3 tháng đầu năm, cháy nổ ở các địa phương cơ bản được kiềm chế, nhưng việc cháy ở các khu dân cư, chung cư, nhà dân vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là các loại nhà vừa kết hợp để ở, vừa sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, số liệu từ Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn cho biết, chỉ tính trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 1.040 vụ cháy, làm 31 người chết, 42 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 270 tỷ đồng. Trong đó, vụ cháy rạng sáng 23/3 tại tầng hầm Chung cư Carina Plaza đường Võ Văn Kiệt, quận 8, TP.HCM đã làm 13 người chết, hơn 50 người bị thương, 13 ôtô và 150 xe máy bị thiêu rụi. Hậu quả này được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong 16 năm qua, sau thảm họa cháy ITC làm 60 người chết.

Ngoài ra, cũng trong 3 tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra 3 vụ nổ, làm 2 người chết, 1 người bị thương. Nghiêm trọng nhất là vụ nổ kho phế liệu ở Bắc Ninh khiến 2 người chết, nhiều ngôi nhà nát vụn vào đầu tháng 1. Lực lượng chức năng đã cứu được 142 người và tìm được hơn 100 xác nạn nhân trong các vụ tai nạn, hỏa hoạn thời gian qua.

Theo thống kê của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản trong những tháng đầu năm nay, trên địa bàn Hà Nội xảy ra hàng chục vụ cháy như vụ cháy xảy ra tại xưởng sản xuất chổi chít ở phường Phú Lương, quận Hà Đông, tiếp đó là vụ cháy tại chợ Quang, huyện Thanh Trì, vụ cháy tại căn nhà trên phố Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng... Trong đó, có nhiều vụ hỏa hoạn tại tòa nhà cao tầng như vụ cháy căn hộ trên tầng 21 của chung cư thuộc Khu đô thị Văn Khê (Hà Đông), vụ cháy tại phòng kỹ thuật trên tầng 18 tại một tòa chung cư trên đường Nguyễn Cơ Thạch (quận Bắc Từ Liêm), vụ cháy xảy ra tại Chung cư Fodacon (quận Hà Đông)...

Thống kê cho thấy, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 1.100 công trình nhà cao tầng, phần lớn trong đó đã đưa vào sử dụng. Theo nhận định của các cơ quan chức năng, PCCC tại các chung cư cao tầng đang là thách thức lớn đối với Hà Nội. Các tòa nhà cao từ 20 - 30 tầng, thậm chí trên 40 tầng đang mọc lên ngày càng nhiều, nhưng khi xảy ra hỏa hoạn, xe thang chữa cháy cũng chỉ có thể vươn tới tầng 14 - 15 của tòa nhà. Trong khi đó, hệ thống PCCC tại chỗ như cảm biến khói, báo cháy tự động, bình bột chữa cháy, họng tiếp nước… nơi có nơi không.

“Việc tổ chức PCCC đối với công trình nhà cao tầng gặp rất nhiều khó khăn. Khi xây dựng phương án PCCC ở đây chủ yếu là hướng dẫn người dân ý thức tự phòng, thoát nạn, coi trọng việc giữ an toàn”, Đại tá Nguyễn Ngọc Châu, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 8 Hà Nội cho biết.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội cũng cho rằng, PCCC không chỉ là ý thức của doanh nghiệp, mà còn là ý thức của người dân, nhất là kỹ năng phòng cháy, thoát hiểm còn hạn chế. Thực tế, hầu hết người dân khi bỏ tiền tỷ để mua nhà đều đặt niềm tin tuyệt đối vào chủ đầu tư, thậm chí đặt cả sinh mạng của mình, mà không hề hỏi hệ thống PCCC tòa nhà đã được cấp phép, thẩm định hay chưa. Trong khi việc phối hợp, kiểm tra của ngành chức năng chưa thường xuyên, một số nơi còn tình trạng buông lỏng, nhất là thực trạng các công trình chưa được nghiệm thu PCCC đã đưa vào sử dụng.

Đừng để “bắt cóc bỏ đĩa”

Sau hàng loạt “lời cảnh tỉnh” về sự cố hỏa hoạn, Thành ủy Hà Nội yêu cầu Cảnh sát PCCC Thành phố tham mưu, đề xuất di dời các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao như sản xuất, chế biến gỗ, sang chiết gas, xăng dầu, hóa chất... ra khỏi khu dân cư. Đồng thời, có công văn tăng cường công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thành phố.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm các chỉ đạo về công tác PCCC trên địa bàn để chủ động phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các vụ cháy nổ trên địa bàn TP. Hà Nội và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại, hậu quả do cháy nổ gây ra.

Mặt khác, yêu cầu Cảnh sát PCCC Thành phố phối hợp với Công an Thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm đối với những vi phạm quy định về PCCC, nhất là tại các công trình có nguy cơ cháy nổ cao, các chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, chợ, khu công nghiệp, khu chế xuất… Kiên quyết xử lý nghiêm và cưỡng chế những trường hợp vi phạm.

UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương sửa chữa các tòa nhà, căn hộ, hệ thống điện, nước, cầu thang máy, PCCC... Đối với các dự án để khiếu kiện kéo dài, UBND Thành phố sẽ xem xét lại năng lực của chủ đầu tư khi xem xét đề xuất dự án đầu tư khác. Chỉ đạo các chủ đầu tư dự án, đơn vị quản lý, vận hành chung cư cao tầng khi đưa vào khai thác sử dụng phải xây dựng quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh trật tự giữa chủ đầu tư hoặc đơn vị được giao quản lý với chính quyền cấp xã và công an cơ sở. Khi đưa vào khai thác, sử dụng phải sử dụng lực lượng bảo vệ được đào tạo, tập huấn, cấp chứng chỉ của các đơn vị chức năng.

 Cuối năm 2017, đầu năm 2018 trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ cháy chung cư. Ảnh: Dũng Minh

Tuy nhiên, mới đây, Hà Nội lại đề nghị hạ chuẩn phòng cháy cho 17 công trình nhà chung cư cao tầng trên địa bàn Thành phố đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng có vi phạm các quy định về PCCC không có khả năng khắc phục theo yêu cầu của quy chuẩn PCCC hiện hành. Đề nghị này đã nhận nhiều ý kiến trái chiều và các chuyên gia xem đây là tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, khiến một số chủ đầu tư nhờn luật.

Ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, nguyên tắc trong kỹ thuật đã là quy chuẩn kỹ thuật, thì phải tuân thủ. Đó là yêu cầu tối thiểu phải đạt được, chứ không phải tối đa.

“Không ai cho phép không tuân thủ tiêu chuẩn cả. Thay đổi cái đó chỉ có đề xuất thay đổi quy chuẩn. Nếu đã là quy chuẩn, thì không ai được phép hạ bớt khi quy chuẩn đang có hiệu lực”, ông Chủng nhấn mạnh.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết, nếu chưa nghiệm thu PCCC mà cho dân vào ở thì lỗi của chủ đầu tư rất lớn và cơ quan chức năng phải xử phạt nghiêm khắc. Có thể xem xét dừng việc tiếp tục đầu tư dự án khác.

“Hiện đã không có chuyện phạt cho tồn tại, buộc phải phá dỡ với các công trình xây sai phép, sai quy hoạch, thì với chung cư không có nghiệm thu PCCC mà cho dân vào ở, có thể dừng chủ đầu tư 5 năm không được đầu tư mới, chứ không phải phạt hành chính 60 - 70 triệu đồng. Cơ chế xử phạt các đối tượng vi phạm không nghiêm, không rõ ràng, nên rất dễ dẫn đến nhờn luật”, ông Hiệp nói.

Theo nhận định của giới chuyên gia, chính sự không dứt khoát, nghiêm minh trong việc xử lý vi phạm PCCC, khiến nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở cao tầng đang nhờn luật.

Cụ thể, theo số liệu mới đây từ Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội, sau khi tiến hành rà soát, kiểm tra, tính đến thời điểm cuối tháng 5/2018, Hà Nội có 91 cơ sở, công trình nhà cao tầng vi phạm các quy định về PCCC trong quá trình hoạt động. Đặc biệt, trong danh sách vừa công bố có rất nhiều dự án của một số chủ đầu tư được xem là “ông lớn” trong làng bất động sản.

Đơn cử, Tổng công ty Phát triển nhà và Đô thị (HUD) có các dự án vi phạm là các tòa chung cư tại Khu đô thị Văn Quán, Vạn Phúc (Hà Đông). Công ty cổ phần Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu khí với Khu đô thị Tứ Hiệp (Thanh Trì). Công ty TNHH Bất động sản và Xây dựng Việt Hưng với dự án tổ hợp thương mại văn phòng và nhà ở để bán Eco Green City thuộc Khu đô thị Tây Nam Kim Giang (Thanh Trì). Công ty cổ phần Hóa dầu quân đội với Dự án Trung tâm thương mại và căn hộ MIPEC Long Biên (quận Long Biên), hay Chung cư Ecohome Phúc Lợi của Công ty Đầu tư và Thương mại Thủ đô…

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan