Xuất khẩu 2023, cú lội ngược dòng ngoạn mục

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nói, sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu đã đi qua năm 2023 với nhiều khó khăn, suy giảm mạnh trong những tháng đầu năm, nhưng cuối cùng đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục.
Theo Bộ trường Nguyễn Hồng Diên, xuất khẩu hàng hóa năm 2023 đã lội ngược dòng, về đích với 355,5 tỷ USD, xuất siêu 28 tỷ USD.

Theo Bộ trường Nguyễn Hồng Diên, xuất khẩu hàng hóa năm 2023 đã lội ngược dòng, về đích với 355,5 tỷ USD, xuất siêu 28 tỷ USD.

Thưa Bộ trưởng, năm 2023 đã đi qua với khó khăn chưa từng có, với cả kinh tế toàn cầu và Việt Nam, rõ nhất là sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm, xuất khẩu giảm hàng chục tỷ USD, Bộ trưởng nói gì về kết quả này?

Trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2023 biến động phức tạp, nhanh chóng, khó lường; thương mại toàn cầu chỉ tăng 0,8%, giảm một nửa so với mức dự báo 1,7% của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi đầu năm.

Giá nguyên liệu đầu vào, năng lượng và logistics toàn cầu tăng cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp; tình hình lạm phát ở nhiều nước trên thế giới tuy đã giảm nhưng vẫn “neo” ở mức cao, dẫn tới xu hướng tiết kiệm chi tiêu, mua sắm tại một số thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU khiến nhu cầu nhập khẩu giảm.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chính sách bảo hộ thương mại, cạnh tranh về giá giữa các nước xuất khẩu có cùng mặt hàng gia tăng; các nước ngày càng dựng lên nhiều rào cản kỹ thuật,tạo sức ép mới, tác động rất bất lợi đến hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại trong nước, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Nhưng càng về nửa cuối năm, nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, nhất là ngành công nghiệp, thích ứng hơn với tình hình mới của thế giới nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là “tác động kép” từ các yếu tố bất lợi ở bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài từ nhiều năm trước.

Nhờ những giải pháp kịp thời và tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống, hoạt động xuất khẩu của nước ta được duy trì và đẩy mạnh. Xuất khẩu ước đạt 355,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 327,5 tỷ USD.

Đặc biệt, kinh tế năm nay tăng trưởng 5,05%, đặt trong tương quan so sánh, nếu nhìn mức tăng trưởng của kinh tế thế giới là 2,9%; EU là 0,8%..., hay trong khu vực ASEAN chỉ có Philipines tăng cao hơn Việt Nam thì thấy, mức tăng trưởng này là rất đáng ghi nhận.

Xuất khẩu năm 2023 tuy chưa đạt mục tiêu, nhưng kỳ tích lần đầu đạt được như xuất siêu kỷ lục cao nhất trong nhiều năm qua, Bộ trưởng nhìn nhận ra sao về kết quả này?

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 355,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 327,5 tỷ USD.

Thẳng thắn nhìn nhận, con số tăng trưởng này chưa được như kỳ vọng, cũng chưa chạm tới mục tiêu đề ra cho năm 2023, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, tổng cầu thế giới sụt giảm mà hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thu hẹp đáng kể mức suy giảm ở thời điểm cuối năm so với đầu năm đã cho thấy sự nỗ lực của Bộ về điều hành xuất khẩu.

Một trong những dấu ấn rất đáng ghi nhận trong bức tranh xuất nhập khẩu năm nay chính là cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt 28 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Tôi muốn phân tích thêm về kết quả xuất khẩu và xuất siêu năm qua.

Cần được nhìn nhận các con số này ở khía cạnh tích cực trong tương quan của của kinh tế, thương mại toàn cầu. Nếu thời điểm cuối quý I, xuất khẩu giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Từ cuối quý II, xuất khẩu có những tín hiệu phục hồi, tháng sau cao hơn tháng trước (tháng tăng 4,3% so với tháng 4; tháng 6 tăng 4,5% so với tháng 5; tháng 7 tăng 0,8%, tháng 9 tăng 9,0%...).

Đến cuối quý III, mức giảm xuất khẩu thu hẹp còn 8,5% so với cùng kỳ và cả năm 2023, xuất khẩu về đích với 355,5 tỷ USD, mức giảm thu hẹp còn 4,4% so với năm 2022.

Rõ ràng, so với sự sụt giảm xuất khẩu của các nước trong khu vực, xuất khẩu của nước ta đã có sự phục hồi tích cực hơn.

Trước bối cảnh thương mại toàn cầu không thuận lợi, khó đoán định và rào cản từ các thị trường ngày càng nhiều, công tác điều hành xuất nhập khẩu ngành Công thương phải "linh hoạt", "thần tốc" hơn nhiều so với trước?

Thực tế, những khó khăn về thương mại hàng hóa đã xuất hiện từ cuối năm 2022 và ngày càng khó hơn khi bước sang năm 2023, nhất là giai đoạn đầu năm.

Tuy nhiên, khi chúng ta khép lại năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 371 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2021, thì có một số đánh giá khá lạc quan về triển vọng của năm 2023, nhưng Bộ đã sớm phát hiện ra vấn đề, chủ động chỉ đạo cho các đơn vị chức năng, đặc biệt là hệ thống thương vụ sớm có những nghiên cứu, đánh giá để nắm bắt các biến động tại các thị trường trọng điểm

Từ đó, sớm có sự nhận diện, dự báo đúng và chính xác những khó khăn của kinh tế thế giới ngay từ những ngày đầu 2023 để tham mưu cho Chính phủ kịp thời sớm xây dựng các kịch bản ứng phó chủ động, linh hoạt.

Ngay đầu năm 2023, Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023", tại Hội nghị này, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo quan trọng về thúc đẩy, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Năm qua, trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, cùng với những sự kiện hội chợ, kết nối giao thương được phủ sóng trong nước và tại các thị trường trọng điểm ở nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan, châu Âu… công tác giao ban Thương vụ đã có nhiều đổi mới mang tính đột phá; bám sát các chủ trương lớn nhưng cũng hết sức cụ thể.

Bộ thường xuyên cập nhật diễn biến hoạt động xuất khẩu ở các cửa khẩu biên giới để có những giải pháp, đề xuất tháo gỡ vướng mắc kịp thời cho dòng chảy hàng hóa được thông suốt.

Từ đầu năm, Bộ đã chỉ đạo để các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm bắt tốt cơ hội khi Trung Quốc chấm dứt chính sách Zero-Covid và mở cửa nền kinh tế. Các Cục, Vụ chức năng của Bộ Công thương cũng theo sát, đảm bảo tiến độ thông quan hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc sau Tết Nguyên đán; phối với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch.

Kết quả là chúng ta đã khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường tỷ dân,

Năm 2023, xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đạt gần 62 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2022 và là thị trường lớn duy nhất đạt tăng trưởng dương (Pv).

Kinh tế toàn cầu và thương mại năm 2024 dự báo chưa bớt khó, trong khi đó để đạt mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng 6%, xuất siêu 15 tỷ USD, Bộ Công thương xây dựng kịch bản ứng khó với biến động của năm 2024 ra sao, thưa Bộ trưởng.

Năm 2024 là năm có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu Kế hoạch 5 năm (2021-2025) trong bối cảnh được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, bởi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào xu hướng chung toàn cầu, trong khi tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới tuy có phục hồi nhưng còn chậm và tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, rủi ro.

Bộ sẽ tập trung giải quyết các “điểm nghẽn” và tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, năng lượng, thương mại, nhất là các dự án trọng điểm để sớm đưa vào hoạt động, góp phần nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế.

Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao (như sản xuất chíp, chất bán dẫn, khai thác chế biến khoáng sản) để trở thành một động lực mới thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới.

Tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong công tác hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các FTA mà Việt Nam là thành viên để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.

Tham mưu đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác còn tiềm năng nhiều ở khu vực Trung Đông, Châu Phi và Nam Mỹ…, tạo động lực tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư.

Đồng thời, tăng cường hỗ trợ để doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Tin bài liên quan