Lạm phát cao tại các thị trường xuất khẩu đang tác động tiêu cực tới doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu

Lạm phát cao tại các thị trường xuất khẩu đang tác động tiêu cực tới doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu

Xuất khẩu gặp khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá trị xuất khẩu hàng hóa tháng 9 giảm 14,3% so với tháng trước. Nhu cầu ở các thị trường lớn suy giảm trước áp lực lạm phát đã phản ánh rõ rệt trên số liệu xuất khẩu của Việt Nam.

Sức cầu sụt giảm

Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu kinh tế quý III/2022 và 9 tháng đầu năm, với mức tăng trưởng GDP trong quý III đạt 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, tăng trưởng GDP đạt 8,83% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022.

Ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment đánh giá, tăng trưởng GPD quý III thể hiện sự phục hồi của nền kinh tế so với cùng kỳ năm ngoái (giai đoạn bùng phát dịch bệnh Covid và giãn cách xã hội trên diện rộng, nhiều hoạt động kinh tế bị tê liệt, GDP tăng trưởng âm 6,03). Tuy vậy, nếu so với cùng kỳ các năm trước đó, GDP quý III năm nay chỉ tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2020 và tương đương với năm 2019.

Ông Trung cũng lưu ý số liệu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước đạt 29,94 tỷ USD, dù tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lại suy giảm tới 14,3% so với tháng trước. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước đạt 28,8 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 ước tính xuất siêu 1,14 tỷ USD.

Trước đó, trong nửa đầu tháng 9, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đã thâm hụt 845 triệu USD. Nhìn nhận về diễn biến này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, thâm hụt thương mại trong nửa đầu tháng 9 có thể là do các doanh nghiệp đang gia tăng nhập khẩu hàng hóa để chuẩn bị sản xuất phục vụ mùa cao điểm tiêu thụ cuối năm.

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho rằng, năm nay có thể xuất hiện những thay đổi do hoạt động phát triển kinh tế tại nhiều quốc gia trên thế giới có dấu hiệu chững lại, thu nhập người dân giảm đi, khiến xuất khẩu hàng hóa sẽ có nhiều khó khăn hơn.

Ông Lã Giang Trung cũng nhìn nhận, các thị trường lớn như châu Âu và Mỹ đang có mức lạm phát cao, dẫn đến thu nhập thực tế và sức mua bị giảm, nhu cầu tiêu dùng giảm đi. Cùng với việc các ngân hàng trung ương trên thế giới mạnh tay tăng lãi suất để “ghìm cương” lạm phát, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đã hiện hữu.

8 tháng đầu năm 2022, bình quân mỗi tháng, ngành dệt may xuất khẩu được 3,7 – 3,8 tỷ USD, thì trong 4 tháng cuối năm dự kiến chỉ xuất khẩu được khoảng 3,1 - 3,2 tỷ USD.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex

Chuyên gia chỉ ra tác động kép vào một thời điểm: lạm phát tăng làm giảm thu nhập thực tế và tiềm ẩn sâu xa vấn đề thu nhập có thể tiếp tục giảm vì nền kinh tế suy thoái.

Như vậy, nhu cầu ở các thị trường lớn giảm đi và tác động trực tiếp đến ngành xuất khẩu của Việt Nam.

“Từ cuối quý II, một số doanh nghiệp dệt may, da giày đã gặp khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng và đến quý IV, lượng đơn hàng giảm đi rất nhiều”, ông Trung nói.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, hiện nay, sản xuất tôm nguyên liệu đang gặp khó vì các chi phí đầu vào cao và thời tiết bất lợi, trong khi nhu cầu của các thị trường chính chững lại vì lượng tồn kho tăng.

Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang hai thị trường lớn là Hoa Kỳ và Trung Quốc đã sụt giảm rõ rệt. Đặc biệt, các doanh nghiệp đang phải cạnh tranh vất vả với hàng giá rẻ từ các đối thủ Ấn Độ, Indonesia và Ecuador.

Đối với ngành dệt may, sau nửa đầu năm thuận lợi, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng sức mua giảm đáng kể tại nhiều thị trường xuất khẩu như Hoa Kỳ, EU…, ảnh hưởng đến đơn hàng và đơn giá của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xung đột quân sự Nga - Ukraine chưa có hồi kết, khiến xuất khẩu của hàng dệt may sang hai thị trường này cũng như các nước khác trong khu vực bị ảnh hưởng.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, nếu trong 8 tháng đầu năm 2022, bình quân mỗi tháng, ngành dệt may xuất khẩu được 3,7 - 3,8 tỷ USD, thì trong 4 tháng cuối năm dự kiến chỉ xuất khẩu được khoảng 3,1 - 3,2 tỷ USD.

Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cũng có góc nhìn thiếu lạc quan về triển vọng xuất khẩu các mặt hàng này trong những tháng cuối năm, bởi những bất lợi của tình hình kinh tế thế giới đang tác động mạnh đến ngành. Các đơn hàng của các doanh nghiệp da giày đã sụt giảm cho đến quý I/2023.

Áp lực cạnh tranh càng gay gắt

Sức cầu của các thị trường xuất khẩu yếu, áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng ngày càng gay gắt hơn. Bên cạnh vấn đề chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm thủy sản cũng chịu áp lực cạnh tranh về giá với các đối thủ đến từ Ấn Độ, Indonesia, đặc biệt là Ecuador.

Tại thị trường Hoa Kỳ, tôm xuất xứ Việt Nam phần lớn nằm ở phân khúc hàng giá trị gia tăng nên chỉ chiếm 10% thị phần. Trong khi đó, Ấn Độ và Indonesia cùng chiếm khoảng 20% thị phần, riêng Ecuador với lợi thế địa lý gần Hoa Kỳ hơn nên chiếm tới 40%.

Thực tế, giá thành tôm nguyên liệu của Việt Nam luôn cao hơn các nước từ 20 - 30%, trong khi đó, các đối thủ xuất khẩu lớn đang đẩy mạnh đầu tư máy móc, công nghệ để đi vào chế biến sâu. Bài toán đặt ra với các doanh nghiệp trong nước là cần phải cơ giới hóa, tự động hóa để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành.

Tuy vậy, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP thừa nhận, trong lĩnh vực chế biến thủy sản còn nhiều khó khăn về công nghệ và thiết bị, chủ yếu là “second hand”, bằng sáng chế công nghệ, vật liệu phụ tùng phải nhập khẩu… Do đó, ông Hòe cho rằng cần có sự nâng cao nhận thức cho các đơn vị về lợi ích của việc cơ giới hóa, cùng sự hỗ trợ từ Nhà nước trong việc thiết lập chuỗi giá trị sản xuất của ngành.

Tổng thư ký VASEP kỳ vọng, cuối năm 2022, thị trường Trung Quốc sẽ dần nới lỏng chính sách phòng dịch. Nếu thị trường này mở cửa, xuất khẩu sẽ đi vào ổn định và phát triển tốt từ năm 2023.

Tin bài liên quan