Xuất khẩu thủy sản sang Nhật : 3 yếu tố không thể lơ là

Xuất khẩu thủy sản sang Nhật : 3 yếu tố không thể lơ là

Mặc dù đã có nhiều cảnh bảo về những tiêu chuẩn khắt khe để hàng hoá có thể xâm nhập vào thị trường Nhật Bản, nhưng dường như nhiều DN VN vẫn không mấy quan tâm điều này.

 

Trên thực tế, từ lâu Nhật Bản đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hoá với các phương thức kiểm tra chuyên nghiệp, hiện đại nên bất cứ sản phẩm nào của bất kể quốc gia nào nếu không qua được “vòng loại” này sẽ bị xuất ngược trở lại.

 

Dễ mà khó

 

Cuối năm 2010, Bộ Y tế lao động và phúc lợi Nhật Bản đã cảnh báo về việc tôm VN xuất sang nước này có dư lượng trifluralin và nâng mức kiểm soát hóa chất này từ 0% lên 30% (ba lô kiểm tra một lô). Ngay sau đó, cơ quan chức năng Nhật phát hiện thêm các lô hàng tôm VN nhiễm trifluralin quá mức cho phép. Đây là một ví dụ điển hình về tình trạng tôm VN, một mặt hàng được yêu thích tại thị trường Nhật Bản bị đưa vào “tầm ngắm” bởi liên tục vi phạm các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản. Theo quy định của Nhật, kể từ lô thứ hai phát hiện chứa trifluralin sẽ nâng mức kiểm soát lên 100%.

 

Theo số liệu từ Bộ Y tế, Lao động và An sinh xã hội Nhật Bản, từ đầu năm đến ngày 13/9/2011 đã có 81 lô hàng thủy sản của VN xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản bị cảnh báo nhiễm dư lượng kháng sinh vượt quá mức cho phép, trong đó nhiều nhất là các lô hàng tôm.

 

Ông Nagamori Akihro - Phó giám đốc điều hành Jetro (Tổ chức hỗ trợ các DN nước ngoài của Chính phủ Nhật Bản) cảnh báo: tôm VN là mặt hàng được người tiêu dùng Nhật ưa chuộng, nhưng gần đây số lượng nhập khẩu đã bị giảm sút do trước đó ngành y tế Nhật đã phát hiện một số mặt hàng tôm nhập từ VN chứa hóa chất và nông dược dẫn đến sức tiêu thụ giảm. Người tiêu dùng Nhật vốn kỹ tính khi chọn lựa thực phẩm, khi phát hiện hàng hóa có vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm họ rất e ngại.

 

Lý giải nguyên nhân dẫn tới việc các sản phẩm thuỷ sản VN liên tục vi phạm các quy định của Nhật Bản, ông Ken Arakawa Cố vấn cao cấp của Jetro cho rằng: Hiện nay, các DN VN còn mắc phải hạn chế như thiếu thông tin, tư tưởng thụ động chờ các đơn hàng còn phổ biến. Từ đó dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, giá thành còn cao, thời gian giao hàng không bảo đảm...

 

Bên cạnh đó việc nghiên cứu thị trường còn chưa bằng các Cty Nhật Bản. Hơn một nửa các Cty Nhật Bản có văn phòng đại diện tại VN, nên hoạt động của họ rất hiệu quả. Họ thường xuyên theo dõi nắm vững tình hình thị trường VN.

 

Cần đổi mới phương thức

 

Theo Jetro, hàng đến Nhật phải đảm bảo được ba yếu tố: chất lượng, số lượng và thời gian giao hàng.

 

Ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Cty Minh Trân, người có thời gian dài sống ở Nhật Bản cho biết, hiện đang tồn tại một nghịch lý là các DN VN muốn bán hàng sang Nhật nhưng lại không chịu tìm hiểu kỹ về thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, quy định an toàn thực phẩm cũng như quảng bá sản phẩm mình có, mà phần lớn lại do chính các DN Nhật là những người có nhu cầu tiêu thụ tìm mua. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến cho việc xuất khẩu sang Nhật Bản không được nhiều, trong khi nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thuỷ sản của Nhật rất lớn. Bên cạnh đó, phải thừa nhận một nghịch lý nữa là các DN VN thường có ít thông tin chính thống về thị trường Nhật, đa số nắm bắt thông tin qua các đầu mối trung gian nên hiệu quả trong thương mại còn rất thấp.

 

Ông Ken Arakawa cho rằng, để đẩy mạnh XK sang Nhật, đặc biệt là các mặt hàng thuỷ sản, các DN VN cần hiểu đúng chế độ quản lý vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản để tránh những vi phạm đáng tiếc. Tôm tươi sống, ướp đá được phân phối qua nhà bán buôn, do đó cần chú ý việc giao hàng sớm. “Trong thực tế chi phí lưu thông cộng thêm cước phí vận chuyển bằng máy bay có thể đội giá lên rất cao. Do vậy các DN có thể lựa chọn cách bỏ qua chợ bán buôn mà thỏa thuận trực tiếp với các nhà phân phối và bán lẻ” ông Ken Arakawa nói.

 

Bên cạnh những hoạt động tích cực của VCCI hỗ trợ DN VN và Nhật Bản, ông Dũng cho biết, Cty Minh Trân cũng đã thành lập Trung tâm tư vấn liên kết công nghệ cao, nhằm cung cấp thông tin về thị trường, đối tác cho các DN VN và Nhật Bản. Đặc biệt sẽ hỗ trợ các DN hai nước muốn tìm hiểu và kinh doanh với thị trường Nhật và VN.

 

Theo VASEP, Nhật Bản là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của VN với khoảng 200 DN thường xuyên xuất khẩu sang nước này. Còn theo số liệu của Tổng cục Hải quan VN, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản trong 7 tháng đầu năm nay đạt 62.122 tấn, trị giá 464,088 triệu USD, giảm 18% về khối lượng và tăng nhẹ 0,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng, DN cần quan tâm hơn nữa tới những cảnh báo từ phía Nhật Bản, tích cực tham gia các hội chợ, nắm bắt nhiều hơn các thông tin thị trường, chủ động tìm kiếm khách hàng...