Xung đột quân sự, lạm phát, giá hàng hóa tăng cao khiến các thị trường tài chính chao đảo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Căng thẳng địa chính trị, lạm phát đe dọa tăng cao, giá hàng hóa tăng phi mã, đặc biệt là giá dầu thô đã khiến các thị trường chứng khoán trên thế giới có tuần đáng quên, với thị trường châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi đã lao xuống mức đáy một năm qua.
Xung đột quân sự, lạm phát, giá hàng hóa tăng cao khiến các thị trường tài chính chao đảo

Phố Wall giảm mạnh trong phiên ngày thứ Sáu (4/3), khi cuộc xung đột Nga-Ukraine làm lu mờ tốc độ tăng trưởng việc làm của Mỹ trong tháng trước.

Phần lớn chỉ số phụ các nhóm ngành trên S&P 500 giảm điểm, trong đó, tài chính dẫn đầu với mức giảm 2% do các nhà đầu tư lo lắng về việc các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow có thể ảnh hưởng đến hệ thống tài chính quốc tế.

Chỉ số ngân hàng S&P 500 giảm 3,35%, nâng mức giảm trong tuần lên gần 9%, mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2020.

Nhóm cổ phiếu du lịch cũng là một điểm yếu, với United Airlines giảm hơn 9%. Delta Air Lines và American Airlines lần lượt để mất 5,6% và 7,1%.

Các cổ phiếu công nghệ lớn cũng giảm, với Microsoft mất 2% và cổ phiếu Apple sụt giảm 1,8%.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã thúc đẩy giá cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô và các mặt hàng khác tăng sau các lệnh trừng phạt chống lại Nga, với lĩnh vực năng lượng tăng 2,85% và tăng khoảng 9% trong tuần.

Không chỉ phố Wall, các thị trường tài chính khác trên toàn cầu đều suy yếu, khi nhu cầu về tài sản trú ẩn an toàn dâng cao, sau khi lực lượng Nga chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu tại Ukraine, cái mà Washington gọi là một cuộc tấn công liều lĩnh có nguy cơ gây ra thảm họa hạt nhân.

Thị trường hãm đà rơi nhờ Bộ Lao động Mỹ báo cáo dữ liệu tích cực với số việc làm mới đã tăng ​​678.000 trong tháng trước, vượt xa con số 440.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,8%, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020.

“Ba hoặc bốn tuần trước, chúng tôi đã nghĩ rằng đây là một con số cực kỳ quan trọng. Nhưng với bối cảnh và các sự kiện tổng thể đang diễn ra ở châu Âu, thì điều đó không xảy ra. Khả năng leo thang chiến sự đã tác động đến tăng trưởng ở châu Âu sâu rộng hơn và ảnh hưởng trực tiếp đến giá hàng hóa và lạm phát đang chiếm hết tâm lý các nhà đầu tư”, Zachary Hill, người đứng đầu bộ phận quản lý danh mục đầu tư của Horizon Investments ở Charlotte cho biết.

Trong tuần, Chỉ số S&P 500 và Dow Jones đều giảm 1,3%, trong khi Nasdaq Composite giảm 2,8%.

Kết thúc phiên 4/3, chỉ số Dow Jones giảm 179,86 điểm (-053%), xuống 33.614,80 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 34,62 điểm (-0,79%), xuống 4.328,87 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 224,50 điểm (-1,66%), xuống 13.313,44 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm xuống gần mức thấp nhất trong một năm qua, khi cổ phiếu ô tô và ngân hàng chịu ảnh hưởng từ các báo cáo về một nhà máy điện hạt nhân bị cháy tại Ukraine.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 3,56% xuống 421,78 điểm và tổng cộng đã mất 7% trong tuần này, mức giảm tệ nhất trong một tuần kể từ đợt bán tháo do đại dịch Covid-19 gây ra vào tháng 3/2020.

Đáng chú ý là chỉ số này đã mất hơn 6% kể từ khi cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine vào tuần trước, do sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga về năng lượng cũng như gần khu vực xung đột.

Phiên này, cổ phiếu các ngân hàng khu vực đồng Euro giảm 7,9% khi lợi suất trái phiếu chính phủ lùi bước, với giá hàng hóa tăng vọt do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga - nước xuất khẩu hàng hóa hàng đầu, làm gia tăng lo ngại về lạm phát gia tăng và tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Trong các thị trường lớn, chỉ số DAX của Đức đóng cửa giảm tới 4,4% xuống mức thấp nhất trong hơn một năm, khi các nhà sản xuất ô tô để mất 5,6%, trở thành một trong những nhóm ngành hoạt động kém nhất tại châu Âu.

Michael Hewson, trưởng nhóm phân tích thị trường tại CMC Markets, cho biết: “Không ai mua một chiếc xe mới khi giá hàng hóa đang tăng vọt. Doanh thu và tỷ suất lợi nhuận của các nhà sản xuất xe sẽ suy giảm đáng kể. Ngoài ra, thu nhập khả dụng của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể do giá thực phẩm và khí đốt leo thang như hiện nay”.

Kết thúc phiên 4/3: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 251,71 điểm (-3,48%), xuống 6.987,14 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 603,86 điểm (-4,41%), xuống 13.094,54 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 316,71 điểm (-4,97%), xuống 6.061,66 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh, khi cuộc xung đột Nga-Ukraine tiếp tục gia tăng gây ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi tâm lý thị trường bị đè nặng bởi lo lắng về cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn ở Ukraine và thị trường bất động sản trong nước.

Chứng khoán Hồng Kông giảm mạnh theo chân đà sự sụt giảm trên các thị trường chứng khoán châu Á khác.

Chứng khoán Hàn Quốc có phiên giảm mạnh nhất tuần, do lo ngại xung quanh tin tức về vụ cháy tại nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine,

Kết thúc phiên 4/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 591,80 điểm (-2,23%), xuống 25.985,47 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 33,46 điểm (-0,96%), xuống 3.447,65 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 562,05 điểm (-2,50%), xuống 21.905,29 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 33,65 điểm (-1,22%), xuống 2.713,43 điểm.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu nhảy vọt khi nhu cầu trú ẩn gia tăng do lo ngại lạm phát và cuộc khủng hoảng địa chính trị ở Ukraine đã tạo thêm một lớp áo khác dày hơn cho lạm phát.

Kết thúc phiên 4/3, giá vàng giao ngay tăng 36,4 USD lên 1.972,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 38,4 USD lên 1.974,3 USD/ounce.

Giá dầu thô tăng vọt do xung đột Nga-Ukraine tiếp tục gây ảnh hưởng và nguồn cung vẫn bị thắt chặt do các lệnh trừng phạt của phương Tây đến Nga.

Mặc dù các lệnh trừng phạt đối với Nga dù không nhắm trực tiếp vào hoạt động dầu khí của Nga, nhưng đã siết chặt ngành công nghiệp của nước này và làm gia tăng mối đe dọa gián đoạn nguồn cung trong những tháng tới.

Trong tuần, cả hai mặt hàng dầu thô Brent và WTI đã có mức tăng cao nhất kể từ giữa năm 2020, với dầu Brent tăng 21% và dầu WTI của Mỹ tăng tới 26%.

Kết thúc phiên 4/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI 8,01 tăng USD (+6,92%), lên 115,68 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 7,65 USD (+6,48%), lên 118,11 USD/thùng.

Tin bài liên quan