Yêu thương trên hiên nhà…

Yêu thương trên hiên nhà…

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thuở còn nhỏ, năm 2 lần, cứ đến Hè và Tết, bố mẹ lại gửi tôi về ông bà. Đó thực sự là kỳ nghỉ đích thực, không bài tập, không học thêm, không có lời dặn dò của thầy cô, không lo về điểm số, chúng tôi chơi dài trên cánh đồng trơ gốc rạ, luồn lách từ vườn nhà nọ qua vườn nhà kia, len lỏi men theo dòng nước, vặt mấy quả sung chát hay vạch bụi cây tìm quả vú bò.

1. Thuở còn nhỏ, năm 2 lần, cứ đến Hè và Tết, bố mẹ lại gửi tôi về ông bà. Đó thực sự là kỳ nghỉ đích thực, không bài tập, không học thêm, không có lời dặn dò của thầy cô, không lo về điểm số, chúng tôi chơi dài trên cánh đồng trơ gốc rạ, luồn lách từ vườn nhà nọ qua vườn nhà kia, len lỏi men theo dòng nước, vặt mấy quả sung chát hay vạch bụi cây tìm quả vú bò. Và rồi những ngày mưa gió lạnh lẽo sát Tết, khi người lớn cấm chỉ ra đồng, bọn trẻ chúng tôi chuyển căn cứ về nơi trú ẩn kiên cố và đầy ấm áp - hiên nhà chính.

Nhà nội là một ngôi nhà ba gian điển hình của nông thôn miền Bắc. Nhà ba gian vừa là nơi thờ cúng vừa là nơi ở của ông bà. Một dãy nhà ngang là nơi ở của các con cháu. Một gian bếp. Một khoảng sân rộng nhìn ra ao nhà. Nhà chính có một hiên nhà lát gạch đỏ. Có phên giại tre chắn mưa, chắn nắng.

Thực ra, hiên nhà không rộng lắm đâu, nhưng với tôi lúc ấy, hiên nhà thật rộng, thật cao, thật sạch - hẳn là sạch hơn hẳn mấy chỗ chúng tôi thường lê la ngoài đồng, trong làng.

Một hiên nhà thênh thang để chúng tôi gây cuộc chơi chuyền, chơi ô ăn quan, chơi trốn tìm. Thậm chí, chúng tôi còn lén “mượn” bộ bài của người lớn làm vài ván 3 cây hay tiến lên. Chúng tôi ồn ào lắm, la hét, cười đùa ầm ĩ. Lắm lúc hăng máu, chúng tôi gân cổ lên cãi nhau tưởng sắp choảng đến nơi.

Tôi vẫn còn nhớ ông nội hay ngồi trên tràng kỷ giữa nhà, mủm mỉm cười nhìn đám cháu vừa chơi vừa la hét vừa đổ lỗi cho nhau. Lúc nào thấy tình hình sắp có “biến” ông mới hắng giọng nhắc nhẹ một câu. Ông ít nói nhưng chúng tôi đều sợ ông, tự biết mà im im lại.

Ngày sóc, ngày vọng, sau khi hạ lễ, ông mang hoa quả ra hiên chia đều cho chúng tôi. Chỉ vài thức hoa quả mọi người mang đến thắp hương nhưng chúng tôi vô cùng hớn hở và bắt đầu cuộc xin xỏ, đổi chác trong tiếng chí chóe.

Chúng tôi còn chơi những gì trên hiên nhà? Tôi không nhớ nữa, chỉ nhớ chúng tôi luôn tụ tập ở hiên nhà chính, 6, 7 đứa trẻ lốc nhốc ở đó, có chị lớn, anh lớn nhà bác Cả, có tôi, có mấy đứa em nhà chú Út cùng với một đám trẻ hàng xóm nhưng cũng là anh chị em họ hàng và luôn luôn náo nhiệt, vui vẻ. Nhớ tối mùa Hè nóng bức, bà trải chiếu ra hiên, lũ cháu nằm sắp hàng và bà kẽo kẹt quạt cho chúng tôi. Những năm 1989 - 1900 ý mà, ở quê thì đừng mơ đến quạt điện. Cứ thế, làn gió thoang thoảng từ chiếc quạt nan của bà ru giấc ngủ chúng tôi…

2. Tôi học đại học năm thứ 2 thì bà nội mất. Khi ấy bà đã ngoài 90. Sau đó, phá nhà cũ. Huyện lên quận. Đất của ông bà chia cho 4 người con trai. Ai cũng xây nhà, xây tường bao. Hiên nhà thênh thang không còn, khoảnh sân đã chia tư.

Những ngày ấy, thi thoảng tôi về nhà, ghé vào thăm ông, hỏi ông có khỏe không, có muốn ăn gì bọn con mua… Rồi thì ngồi im hóng người lớn nói chuyện. Chị tôi đã có người yêu, qua Tết sẽ cưới. Anh tôi được người ta giới thiệu một chị ở bên Diễn, chưa biết thế nào. Thằng lớn nhà chú Út đang đi học gò hàn, học xong chú mở cửa hàng cho nó… Tôi ngẩn người ngồi nghe. Tôi còn đi học chưa xong…

Dù không có phên giậu tre, nhưng hiên nhà vẫn là nơi lũ nhóc trong làng trú chân bày trò chơi mỗi khi mưa gió hay nắng gắt.

Ông nội mất năm 92 tuổi. Gian nhà được chia bố tôi cho thuê. Tôi ngày càng ít về. Chỉ có dịp giỗ chạp, năm mới, đám cháu mới gác công việc, gia đình để có cơ hội gặp nhau. Ăn bữa cơm, nhơ nhớ mà kể với nhau vài câu chuyện từ năm nảo, cái hồi chị tôi làm trùm sò, dẫn một đám trẻ con quần thảo từ Đầu Gầu đến Văn Chỉ, đến Đường Tàu - những địa danh phân chia cánh đồng làng một thuở…

3Rồi thì bố mẹ tôi cũng đến tuổi thất thập. Người già lại nhớ vườn quê. Cũng là lúc nhà trong phố bị giải tỏa. Bố mẹ tôi mua sào đất ở quê, xây căn nhà nhỏ. Tôi đòi phải có hiên nhà. Hiên nhà giờ không có phên giại tre, chỉ có hàng lan can với cây mai hoàng yến hoa vàng đung đưa trong gió. Có một dãy cúc vàng trồng dưới mé hiên, tôi chờ Tết này chúng nở hoa…

Rồi Hà Nội giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid-19. Tôi đưa con trai về quê mới tránh dịch. Dịch bệnh nên ai ở đâu ở đấy. Cánh đồng thênh thang ngoài kia, đàn vịt quàng quạc trong ruộng lúa, mương nước ăm ắp mời gọi nhiều trò nghịch ngợm, nhưng tôi không dám cho con trai ra chơi với bọn trẻ trong làng. Đành vậy, giữ cho mình và cho mọi người.

Trong những ngày dịch bệnh đấy, con trai tôi thường tha thẩn ở ngoài hàng hiên, thi thoảng kể với mẹ hôm nay phát hiện một tổ kiến mới, hôm trước thấy kiến chúa dời tổ, thấy lũ kiến tha thạch sung, rồi hôm nào đó con tôi thấy một con thằn lằn làm tổ ở góc máy bơm, lũ côn trùng tới tấp bay vào hiên nhà… Chiều chiều, nó ôm gối ra ghế hiên nằm dài hóng gió, lúc đọc truyện, lúc chơi game. Thậm chí, giờ sinh hoạt lớp online, nó hớn hở livestream với bạn bè từng gốc cây, đám côn trùng trong vườn nhà…

Sớm thôi, khi dịch bệnh qua đi, bình thường trở lại, hiên nhà tôi sẽ mở cửa đón chào một lũ nhóc trong làng trú chân bày trò chơi mỗi khi mưa gió hay nắng gắt. Có thể chúng sẽ cùng nhau làm một ván bài uno, chơi thẻ hay cãi cọ về mấy chuyện lặt vặt nào đó. Và yêu thương sẽ mãi đong đầy trên hiên nhà…

Tin bài liên quan