Kế hoạch thanh kiểm tra 26 DN bảo hiểm trong năm 2014 là lớn nhất từ trước đến nay

Kế hoạch thanh kiểm tra 26 DN bảo hiểm trong năm 2014 là lớn nhất từ trước đến nay

10 doanh nghiệp bảo hiểm đã được thanh kiểm tra

(ĐTCK) Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), lãnh đạo Cục này cho biết, 6 tháng đầu năm, số lượng DN bảo hiểm được thanh kiểm tra chưa nhiều, kiểm tra được thực hiện chủ yếu tại trụ sở chính và chi nhánh DN tại các thành phố lớn.

Trước đó, tại Hội nghị ngành bảo hiểm hồi cuối tháng 2/2014, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cũng có đánh giá như trên về hoạt động thanh kiểm tra bảo hiểm năm 2013.

6 tháng đầu năm 2014, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm đã tiến hành thanh kiểm tra tại 4 DN bảo hiểm nhân thọ là AIA, Manulife, Dai-ichi và Hanwha Life; kiểm tra chuyên đề bảo hiểm xe cơ giới và hoa hồng bảo hiểm tại 4 DN bảo hiểm phi nhân thọ là Xuân Thành, AAA,VASS, BSH; kiểm tra 2 công ty môi giới bảo hiểm là Toyota, Tsusho.

Theo kế hoạch được Cục này đặt ra từ đầu năm tại Hội nghị ngành bảo hiểm hồi cuối tháng 2 thì năm 2014 sẽ tăng cường cả lượng lẫn chất trong thanh kiểm tra các DN bảo hiểm.

Theo đó, 4 doanh nghiệp thuộc diện thanh tra là Marsh Việt Nam, VNI, Cathay Life và Bảo hiểm PVI. 2 doanh nghiệp thuộc diện thanh tra dự phòng là MIC và Generali Việt Nam. 9 DN thuộc diện kiểm tra toàn diện gồm 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là Toàn Cầu, Samsung-Vina, Liberty, PJICO và 5 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm là Aon Việt Nam, Cimeico, Jardine Lloyd Thompson, Thái Bình Dương và Toyota Tsusho Việt Nam. Có 11 DN thuộc diện kiểm tra chuyên đề, gồm 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ về bảo hiểm xe cơ giới và hoa hồng bảo hiểm (Bảo Minh, AAA, Xuân Thành, BSH và VASS), 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ về hoạt động khai thác bảo hiểm, thẩm định phát hành hợp đồng bảo hiểm, giải quyết quyền lợi bảo hiểm, trích lập dự phòng nghiệp vụ, khả năng thanh toán (Bảo Việt Nhân thọ, Prudential, AIA, Hanwha Life, Dai-ichi, Manulife).

Như vậy, theo kế hoạch ban đầu thì có tới 26 DN/59 DN bảo hiểm đang hoạt động trên thị trường sẽ được thanh kiểm tra.

Một số ý kiến cho rằng, chưa nhiều DN bảo hiểm được thanh kiểm tra là do công tác thanh kiểm tra và giám sát chưa đáp ứng được quy mô và mức độ phức tạp của thị trường. Các cuộc thanh tra, nhất là kiểm tra chỉ tập trung tại trụ sở chính của DN, chưa tiến hành tại các đơn vị thành viên (công ty trực thuộc, chi nhánh). Số lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra còn mỏng, công tác bồi dưỡng đào tạo nghiệp vụ chưa thường xuyên.

Chưa kể, sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm (có hiệu lực từ ngày 15/10/2013), thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao cho Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm. Trong bối cảnh có sự “giao thoa” giữa 2 Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính là Nghị định 41/2009/NĐ-CP và Nghị định 98/2013/NĐ-CP, có những thay đổi về thẩm quyền, về mức xử phạt dẫn đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm gặp khó khăn, vướng mắc.

Dẫu vậy, so với các cuộc thanh kiểm tra trước đây thì số lượng và chất lượng đều tăng. Nếu như giai đoạn 2005 - 2009, mỗi năm chỉ kiểm tra 3 - 4 doanh nghiệp trong lĩnh vực phi nhân thọ thì đến năm 2013, tiến hành 3 - 4 cuộc thanh tra, còn số cuộc kiểm tra tăng gấp 4 - 5 lần và phủ rộng mọi lĩnh vực quản lý bao gồm bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ và môi giới bảo hiểm. Kế hoạch thanh kiểm tra 26 DN trong năm 2014 là lớn nhất từ trước đến nay.

Quan trọng hơn cả, theo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, thanh kiểm tra không chỉ phát hiện, ngăn ngừa các vi phạm, mà còn phát hiện bất cập trong cơ chế chính sách để sửa đổi, bổ sung. Từ đó, tạo môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tham gia bảo hiểm thông qua việc chấn chỉnh công tác chi bồi thường, chi trả quyền lợi bảo hiểm đầy đủ, kịp thời đúng với quy tắc, điều khoản sản phẩm.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhấn mạnh, trong 6 tháng cuối năm, ngoài việc thực hiện các phần việc khác như hoàn thiện các văn bản pháp lý, tái cấu trúc DN bảo hiểm thì công tác thanh tra, kiểm tra cần được đẩy mạnh để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, ổn định.      

Tin bài liên quan