Tình trạng “chạy số” sẽ giảm
Theo Điều 53 - Thông tư số 67/2023/TT-BTC (có hiệu lực thi hành từ ngày 2/11/2023, một số điều khoản cụ thể có hiệu lực từ ngày khác) hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm không được ký thêm hợp đồng đại lý cá nhân với nhân viên của tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm (để khai thác cùng một hợp đồng bảo hiểm).
Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm đã ký hợp đồng đại lý cá nhân với nhân viên của tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm nhằm thực hiện hoạt động đại lý trên cùng một hợp đồng bảo hiểm trước ngày thông tư này có hiệu lực phải thực hiện rà soát và đảm bảo tuân thủ quy định này trước ngày 1/7/2024.
Như vậy, quy định trên cấm các doanh nghiệp bảo hiểm ký thêm hợp đồng đại lý cá nhân với nhân viên của các tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm (như ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính khác) để khai thác cùng một hợp đồng bảo hiểm - một thực trạng đang tồn tại ở kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), thường gọi là “hợp đồng kép”.
Ông Trương Minh Cát Nguyên - CEO TILA Finance nhận định, hành lang pháp lý hoàn thiện hơn giúp định hình lại hoạt động của mô hình đại lý bảo hiểm tổ chức (gọi tắt đại lý tổ chức). Việc định hướng rõ ràng sẽ giúp các đại lý tổ chức thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh.
Trên thực tế, hơn 1 năm qua, quy định mới đã giúp khối đại lý tổ chức “bật lên”, nhiều đơn vị đã ký hợp đồng với nhiều hơn một công ty bảo hiểm. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tư vấn và Học viện đào tạo HP Life Insurance đã ký kết hợp tác với một loạt doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (Chubb, FWD, Shinhan, Hanwha…) và phi nhân thọ (VBI, PTI, MIC, BSH, DBV…).
Các doanh nghiệp bảo hiểm không còn can thiệp quá sâu vào định hướng phát triển kinh doanh của đại lý tổ chức, trong khi đại lý tổ chức cũng chủ động hơn trong việc cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân cho khách hàng, thâm nhập sâu hơn vào thị trường bảo hiểm với sự đa dạng sản phẩm. Theo chuyên gia TILA Finance, điều này góp phần hạn chế tình trạng “chạy số” (doanh thu bảo hiểm ảo), hay “chơi game, chạy game” bảo hiểm.
“Hiện chưa có số liệu nghiên cứu cụ thể về doanh thu bảo hiểm ảo. Việc giảm doanh thu phí bảo hiểm năm 2024 tại các công ty bảo hiểm nhân thọ có thể do yếu tố thị trường, chứ không hẳn là vì doanh thu ảo đã được kiểm soát. Song, có thể nói rằng, nếu không có Thông tư 67/2023 thì tình trạng này sẽ còn phổ biến. Lấy ví dụ giai đoạn 2022-2023, mặc dù là thời điểm diễn ra dịch bệnh Covid-19, hầu hết các ngành đều suy thoái, nhưng doanh thu phí bảo hiểm của toàn thị trường vẫn tăng phần nào cho thấy số tiền ‘chạy game’ không giảm, thậm chí tăng ở một số công ty bảo hiểm”, chuyên gia TILA Finance cho hay.
Dưới góc nhìn luật sư, TS. Lê Hồng Phúc - Công ty Luật Rajah&Tann LCT cho rằng, mục đích chính của Điều 53 - Thông tư 67/2023 là ngăn chặn tình trạng xung đột lợi ích, khi một cá nhân có thể nhận hoa hồng từ cả tổ chức đại lý và doanh nghiệp bảo hiểm cho cùng một giao dịch. Điều này giúp đảm bảo tính minh bạch, chuyên nghiệp trong hoạt động phân phối bảo hiểm, đồng thời yêu cầu các đại lý thực hiện đúng vai trò và trách nhiệm của mình trong hệ thống. Các đại lý tổ chức từ đây có cơ hội phát triển lành mạnh.
Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đánh giá, quy định mới nhằm đảm bảo chi phí chi cho đại lý không vượt mức giới hạn, bởi khi chi phí cho kinh doanh tăng thì bên gánh chịu cuối cùng vẫn là người bảo hiểm, đồng thời tránh cho việc 1 hợp đồng bảo hiểm phải gánh nhiều chi phí, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách chi nhiều tiền cho một 1 hợp đồng bảo hiểm.
Theo lãnh đạo một số đại lý tổ chức, trước khi có quy định mới, tình trạng “hợp thức hóa” chi phí từng xuất hiện tại kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, nên việc thiết lập “rào chắn” trần hoa hồng là cần thiết để tránh doanh nghiệp bảo hiểm trả thêm cho nhân viên ngân hàng nhằm tạo doanh số ảo.
Cũng liên quan tới đại lý tổ chức, chuyên gia TILA Finance cho hay, trước đây, việc doanh nghiệp bảo hiểm lấy hết người của đại lý tổ chức sau khi hợp tác không phải câu chuyện hiếm trên thị trường. Có trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm muốn lấy người của đại lý tổ chức đã tìm cách sa thải giám đốc điều hành đại lý tổ chức đó (bởi hợp đồng đại lý cá nhân là ký với giám đốc) là có thể thâu tóm toàn bộ đội ngũ của vị này. Bởi vậy, Thông tư 67/2023 được ban hành cũng nhằm mục đích tạo cơ chế bảo vệ cho các đại lý tổ chức.
Một vấn đề khác được chuyên gia TILA Finance nhấn mạnh là tình trạng “lách” thuế tại một bộ phận doanh nghiệp bảo hiểm, nên sau kỳ thanh tra thuế giai đoạn 2023-2024, cơ quan chức năng đã truy thu hàng trăm tỷ đồng tiền thuế từ những doanh nghiệp này. Do đó, quy định hạch toán chi phí liên quan tới hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng tại Thông tư 67/2023 là rất cần thiết.
Được biết, năm 2023, Bộ Tài chính đã công bố kết luận thanh tra hoạt động của kênh bancassurance tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife và Sunlife. Theo đó, các doanh nghiệp hạch toán chi phí liên quan đến hoạt động này là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 chưa đúng quy định. Trong đó, Prudential Việt Nam phải thực hiện hạch toán giảm chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 với số tiền hơn 740,2 tỷ đồng.
Quan trọng là phải “làm thật”
Ông Lê Hoàng Hải - Tổng giám đốc Công ty cổ phần TC Advisors - doanh nghiệp hoạt động theo mô hình đại lý tổ chức nhìn nhận, tại Việt Nam, mô hình đại lý tổ chức ngày càng phát triển đa dạng. Tuy vậy, thị trường cũng chứng kiến không ít đại lý tổ chức dần lụi tàn, rồi bị xóa sổ chỉ sau thời gian ngắn hoạt động do thiếu nội lực.
Để có thể hoạt động lành mạnh và đứng vững trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn hiện nay, ngoài việc đại lý tổ chức phải tự củng cố nền tảng nội tại, theo ông Hải, thì còn phụ thuộc không nhỏ vào các doanh nghiệp bảo hiểm đối tác.
“Chừng nào doanh nghiệp bảo hiểm còn có tư duy ‘mua người, mua số’ thì các tổ chức đại lý đối tác còn chưa thể ổn định. Tuy vậy, điểm thay đổi lớn nhất là hiện nay, Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm cắt giảm phí 3 năm đầu thu của khách hàng. Trước kia, có doanh nghiệp thu phí ban đầu lên tới 90%-80%-30% trong 3 năm đầu, thì bây giờ tối đa là 50%-30%-20%. Như vậy, chỉ những doanh nghiệp có tỷ lệ duy trì hợp đồng tốt mới có thể trả được hoa hồng cao cho các đại lý”, ông Hải nói.
Với kênh bancassurance, theo chuyên gia TILA Finance, kênh phân phối này ngày càng thể hiện vai trò quan trọng đối với ngân hàng. Về mặt hoạt động, ngân hàng đối tác cũng là một đại lý tổ chức của doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, các ngân hàng thương mại không thể trở thành một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đại lý bảo hiểm. Ngân hàng được thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng.
Căn cứ theo Mục b, Khoản 2, Điều 125 - Luật Kinh doanh bảo hiểm, tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện như đã đăng ký ngành, nghề kinh doanh hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều ngân hàng không thỏa mãn điều kiện để đăng ký và ký kết hợp đồng làm đại lý cho doanh nghiệp bảo hiểm do trước đây chỉ đăng ký những dịch vụ tài chính của ngân hàng.
Để giải quyết vấn đề trên, ngân hàng có thể thành lập các pháp nhân chuyên kinh doanh mảng đại lý bảo hiểm và điều này đã được nêu rõ tại Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Pháp nhân này sẽ được trực tiếp khai thác những lợi thế của ngân hàng và chịu trách nhiệm về chất lượng tư vấn bảo hiểm cho khách hàng.