12 ngày đêm thức trắng của tướng Giáp và bước ngoặt của Chiến dịch Điện Biên Phủ

12 ngày đêm thức trắng của tướng Giáp và bước ngoặt của Chiến dịch Điện Biên Phủ

Báo Đầu tư xin lược trích bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Đại tá, Cựu chiến binh,Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Trần Trọng Trung, người từng có thời gian tham gia chắp bút cho Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đây là phân tích về quá trình Đại tướng thuyết phục tập thể lãnh đạo Mặt trận để bộ đội Việt Nam chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng” mà Bác Hồ và Trung ương đã chỉ đạo.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ huy cả 8 chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Pháp, trong đó Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất, là đỉnh cao đọ sức giữa quân đội ta và quân viễn chinh Pháp. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ mang ý nghĩa và tầm vóc vượt xa các chiến dịch trước về nhiều mặt.

Trải qua hơn 100 ngày ở Mặt trận Điện Biên Phủ, cùng với toàn quân lập nên chiến công lừng lẫy năm châu - chấn động địa cầu, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp không những đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trước toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, mà còn để lại cho cán bộ và chiến sĩ nhiều thế hệ mai sau những bài học sâu sắc về tư duy quân sự, ý chí tiến công và phong cách người làm tướng, trong đó có việc xử lý khéo léo, kiên quyết, chính xác mối quan hệ của người đứng đầu chiến dịch với tập thể lãnh đạo mặt trận để lựa chọn cách đánh hiệu quả nhất cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng ủy Mặt trận nhằm bác bỏ cách đánh mạo hiểm và đi đến chấp nhận cách đánh bảo đảm chắc thắng là cuộc chiến diễn ra trước khi nổ súng trên chiến trường, và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể hiện phẩm chất ngay từ cuộc chiến này.

Cũng như các chiến dịch lớn khác trước đó, chịu trách nhiệm chung lãnh đạo chiến dịch Điện Biên Phủ là một Đảng ủy Mặt trận do Bộ Chính trị chỉ định, gồm các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái (Tham mưu trưởng chiến dịch), Lê Liêm (Chủ nhiệm chính trị), Đặng Kim Giang (Chủ nhiệm hậu cần)… Đồng chí Võ Nguyên Giáp là Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chỉ huy trưởng Mặt trận. Ngoài ra, bên cạnh Bộ chỉ huy chiến dịch còn có Đoàn cố vấn Trung Quốc do ông Vi Quốc Thanh làm Đoàn trưởng.

Những gì đã diễn ra ở Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa cho thấy, hai yếu tố khiến Tướng Giáp thành công trong việc cùng tập thể đi tới sự đồng thuận về cách đánh chiến dịch trước hết là trách nhiệm chính trị trước Đảng và nhân dân, trước xương máu của chiến sĩ và cùng với đó là phong cách sâu sát thực tế, dùng thực tế mà thuyết phục tập thể tiếp nhận yêu cầu cao nhất, đó là bảo đảm đánh chắc thắng. 

Tại Sở chỉ huy lâm thời, Đảng ủy hội ý lần đầu, nghe dự kiến kế hoạch của tham mưu về cách đánh chiến dịch. Qua ý kiến trao đổi, các đồng chí Đảng uỷ viên đều thấy trong điều kiện địch đang trong thế phòng ngự dã chiến, công sự chưa củng cố, ta cần đánh ngay.

Với phương châm đánh nhanh giải quyết nhanh như vậy, ta có khả năng tiêu diệt toàn bộ quân địch, giành thắng lợi trong ba đêm hai ngày.

Tuy chưa có ý kiến phát biểu trong lần hội ý đầu tiên này, nhưng Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp tự hỏi: Đánh như vậy liệu có mạo hiểm không, có chắc thắng không? Tướng Giáp tranh thủ trao đổi với cố vấn, thì ý kiến Trưởng đoàn Vi Quốc Thanh cũng đồng tình với cố vấn Mai Gia Sinh là nên đánh sớm, khi địch còn đứng chân chưa vững.

Chỉ huy trưởng không tin đánh vậy có thể giành được thắng lợi, nhưng vì là người mới đến, chưa có cơ sở để bác bỏ ngay phương án mà tập thể Đảng ủy lên trước hàng tháng đã lựa chọn lại được sự đồng tình của Đoàn cố vấn.

Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thì ở xa, không thể dùng điện đài để xin ý kiến về một vấn đề tuyệt mật như thế này, mà biên thư thì không kịp. Với ý thức của người luôn tôn trọng tập thể và để khỏi lãng phí thời gian, ông đồng ý để tham mưu triệu tập hội nghị cán bộ vào ngày 14/1 và phổ biến kế hoạch tác chiến để các đơn vị tranh thủ triển khai chuẩn bị chiến đấu theo phương châm đánh nhanh giải quyết nhanh.

Một thói quen của ông khi giao nhiệm vụ cho cấp dưới là thường gợi ý để cán bộ nói lên những khó khăn có thể gặp phải và cùng đề xuất phương hướng và biện pháp khắc phục. Lần này cũng vậy. Và ông thấy mọi người đều thể hiện quyết tâm rất cao, không một ý kiến đề xuất khó khăn hay đề nghị thay đổi nhiệm vụ chiến đấu, càng không một ý kiến “bàn ngang”, có chăng chỉ là hỏi thêm cho rõ nhiệm vụ được giao.

Bằng linh tính nhạy bén của người đã trải qua nhiều năm kinh nghiệm cầm quân, Chỉ huy trưởng cảm thấy đây là một hiện tượng không bình thường, rất đáng quan tâm.

Dù lúc này chưa đồng tình với cách đánh nhanh nhưng tại hội nghị phổ biến nhiệm vụ, Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp không hề lộ điều suy nghĩ của mình. Ông ân cần căn dặn mọi điều để cán bộ biết phương hướng khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ theo phương hướng kế hoạch đã phổ biến. Còn ông xác định cần tiếp tục suy nghĩ để nắm chắc tình hình thực tế hơn nữa và tìm thêm những yếu tố có thể dẫn đến giành thắng lợi bằng cách đánh nhanh hay không.

Sau khi lùi thời gian mở màn chiến dịch xuống ngày 25/1, rồi lùi thêm một ngày đến 26/1 do những khó khăn của bộ đội trong việc kéo pháo vào, chưa đảm bảo sức khoẻ, còn lúng túng chưa tìm ra cách đánh tốt nhất.

Ngày 26/1 tới, cũng là lúc Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trải qua 12 đêm ngủ không trọn giấc. Điều trăn trở không chỉ vì những lời Cụ Hồ dặn, chiến dịch này rất quan trọng, chỉ được đánh thắng, không chắc thắng thì không đánh, mà còn vì trách nhiệm trước xương máu của chiến sĩ. Ba phần tư lực lượng cơ động chiến lược của Bộ Thống soái đã dồn lên chiến trường. Nếu chiến dịch không thắng, hơn bốn đại đoàn chủ lực bị thương vong lớn thì tiền đồ cuộc kháng chiến sẽ ra sao, vị thế của đoàn ngoại giao ta tại Geneva sẽ thế nào?

Chỉ huy trưởng biết rằng, lúc này ở các đơn vị, mọi việc chuẩn bị cho trận đánh đã căn bản hoàn tất, cả về động viên chính trị tư tưởng đến biện pháp tổ chức chiến đấu theo phương hướng đánh nhanh. Bộ đội đang chờ lệnh ra vị trí xuất phát tiến công. Chỉ khoảng 10 tiếng đồng hồ nữa, tiếng súng mở màn chiến dịch sẽ nổ.

Sau một đêm thức trắng, sáng hôm sau (26/1), với nắm ngải cứu buộc trên đầu, ông Giáp sang gặp trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh. Ông thẳng thắn nói lên những suy nghĩ của mình hơn 10 ngày qua, nêu lên những khó khăn về chiến thuật mà bộ đội ta chưa có điều kiện khắc phục và khẳng định đánh nhanh không đảm bảo thắng lợi.

Cuối cùng ông nói rõ ý định tạm hoãn cuộc tiến công, kéo pháo ra, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại từ đầu để đánh theo phương châm đánh chắc tiến chắc.

Trong buổi họp Đảng uỷ Mặt trận sáng hôm đó, Bí thư Võ Nguyên Giáp thấy lúc đầu, mỗi đồng chí Đảng ủy viên đều có lý do để bảo vệ ý kiến của mình, mà đều là những ý kiến không thuận, vẫn muốn tiến đánh để tư tưởng chiến sĩ không hụt hẫng.

Bí thư Đảng ủy Võ Nguyên Giáp nhắc lại tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4, nhắc lại lời dặn của Cụ Hồ và đề nghị các đồng chí Đảng uỷ viên hãy vì trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và quân đội, hãy trả lời một câu hỏi cốt lõi lúc này là đánh như vậy có 100% chắc thắng hay không?

Trải qua vài giờ trao đổi với tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm cao, cuối cùng tập thể Đảng ủy cũng thấy rằng, thay đổi kế hoạch tác chiến sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về vận tải tiếp tế khi mùa mưa đến, nhưng không thể vì những khó khăn trở ngại do chiến dịch có thể kéo dài mà chọn một cách dánh không bảo đảm thắng lợi. Và một khi chiến dịch đã “sượng” thì còn phải đối mặt với biết bao nhiêu vấn đề phức tạp mà lúc này chưa hình dung hết được. Đảng ủy nhất trí cho rằng, thay đổi phương châm tác chiến là một quyết tâm rất lớn, là thể hiện cụ thể sự quán triệt tư tưởng chỉ đạo đánh chắc thắng của Trung ương.

Kết thúc buổi họp, Bí thư Đảng ủy Võ Nguyên Giáp yêu cầu từng thành viên trong Đảng ủy phải làm cho ba cơ quan Mặt trận, Bộ và cấp lãnh đạo các đại đoàn đồng tâm nhất trí thay đổi cách suy nghĩ và hành động cho phù hợp với tình hình mới. Ông sẽ thay mặt Đảng ủy báo cáo và đề nghị Trung ương động viên hậu phương dốc toàn lực cùng bộ đội ở tiền tuyến khắc phục mọi khó khăn để giành thắng lợi trọn vẹn cho chiến dịch.

Như chúng ta đã biết, ngay sau đó là mệnh lệnh kéo pháo ra và lui quân về vị trí tập kết, đồng thời là lệnh cho Đại đoàn 308 bất ngờ hành quân lật cánh sang hướng Thượng Lào, phá sập hành lang chiến lược sông Nậm Hu làm cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ càng bị cô lập và buộc tướng Navarre tiếp tục điều quân từ đồng bằng lên đối phó.

Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đi tới thắng lợi cuối cùng cũng chính từ bước ngoặt quan trọng này.

Đây là bài học luôn có giá trị mà tất cả chúng ta đều có thể suy nghĩ và vận dụng trên cương vị của mình vào công cuộc xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và xây dựng đất nước trong quá trình đổi mới hiện nay.

Tin bài liên quan