20 năm, hơn 78 tỷ USD vốn ODA cam kết

20 năm, hơn 78 tỷ USD vốn ODA cam kết

(ĐTCK) “Tôi đánh giá cao và bày tỏ lời cảm ơn chân thành với cộng đồng các nhà tài trợ”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nói tại Lễ kỷ niệm 20 năm hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ quốc tế diễn ra ngày 17/10 tại Hà Nội.

>> WB: Đã có 30 triệu người Việt Nam thoát nghèo

Nhiều công trình hạ tầng quan trọng được triển khai bằng nguồn vốn ODA

 

ODA có mặt ở hầu hết các lĩnh vực

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 20 năm qua, các nhà tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam trên 78,195 tỷ USD vốn ODA, trong đó đã ký kết hiệp định chính thức được 58,463 tỷ USD. Với 37,597 tỷ USD vốn giải ngân, rất nhiều chương trình, dự án sử dụng vốn ODA đã được đưa vào sử dụng.

Có thể nói, trong thời gian qua, ODA có mặt ở hầu hết các lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội. Các công trình sử dụng vốn ODA đã góp phần tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống của nhân dân. Chính vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Đối với Việt Nam, sự hỗ trợ của các bạn không chỉ là những đồng vốn quý báu lúc chúng tôi còn nghèo, sự hỗ trợ kỹ thuật tư vấn chính sách phát triển khi Việt Nam còn nhiều khó khăn trong chuyển đổi nền kinh tế, mà còn mang đậm tình hữu nghị, tính nhân văn”.

Không chỉ là khẳng định từ phía Việt Nam , cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế cũng đánh giá cao việc Việt Nam đã sử dụng vốn ODA đúng mục đích và mang lại hiệu quả cao. Được ghi nhận là nhà tài trợ hàng đầu cho Việt Nam nhiều năm nay, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Hiroshi Fukada nhấn mạnh: “Tôi thực sự thấy hài lòng vì vốn ODA đã được sử dụng hiệu quả và sự hỗ trợ của chúng tôi đã góp phần tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng cho rằng, một trong những thành công quan trọng của Việt Nam trong suốt 20 năm qua là tinh thần tự chủ trong sử dụng vốn ODA.

“Việt Nam đã tìm ra cách thức đưa các ý tưởng vào bối cảnh phát triển kinh tế cụ thể để sử dụng vốn ODA một cách hiệu quả, phục vụ cho các mục tiêu phát triển của mình”, bà Kwakwa khẳng định.

 

Cam kết sử dụng hiệu quả vốn ODA

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, bên cạnh số vốn cam kết và ký kết tăng dần qua từng năm, thì giải ngân vốn ODA vẫn chưa đạt được những đột phá để góp phần phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều chương trình, dự án sử dụng vốn ODA đã chậm tiến độ, dẫn đến việc một số dự án cắt giảm, hủy một số hạng mục và hoạt động, hoặc phải tái cấu trúc toàn bộ dự án. Hậu quả là giải ngân vốn ODA của cả nước đạt thấp so với vốn ODA đã ký kết, ảnh hưởng xấu tới hiệu quả sử dụng nguồn vốn này.

Bà Victoria Kwakwa cho rằng, trong quan hệ đối tác phát triển, đồng vốn viện trợ cũng quan trọng, nhưng khi Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, thì điều quan trọng hơn là trong thời gian tới cần phải tập trung vào các ý tưởng, giải pháp phát triển.

“Vốn ODA cần phải được sử dụng một cách chiến lược hơn. Chính phủ Việt Nam cũng cần hoàn thiện các chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững và thực thi điều này”, bà Kwakwa nói.

Ông Yiannis Neophytou, Tham tán Phát triển, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đang dựa trên thế mạnh về sản xuất các sản phẩm đơn giản với giá bán thấp và xuất khẩu hàng nông sản với khối lượng lớn. Tuy nhiên, chiến lược này có nhiều bất cập, bởi chìa khóa dẫn đến vị trí tốt hơn trên thị trường thế giới nằm ở sự cải thiện chất lượng và sự đa dạng hơn về chủng loại hàng hóa. Vì vậy, cần có lực lượng lao động được đào tạo ở trình độ cao. Và đó sẽ là trọng tâm trong quan hệ hợp tác giữa Đức và Việt Nam trong thời gian tới, chứ không chỉ là viện trợ ODA bằng tài chính.  

 

“Không lệ thuộc vào ‘đơn thuốc’ của các nhà tài trợ”

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

20 năm qua, Việt Nam đã chủ động khai thác những mặt tích cực của ODA để phục vụ cho công cuộc đổi mới, tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này thể hiện rất rõ khi chúng ta tiếp nhận các khoản vay và viện trợ kèm theo các khung chính sách của các định chế tài chính quốc tế, như IMF, WB… để cải cách DNNN, phát triển khu vực tư nhân, cải cách hệ thống tài chính, ngân hàng… Nhận vốn của nhà tài trợ nhưng chúng ta vẫn giữ vững được độc lập, tự chủ, theo lộ trình đã định phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của đất nước, chứ không lệ thuộc vào ‘đơn thuốc’ của các nhà tài trợ. 

Trong thời gian tới, Việt Nam xác định ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ cho các chương trình, dự án đầu tư công quan trọng, khó có khả năng thu hút đầu tư của khu vực tư nhân hoặc sử dụng các nguồn vốn vay thương mại.

Vốn ODA và vốn vay ưu đãi cũng sẽ được sử dụng như nguồn vốn bổ trợ nhằm khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thông qua nhiều mô hình và phương thức khác nhau, trong đó có hợp tác công - tư (PPP). Ngoài ra, một phần vốn ODA và vốn vay ưu đãi có thể được sử dụng để đầu tư phát triển sản xuất, nhằm thúc đẩy thương mại, góp phần tạo công ăn việc làm và tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các vùng, các địa phương.