3 cái tên ngành chứng khoán sắp "biến mất"

3 cái tên ngành chứng khoán sắp "biến mất"

(ĐTCK) Sau thương vụ MBS - VITSE, thị trường đang lộ diện thêm những thương vụ hợp nhất mới khi nhiều CTCK đang tích cực tìm "một nửa của mình".

Ngày 24/10/2013, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã ký quyết định chấp thuận cho CTCP Chứng khoán MB (MBS) hợp nhất với CTCP Chứng khoán VIT (VITSE). Động thái này đã mở đầu một giai đoạn mới trong tái cấu trúc CTCK, bởi trong thời gian tới đây, 4 CTCK đang có bước đi tương tự.

3 cái tên CTCK sẽ biến mất

Nguồn tin của ĐTCK cho biết, hiện có ít nhất 2 CTCK đang tìm đối tác để thực hiện hợp nhất, nhằm tái cấu trúc tình hình tài chính của mình. Đối tượng để hợp nhất theo mong muốn của các CTCK này là những đơn vị cùng ngành có tình hình tài chính “sạch”, quy mô vốn có thể linh hoạt, nhưng ưu tiên những CTCK có thế mạnh nhất định trong một số mảng hoạt động nghiệp vụ như môi giới, tư vấn…

Như vậy, dự báo trong tương lai gần, có thể có ít nhất 4 CTCK sẽ được tái cấu trúc qua hình thức hợp nhất và có 3 cái tên CTCK sẽ biến mất trên thị trường.

3 cái tên ngành chứng khoán sắp "biến mất" ảnh 1

MBS-VITSE là trường hợp CTCK đầu tiên hợp nhất thành công

Theo tìm hiểu của phóng viên ĐTCK, những đơn vị tìm kiếm đối tác hợp nhất đều có vốn điều lệ không dưới 200 tỷ đồng, có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán khá có tiếng trước kia.

Đến thời điểm hiện nay, dù hoạt động kinh doanh chính vẫn diễn ra đều đặn, nhưng việc thua lỗ lớn trong quá khứ khiến các DN này gặp khó khăn trong phát triển sản phẩm mới, chưa nói đến áp lực khi niêm yết cổ phiếu trên TTCK tập trung.

Việc hợp nhất báo cáo tài chính được kỳ vọng sẽ tạo ra một DN mới, không chỉ sạch về tài chính, mà còn mạnh hơn về các mảng hoạt động, do tích hợp được thế mạnh về khách hàng môi giới, mối quan hệ và cả cơ hội triển khai các nghiệp vụ tài chính mới do tình hình tài chính đã “sạch” hơn.

Những vướng mắc chính

Tính đến thời điểm này, MBS -VITSE là trường hợp CTCK đầu tiên và duy nhất đã hợp nhất thành công. Tuy nhiên, trước và cùng thời điểm với MBS, đã có CTCK mong muốn được hợp nhất, nhưng do gặp một số trở ngại, vẫn chưa thể thực hiện các bước tiếp theo.

Ngoài việc e ngại không muốn thành trường hợp đầu tiên với nhiều rào cản, vướng mắc, thì khúc mắc lớn nhất vẫn là câu chuyện tỷ lệ chuyển đổi khi hợp nhất.

Một nguồn tin của ĐTCK cho hay, có trường hợp một CTCK đến thời điểm này vẫn chưa hợp nhất thành công chủ yếu do cổ đông 2 bên không thống nhất được tỷ lệ chuyển đổi.

 Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này đến từ việc các cổ đông chưa tin tưởng hoàn toàn vào thực trạng tài chính công ty đối tác, dù báo cáo tài chính đã được công bố.

Việc chưa tin tưởng vào thực trạng báo cáo tài chính của đối tác xuất phát từ việc chuẩn mực kế toán hiện nay chưa phù hợp với thực trạng ngành tài chính, dẫn đến việc trong một số trường hợp phản ánh không chính xác hiện trạng tài sản, nguồn vốn của CTCK.

Điểm thứ hai là nhiều CTCK đang có những khoản nghĩa vụ tài chính có liên quan chưa được giải quyết triệt để, nên đối tác e ngại, do CTCK hình thành sau hợp nhất phải kế thừa toàn bộ nghĩa vụ, quyền lợi có liên quan của các pháp nhân tồn tại trước hợp nhất.

 

Khuyến khích sự tự nguyện

Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý Kinh doanh, UBCK cho biết, quan điểm của cơ quan này là khuyến khích các CTCK tự tìm hướng tái cấu trúc, trên cơ sở không vi phạm pháp luật, nhằm hướng đến mục tiêu hoạt động lành mạnh, hiệu quả hơn. Sự tự nguyện sẽ là cơ sở tốt nhất để tạo sự hòa hợp trong một pháp nhân hợp nhất.

Về vấn đề tồn tại những vướng mắc tài chính gây cản trở việc hợp nhất, ông Sơn cho biết, trước mắt, các DN muốn tham gia hợp nhất, sáp nhập, UBCK đều yêu cầu phải thuê kiểm toán vào thực hiện rà soát toàn bộ.

“Công ty kiểm toán sẽ đóng vai trò trung gian, đảm bảo mức độ chuẩn xác cao hơn trong việc xác định giá trị tài sản ròng các bên - căn cứ cho việc tính tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu trong hợp nhất”, ông Sơn nói.

Ngoài ra, về dài hạn, việc Vụ Chế độ kế toán và Kiểm toán (Bộ Tài chính) cùng UBCK và các bên có liên quan đang tiến hành xây dựng chế độ kế toán riêng áp dụng cho các CTCK, được kỳ vọng phản ánh chính xác thực trạng tài sản các CTCK.

“Khi chế độ kế toán mới được áp dụng, tình hình tài chính CTCK minh bạch hơn thì những khúc mắc liên quan đến tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu có thể sẽ giảm đi. Thêm vào đó, áp lực minh bạch cũng là động lực thúc đẩy CTCK phải tái cấu trúc mạnh mẽ hơn nữa ”, ông Sơn nói.