3 định hướng tạo đột phá mới trong hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông

0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia Trung Đông ngày càng phát triển, song chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và nhu cầu hợp tác hai bên, nhất là về đầu tư.

Ngày 26/8, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo trực tuyến về “Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông: Tiềm năng, cơ hội và cách tiếp cận mới”.

Đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo trực tuyến nhằm trao đổi về xu hướng, chính sách đầu tư ra nước ngoài của các nước Trung Đông, tiềm năng thị trường Việt Nam, để qua đó đề xuất các biện pháp, cách làm mới nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và khu vực.

Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 300 đại biểu tham gia trực tuyến, đại diện của hơn 20 Bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu, 20 cơ quan đại diện ngoại giao và gần 100 doanh nghiệp, hiệp hội, quỹ đầu tư và địa phương của Việt Nam và các nước Trung Đông.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đồng chủ trì hội thảo (Ảnh: BNG)

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đồng chủ trì hội thảo (Ảnh: BNG)

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng việc tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước Trung Đông. Để kiểm soát tốt dịch bệnh và khôi phục kinh tế, nhiều nước Trung Đông và Việt Nam đã có những điều chỉnh chính sách kinh tế, đầu tư và đẩy mạnh chuyển đổi số… nhằm nâng cao năng lực kinh tế, khả năng cạnh tranh quốc gia và phát triển theo hướng xanh, bền vững và sáng tạo.

Cho biết hội thảo hôm nay là bước đầu, gợi mở để tạo cách tiếp cận mới nhằm thúc đẩy thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư từ Trung Đông vào Việt Nam, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết tạo dựng môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Trung Đông trong giai đoạn phát triển mới.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trung Đông luôn được xem là khu vực có tiềm năng lớn trong hợp tác đầu tư trên thế giới. Trong những năm qua, thông qua nỗ lực hợp tác của các cơ quan ngoại giao, các Bộ ngành và doanh nghiệp của cả 2 bên, các doanh nghiệp Trung Đông cũng đã biết đến những tiềm năng, lợi thế của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo bà Ngọc, nguồn vốn đầu tư từ các quốc gia thuộc khu vực vào Việt Nam còn hạn chế, chưa phản ánh đúng tiềm năng, năng lực hợp tác giữa các bên. Tính đến nay, đã có 13/16 quốc gia Trung Đông đã đầu tư 136 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 917,1 triệu USD. Về đầu tư của Việt Nam tại Trung Đông cũng mới chỉ có 10 dự án với tổng vốn 90,4 triệu USD tại 6 quốc gia.

Các đại biểu tham dự hội thảo tại điểm cầu Hà Nội (Ảnh: Đức Trung)

Các đại biểu tham dự hội thảo tại điểm cầu Hà Nội (Ảnh: Đức Trung)

Trao đổi tại buổi Hội thảo, các đại biểu nhất trí đánh giá, Trung Đông là một thị trường lớn, tiềm năng, không chỉ về dầu khí mà còn về nguồn lực tài chính và khoa học công nghệ với nhiều Quỹ đầu tư công uy tín, lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều nước Trung Đông tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa nền kinh tế và có xu hướng đầu tư ra nước ngoài theo hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững gắn với chuyển đổi số, ưu tiên các lĩnh vực như du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản xanh, tài chính, năng lượng sạch (điện mặt trời, hydro xanh…), công nghệ tiên tiến, nông nghiệp thông minh…

Trong khi đó, Việt Nam có nhiều thế mạnh và tiềm năng trong thu hút đầu tư nước ngoài như vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ vào Đông Nam Á với thị trường rộng lớn gần 100 triệu dân. Việt Nam luôn duy trì ổn định chính trị-xã hội, sự phát triển kinh tế năng động và thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong 5 năm qua. Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với việc tham gia 17 Hiệp định tự do thương mại, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và RCEP…, môi trường kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ theo hướng minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.

Thời gian qua, mặc dù quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các quốc gia Trung Đông ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả với nhiều kết quả tích cực, song chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và nhu cầu hợp tác hai bên, nhất là về đầu tư. Khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư Trung Đông vào Việt Nam chủ yếu là do thiếu thông tin về thị trường, tập quán kinh doanh giữa hai bên cũng như hiệp định khuyến khích, bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và một số nước khu vực. Đồng thời, do tác động của Covid-19, nhiều hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư giữa hai bên còn gặp nhiều khó khăn… Tuy nhiên, dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Trung Đông là rất lớn và bổ trợ cho nhau.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đề xuất 3 định hướng lớn tạo đột phá trong hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông (Ảnh: BNG)

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đề xuất 3 định hướng lớn tạo đột phá trong hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông (Ảnh: BNG)

Để tạo đột phá mới trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Trung Đông, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đề xuất 3 định hướng hợp tác. Thứ nhất, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm lực mạnh trở thành đối tác với các doanh nghiệp Trung Đông. Nghiên cứu mô hình hợp tác với các đối tác thứ 3 để cùng hợp tác đầu tư các dự án lớn tại Việt Nam (tương tự mô hình dự án lọc dầu Nghi Sơn).

Thứ hai, xây dựng cơ chế hợp tác, kết nối các Quỹ đầu tư, thể chế tài chính Việt Nam với các Quỹ đầu tư, doanh nghiệp Trung Đông đầu tư vào các chương trình hạ tầng lớn của Việt Nam như dự án hạ tầng giao thông, dự án môi trường, hạ tầng khu công nghiệp...

Thứ ba, cần tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Trung Đông mở rộng nhập khẩu các thực phẩm Halal, sản phẩm nông sản, hoa quả, thủy hải sản… từ Việt Nam. Khuyến khích hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng các chuỗi cung ứng (bao gồm cả việc thành lập doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm tại các quốc gia Trung Đông để giảm giá thành) để trở thành đầu mối xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp, nông lâm sản sang các quốc gia Vùng Vịnh và Trung Đông rộng lớn.

Tin bài liên quan