3 hình thức nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam

3 hình thức nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam

(ĐTCK) Các đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam thông qua ba hình thức.

Theo báo cáo của JLL, Việt Nam có 335 ha đất được dành riêng cho hoạt động sản xuất công nghiệp vào năm 1986. Con số này đến 2018 đã đạt hơn 80.000 ha.

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam cho biết, chiến tranh thương mại không phải là nguyên nhân duy nhất cho sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp. Mà sự tăng trưởng đó có được nhờ vào sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, định hướng xuất khẩu, các Hiệp định thương mại tự do (FTA’s) được ký kết...

“Trong bối cảnh hiện tại, JLL quan sát thấy có sự tăng trưởng ở số lượng nhà các đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam”, đại diện JLL nói và cho biết thêm, các nhà đầu tư này đặc biệt quan tâm đến ba hình thức để thâm nhập thị trường này.

Hình thức đầu tiên là thu mua quyền sử dụng đất trực tiếp từ các công ty điều hành khu công nghiệp.

Có thể kể đến như Tập đoàn Amata Corporation - nhà cung cấp bất động sản công nghiệp từ Thái Lan, mua quyền sử dụng đất từ chính phủ vào năm 1994, và thành lập nên Khu công nghiệp Amata, tọa lạc tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Hình thức hai là thành lập mối quan hệ liên doanh chiến lược với các đối tác địa phương có uy tín, những doanh nghiệp mà có quyền sử dụng quỹ đất và có thể hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình hoàn tất các thủ tục pháp lý.

Hình thức thâm nhập điển hình khác là thu hồi đất trực tiếp, hoặc là bán và cho thuê lại các bất động sản công nghiệp đang hoạt động với thu nhập ổn định.

Đơn cử như thương vụ bán và cho thuê lại kho bãi tại VSIP 1, tỉnh Bình Dương vào quý IV/2018. Mapletree Logistics Trust đã chi 725,1 tỷ đồng (tương đương 31,5 triệu USD) nhằm thâu tóm kho bãi thuộc Công ty TNHH Quốc tế Unilever (Unilever Vietnam). Sau khi hoàn tất việc mua lại, tài sản này sẽ được Unilever Vietnam thuê lại trong 10 năm với mức tiền thuê tăng hàng năm.

“Chúng tôi kỳ vọng rằng lĩnh vực công nghiệp sẽ tiếp tục là lĩnh vực hấp dẫn nhất trong nửa sau 2019 và sự quan tâm từ nhà đầu tư nước vào Việt Nam vẫn tiếp tục vững mạnh. Chất lượng tài sản, tốc độ tăng trưởng giá thuê, quy mô giao dịch và thời hạn còn lại của quyền sử dụng đất là những yếu tố mấu chốt cho quyết định của nhà đầu tư”, ông Stephen Wyatt nhấn mạnh.

Tin bài liên quan