3 khó khăn cho các ngân hàng trong triển khai chuyển đổi số

3 khó khăn cho các ngân hàng trong triển khai chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức mà các tổ chức tài chính đang phải đối mặt. Tuy nhiên, đây là xu thế tất yếu trên toàn cầu mà các ngân hàng “không thể không thực hiện”.

Chuyển đổi số mở ra nhiều cơ hội

Tại Workshop Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng: Cơ hội và thách thức diễn ra tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng chiều ngày 25/7, TS. Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam (VIDE) cho rằng, chuyển đổi số sẽ mở ra nhiều cơ hội đáng kể cho ngành tài chính ngân hàng.

Cơ hội đầu tiên là tăng cường trải nghiệm khách hàng. Chuyển đổi số cho phép các tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ tài chính một cách nhanh chóng, thuận tiện và cá nhân hoá hơn. Khách hàng có thể tiếp cận và quản lý tài khoản của mình thông qua các ứng dụng di động và nền tảng trực tuyến, không phải đến ngân hàng truyền thống. Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo và chatbot cung cấp khả năng tương tác 24/7, giúp khách hàng giải đáp câu hỏi và nhận hỗ trợ một cách nhanh chóng.

Cơ hội thứ hai là tối ưu hoá quy trình nội bộ của tổ chức tài chính. Chuyển đổi số giúp tổ chức tài chính tự động hoá các quy trình nội bộ, từ quản lý tài sản, giao dịch đến kiểm soát rủi ro. Công nghệ blockchain cho phép các giao dịch được thực hiện một cách nhanh chóng, an toàn và minh bạch. Công nghệ trí tuệ nhân tạo và tự động hoá giúp giảm thiểu công việc thủ công và tăng cường hiệu suất làm việc.

Cơ hội thứ ba là khai thác dữ liệu. Chuyển đổi số cung cấp một lượng lớn dữ liệu từ khách hàng và giao dịch tài chính. Các tổ chức tài chính có thể sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn để khai thác thông tin quan trọng và hiểu rõ hơn về hành vi khách hàng, xu hướng thị trường và các cơ hội kinh doanh. Phân tích dữ liệu giúp đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu chính xác và tối ưu hoá chiến lược kinh doanh.

Cuối cùng, chuyển đổi số tạo ra cơ hội cho sự đổi mới và cạnh tranh. Các tổ chức tài chính phải sẵn sàng thích nghi với các xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (blockchain) và internet vạn vật (IoT). Sự đổi mới liên tục và sáng tạo giúp các tổ chức tài chính duy trì cạnh tranh, tạo giá trị bổ sung cho khách hàng.

TS. Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam (VIDE).

TS. Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam (VIDE).

Bà Lê Thị Minh Ngọc, Phó Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân, Giám đốc phát triển kinh doanh bán lẻ Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết, trước đây, Eximbank luôn gắn với thương hiệu ngân hàng xuất nhập khẩu, nên hoạt động kinh doanh gắn với khách hàng doanh nghiệp nhiều hơn khách hàng cá nhân. Từ năm 2005, EIB đã thực hiện chuyển đổi theo hướng tập trung vào khách hàng cá nhân nhiều hơn. Đến nay, ngân hàng này đã đạt mục tiêu 50% khách hàng doanh nghiệp và 50% khách hàng cá nhân.

Năm 2016, Eximbank bắt đầu chuyển đổi số và Ngân hàng đã đánh giá cơ hội, cũng như thách thức có thể gặp trong quá trình thực hiện. Về cơ hội, áp dụng chuyển đổi số sẽ góp phần tăng trưởng kinh doanh cốt lõi của ngân hàng, tăng trải nghiệm khách hàng, tiết kiệm chi phí và tăng cường hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, thách thức đi kèm là chi phí đầu tư ban đầu, đào tạo và thay đổi văn hoá, rủi ro bảo mật và sự thay đổi của công nghệ.

Sau khi thực hiện nhiều hạng mục quan trọng, lượng khách hàng mới của Eximbank tăng 44%/năm, lượng giao dịch trên ngân hàng số tăng trưởng khoảng 374%, doanh số giao dịch trên ngân hàng số đạt 16%/năm và số lượng giao dịch ngân hàng số tăng 57%.

“Năm 2022, lợi nhuận của Eximbank tăng trưởng 205%, do đó Eximbank xác định chuyển đổi số là mục tiêu sống còn, mục tiêu chiến lược cũng như là công việc không thể không thực hiện”, bà Ngọc nhấn mạnh.

Th.S Võ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cũng khẳng định, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đang trở thành một xu hướng quan trọng trong thời đại số hoá hiện nay. Bằng cách áp dụng công nghệ số hoá và tự động hoá, các ngân hàng và công ty tài chính cải thiện hiệu quả hoạt động và cung cấp trải nghiệm khách hàng tốt hơn.

Nhưng cũng không ít thách thức

Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng dù có nhiều lợi ích, nhưng cũng đối diện với một số vấn đề và thách thức. Th.S Võ Hoàng Liên đã đề cập đến 3 khó khăn mà các ngân hàng có thể gặp phải trong quá trình triển khai.

Thứ nhất là bảo mật thông tin. Việc lưu trữ và truyền tải dữ liệu khách hàng, thông tin tài khoản và các giao dịch tài chính đòi hỏi các biện pháp bảo mật cao để đảm bảo rằng thông tin này không bị xâm nhập hoặc đánh cắp bởi các kẻ xấu. Bất cứ vi phạm nào về bảo mật dữ liệu có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, gây mất mát tài chính và mất lòng tin của khách hàng.

Thứ hai là sự ổn định và tính khả dụng của hệ thống. Nếu hệ thống không hoạt động một cách ổn định, có thể dẫn đến gián đoạn trong cung cấp dịch vụ và gây ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng. Các sự cố kỹ thuật có thể gây mất kết nối với khách hàng, giao dịch bị huỷ hoặc chậm trễ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của ngân hàng.

Thứ ba là khả năng thích ứng với các thay đổi công nghệ. Việc triển khai các hệ thống chuyển đổi số mới có thể gặp khó khăn khi phải thích ứng với các xu hướng và tiến bộ công nghệ mới. Điều này đòi hỏi ngân hàng cần có chiến lược và kế hoạch linh hoạt để cập nhật, nâng cấp hệ thống, đồng thời đào tạo nhân viên dễ sử dụng công nghệ mới một cách hiệu quả.

“Để thành công trong việc chuyển đổi số, ngân hàng cần đảm bảo đưa ra được các giải pháp bảo mật hiệu quả, duy trì sự ổn định, tính khả dụng của hệ thống và linh hoạt trong việc thích ứng với các công nghệ thay đổi mới”, Th.S Võ Hoàng Liên bình luận.

Tin bài liên quan