50.000 án tồn đọng không thi hành được

50.000 án tồn đọng không thi hành được

(ĐTCK) Trong phiên chất vấn chiều ngày 11/6, các đại biểu Quốc hội đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp giải trình về những tồn tại trong việc thi hành án, cũng như trong việc xây dựng các văn bản pháp luật và thẩm định việc ban hành văn bản pháp luật của một số cơ quan chức năng.

Phát mại tài sản chỉ được đấu giá lại một lần

Đại biểu Trần Du Lịch (TP. HCM), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp giải trình thêm về việc thi hành án kéo dài, thủ tục phức tạp, nhiêu khê… Có ngân hàng khi xử lý nợ, muốn phát mãi tài sản nhưng nhanh nhất cũng mất 4 năm, thậm chí nhiều vụ việc kéo dài hàng chục năm. Đề nghị Bộ trưởng cho biết có giải pháp nào để tháo gỡ?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường đồng tình với các đại biểu rằng, phát mãi tài sản rất phức tạp và còn nhiêu khê. Nhưng vì tài sản liên quan nhiều vấn đề, đơn cử như bất động sản, thị trường có lúc “nóng”, lúc “lạnh”, nên có thể giá trị của tài sản lúc tuyên án với lúc đem ra phát mãi khác nhau. Do đó, việc đánh giá tài sản để bán đấu giá là không dễ.

Với tài sản của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, Luật rất thận trọng khi quy định cho chủ sở hữu có tài sản bị bán đấu giá có quyền yêu cầu đánh giá đi, đánh giá lại. Điều này dẫn đến thực trạng kết quả đấu giá nhiều lần không được thừa nhận, làm thời gian thi hành án bị kéo dài.

Về giải pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, nếu sửa Luật Thi hành án dân sự theo hướng người chủ sở hữu tài sản bị đấu giá chỉ có quyền khiếu nại kết quả định giá một lần, sẽ hạn chế được tình trạng này. Đồng thời, theo Bộ trưởng, cần xã hội hóa hoạt động định giá. Hiện Sở Tài chính và liên ngành thực hiện định giá cũng làm chậm trễ về thủ tục hành chính.

Liên quan đến việc tồn đọng thi hành án dân sự, Bộ trưởng Cường cho biết, do có những chỉ tiêu đặt ra khắc nghiệt yêu cầu phải ra quyết định thi hành án đảm bảo thời gian 100% (thực hiện 100% các bản án đã tuyên), trong khi số án chuyển từ kỳ trước sang vẫn còn nhiều. Năm 2013, số lượng vụ việc phải thi hành tăng cao, đặc biệt là số tiền thi hành án tăng đột biến, cao hơn năm trước tới 58%. Do đó, mặc dù số lượng vụ việc và tiền thi hành án tăng so với năm 2012, nhưng tính về chỉ tiêu Quốc hội giao thì vẫn không đạt.

“Tình trạng án tồn đọng, án chuyển từ kỳ này sang kỳ khác là vấn đề dai dẳng của thi hành án dân sự. Có khoảng 50.000 án tồn đọng không thi hành được, thậm chí có án có ‘tuổi thọ’ 20 - 30 năm. Tuy nhiên, so với thời điểm chúng tôi nhận nhiệm vụ ở Quốc hội khóa XII, án năm 2007 chuyển sang năm 2008 trên 350.000 vụ việc. Giờ, án chuyển từ năm 2013 sang 2014 là khoảng gần 240.000 vụ việc. Như vậy đã giảm được hơn 100.000 vụ việc. Đó là một sự cố gắng xin được Quốc hội ghi nhận. Chúng tôi đang phấn đấu làm sao chuyển án sang kỳ sau càng ít càng tốt, nhưng cũng phải có lộ trình”, Bộ trưởng trần tình.

Không lobby nhưng có tranh thủ

“Có hay không việc cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích riêng của bộ, ngành vào văn bản quy phạm pháp luật? Có hay không những quy định theo hướng tạo thuận lợi cho cơ quan công quyền đẩy khó khăn về phía người dân?”. Đây là vấn đề đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trong phiên chất vấn chiều 11/6. Câu hỏi của Đại biểu đã thu hút sự chú ý của những người theo dõi phiên chất vấn.

Trả lời Đại biểu, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã dẫn ra hàng loạt thông tin về quy trình, về chức năng, thẩm quyền thẩm định của Bộ Tư pháp. Theo đó, Bộ Tư pháp được giao thẩm định các văn bản từ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên, còn Thông tư, Thông tư liên tịch của các bộ giao cho pháp chế của các bộ thẩm định. Quy trình ban hành quyết định của Thủ tướng trở lên rất chặt chẽ: phải thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập, phải liên ngành, phải thẩm định, lấy ý kiến, đăng tải trên website...

“Thực tế trong nhiệm kỳ này, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, lợi ích cơ quan ở trong các văn bản của các bộ cũng chưa phải là vấn đề gì nổi lên”, Bộ trưởng nói và cho rằng, phải xem đứng từ phía nào để nhìn lợi ích nhóm, có thể mỗi cách nhìn lại khác nhau.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị Bộ trưởng đi thẳng vào vấn đề, “đại biểu hỏi lợi ích nhóm có không, Bộ trưởng nói không hay nói có. Đại biểu hỏi, làm luật, từng bộ làm thì bảo vệ quyền của mình có không? Bộ trưởng bảo có hay là không, bởi vì Bộ Tư pháp là bộ thẩm định”.

Trước lời nhắc của Chủ tịch Quốc hội cũng như câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã giải trình thêm: “Báo cáo Quốc hội là có những luật, không phải hoàn toàn là vấn đề lobby hay chạy cái này chạy cái khác, nhưng cũng có những tranh thủ này, tranh thủ kia…”.             

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

312 văn bản mà Bộ Tư pháp báo cáo là có vi phạm Hiến pháp và Luật đã gây hậu họa gì chưa, bởi nếu người ta căn cứ vào 312 văn bản này để tổ chức thực hiện thì gay go, nhưng nếu không tổ chức thực hiện lại vi phạm pháp luật. Tức là có thể kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo, cách chức, đến đuổi việc và vi phạm pháp luật có thể xử lý hình sự, chỗ này tôi thấy rất nghiêm trọng, rất nghiêm túc.

Về nợ đọng văn bản, Bộ trưởng nói là nợ văn bản 19%, nhưng tôi thấy nợ chỗ nào thì chỗ đấy là 100%, bởi vì 100% không thi hành được Luật về việc ấy chứ đâu phải 5%, 10%, 20%. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, Bộ trưởng tính thêm xem, chúng ta có đột phá gì, có cách gì để giải quyết tình trạng này.

Tin bài liên quan