50.000 tỷ đồng sẽ bị hút khỏi thị trường?

(ĐTCK-online) Các ngân hàng dư dật vốn khả dụng kéo dài, lạm phát vẫn chưa giảm nhiều. Có thể đây là một lý do khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có động thái khá mạnh bằng cách tăng dự trữ bắt buộc (DTBB) gấp đôi đối với VNĐ.

Theo tính toán của một chuyên gia thuộc một chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, số tiền sẽ bị hút trở về NHNN bởi biện pháp này sẽ lên tới khoảng 40.000 - 50.000 tỷ đồng, một số tiền không nhỏ đối với các ngân hàng hiện nay.

Cụ thể, mức DTBB đối với tiền gửi dưới 12 tháng của hầu hết ngân hàng sẽ tăng từ 5% lên 10%, riêng đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) từ 4% lên 8%, còn các quỹ tín dụng nông thôn từ 2% lên 4%. DTBB đối với ngoại tệ tiền gửi dưới 12 tháng cũng tăng từ 8% lên 10%, từ 12 - 24 tháng tăng từ 2% lên 4%.

Phản ứng của một số ngân hàng khi trao đổi với ĐTCK là "hơi sốc" bởi quyết định tăng DTBB được đưa ra khá đột ngột, và mức tăng gấp đôi là rất lớn. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần thậm chí còn cho rằng, nếu ở góc độ của một ngân hàng thì ông không thích biện pháp này, bởi nó làm chi phí vốn của ngân hàng tăng lên. Trước đây, huy động được 100 đồng thì ngân hàng được sử dụng 95 đồng, nay chỉ còn được sử dụng 90 đồng. Nhưng vị lãnh đạo này cũng thừa nhận rằng, khi đưa ra biện pháp mạnh này, NHNN chắc đã phải có tính toán.

Nhận định ban đầu của hầu hết lãnh đạo ngân hàng là quyết định này trước mắt sẽ chưa tác động nhiều tới hoạt động bình thường của các ngân hàng, bởi vốn khả dụng của các ngân hàng hiện nay dư thừa khá lớn.

Mặc dù vậy, theo lãnh đạo của một số ngân hàng lớn trong nước, với mức DTBB lên tới 10% thì khả năng tới cuối năm nay, nhiều ngân hàng sẽ bị thiếu hụt vốn khả dụng. Còn theo nhận định của một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam thì khoảng 3 tháng nữa tác động của việc tăng DTBB sẽ thể hiện rõ hơn. Thị trường khi đó sẽ khan hiếm vốn hơn, mặt bằng lãi suất có thể sẽ bị đẩy lên trở lại.

Thực tế, cách đây hơn một tháng, Hiệp hội Ngân hàng đã họp các thành viên và tìm được sự đồng thuận hạ lãi suất huy động. Từ đó đến nay, một số ngân hàng lớn có điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất huy động ở các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng. Nhưng với việc tăng DTBB thì lãi suất có thể được đẩy trở lại.

Theo nhận định chung, cho dù lạm phát phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng biện pháp trên sẽ góp phần kiềm chế lạm phát, bởi nó rút khỏi thị trường một lượng tiền khá lớn. Ngoài ra, nếu tín dụng tăng trưởng nóng thì đây sẽ là một biện pháp khá tốt để "giảm độ nóng" bởi DTBB tăng sẽ làm giảm mạnh vốn khả dụng của các ngân hàng, buộc các ngân hàng phải chọn lựa dự án cho vay có hiệu quả hơn.